Tình trạng rối loạn hoảng sợ khác với tình trạng khi bạn hoảng sợ thông thường hay là khi bạn lo âu hoặc căng thẳng. Đây là tình trạng nghiêm trọng diễn ra mà không có lý do hay sự cảnh báo nào.
Triệu chứng của tình trạng rối loạn hoảng sợ là gì?
Triệu chứng của rối loạn hoảng sợ bao gồm đột nhiên cảm thấy sợ hãi, lo lắng, đổ mồ hôi và tim đập nhanh. Theo thời gian, người bị tình trạng này phát triển nỗi sợ hãi liên tục và nó có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể cũng như chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, rối loạn hoảng sợ thường xảy ra kèm với những tình trạng nghiêm trọng khác như trầm cảm, nghiện rượu và lạm dụng thuốc.
Những triệu chứng của tình trạng này có thể tương tự với vấn đề tuyến giáp hay bệnh tim, vì vậy bạn nên cần kiểm tra các triệu chứng để chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ bao gồm:
- Khó thở;
- Tim đập mạnh hoặc đau ngực;
- Cảm giác nghẹn hoặc nghẹt thở;
- Chóng mặt;
- Run rẩy;
- Đổ mồ hôi;
- Ngứa ran và tê các ngón tay, ngón chân;
- Buồn nôn hoặc đau bụng;
- Ớn lạnh hoặc nóng ran;
- Có cảm giác như mình sắp chết.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng rối loạn hoảng sợ?
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự kết hợp các yếu tố về sinh học và môi trường là lý do gây nên tình trạng này. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền, sự căng thẳng, lạm dụng thuốc và một số yếu tố sinh hóa có thể gây ra tình trang rối loạn hoảng sợ .
Làm thế nào để giải quyết tình trạng rối loạn hoảng sợ?
Nếu bạn đang gặp vấn đề với cơn hoảng sợ, những phương pháp sau có thể giúp bạn cảm thấy bớt hoảng sợ và đẩy lùi được nó.
Đừng nên cố gắng đè nén cơn hoảng sợ
Nhiều người cố gắng tìm cách đè nén cảm xúc để ngăn lại tình trạng rối loạn hoảng sợ. Tuy nhiên, điều này có thể làm cho cơn hoảng sợ của bạn nghiêm trọng hơn. Khi rơi vào tình trạng này, bạn nên suy nghĩ rằng đó chỉ là một chút lo âu thoáng qua và không nên nghĩ ngợi quá nhiều. Làm như vậy sẽ giúp bạn dập tắt sự sợ hãi một cách dễ dàng hơn.
Giữ vững tinh thần
Cơn hoảng sợ có thể làm bạn mất kiểm soát. Một trong những cách để bạn đối phó với điều đó là tạo nên sự kết nối giữa cơ thể với tinh thần Bạn hãy cố tập thở sâu mỗi ngày. Thở thật sâu từ mũi và tưởng tượng cơ thể bạn được lấp đầy không khí và căng ra như một quả bóng. Sau đó bạn thở ra giống như bạn đang thở qua ống hút. Hãy thở nhẹ cho đến khi bạn cảm thấy không khí hoàn toàn được đi ra hết. Lặp lại như vậy 10 lần và hành động này sẽ giúp tạo ra sự thay đổi tích cực đối với sự căng thẳng của bạn.
Tập trung vào những việc làm khác
Một cách khác để giữ bình tĩnh trong cơn hoảng sợ là xoa tay hoặc chân trên một bề mặt như ghế hay tấm thảm. Tương tự như thế, bạn hãy đặt một cục đá lạnh trong một tờ khăn giấy, sau đó vắt nó thật mạnh trong một phút cho đến khi bạn cảm thấy lạnh và khó chịu. Đổi tay và lặp lại với tay bên kia. Những việc này sẽ giúp bạn tạm quên đi nỗi sợ hãi trong khi đang tập trung vào những việc khác.
Những cách trên giúp bạn giảm cường độ sợ hãi và trở lại trạng thái bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên phải đối đầu với nhiều nỗi sợ trong một ngày hoặc không ngừng lo lắng về một chuyện nào đó, bạn nên đến gặp những chuyên gia tâm lý để tư vấn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:
- 10 mẹo đơn giản giúp bạn thoát khỏi bệnh trầm cảm
- Sách tô màu: liệu pháp màu sắc giúp giảm stress
- Cách nhanh nhất để hết buồn bã và chóng thành công
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!