Cùng con yêu vượt qua nỗi sợ hãi

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Nếu nỗi sợ vẫn tiếp tục tồn tại khi trẻ đã lớn thì đó là lúc trẻ cần sự giúp đỡ của cha mẹ để vượt qua.

Đối với người lớn, nỗi sợ hãi của trẻ con có vẻ khá ngô nghê và vô lý. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng với trẻ thì thế giới luôn ngập tràn những mối đe dọa. Phần lớn những nỗi sợ hãi này sẽ dần biến mất khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, nếu chúng vẫn tiếp tục tồn tại và hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ của trẻ thì đó là lúc trẻ cần sự giúp đỡ của cha mẹ để vượt qua. Và dưới đây là những gợi ý để cha mẹ giúp trẻ loại bỏ những nỗi sợ hãi kinh khủng nhất – cả thật và ảo.

1. Nỗi sợ hãi của trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi

Trẻ ở độ tuổi từ 2 - 3 là những cô bé/cậu bé của những thói quen. Chính vì vậy, bất kỳ hình ảnh hay âm thanh gì bất thường, ví dụ một con vật lạ tiến lại gần hay tiếng còi báo động đinh tai nhức óc, đều có thể khiến trẻ hoảng loạn. Thông thường, trẻ mới biết đi rất sợ những thứ vô hại, ví dụ như máy hút bụi. Nguyên nhân là do dù đã có những nhận thức nhất định về môi trường nhưng trẻ chưa thực sự hiểu được tất cả mọi việc đang diễn ra trong môi trường đó.

Cùng con yêu vượt qua nỗi sợ hãi

Ảnh minh họa

Ví dụ, trẻ có thể biết rằng máy hút bụi là để hút bụi bẩn, nhưng lại không dám chắc rằng liệu cái máy đó có ‘hút’ luôn mình hay không. Bên cạnh đó, nỗi sợ hãi của trẻ cũng thường bắt nguồn từ một trải nghiệm đáng sợ mà trẻ đã trải qua. Ví dụ, một đứa trẻ bật khóc khi bóng bay trong sinh nhật của mình bị nổ thì có thể sẽ hình thành sự sợ hãi với tất cả bóng bay nói chung.

Giải pháp

- Hãy làm thám tử: Nếu trẻ không thể nói cho bạn biết nguyên nhân nào khiến trẻ sợ hãi thì hãy tự mình tìm các manh mối. Một bà mẹ chia sẻ rằng cậu con trai 2 tuổi của mình đôi khi rất hoảng sợ khi mặc quần áo, và sau một thời gian quan sát thì cô nhận thấy rằng phản ứng đó chỉ diễn ra khi cậu bé mặc áo có cúc. ‘Có thể vì không biết cách tháo cúc nên thằng bé sợ bị mặc kẹt trong mấy chiếc áo sơ mi của mình’, cô chia sẻ.

- Sáng tạo: Hãy thử nghiệm các phương pháp khác nhau để giúp bé yêu cảm thấy an toàn hơn. Đối với trẻ ở giai đoạn này thì những giải pháp càng trực quan càng tốt.  Ví dụ, nếu trẻ sợ bị hút xuống ống thoát nước bồn tắm thì hãy dùng một chiếc khăn hoặc một chiếc cốc úp ngược để che miệng ống lại.

- Thay đổi nhận thức của trẻ: Nếu trẻ hét ầm lên khi nhìn thấy côn trùng thì hãy đọc cho trẻ nghe những cuốn sách về các loài côn trùng thân thiện hoặc vẽ tranh về chúng. Nhờ thế, trẻ có thể sẽ hết sợ côn trùng và dần dần sẽ dũng cảm hơn khi tiếp xúc với những chú côn trùng thật sự ngoài đời. 

- Loại bỏ niềm tin sai lệch: Các ông bố bà mẹ chắc chắn cho rằng cắt tóc là việc hết sức đơn giản. Tuy nhiên, đấy là do chúng ta biết rõ rằng tóc không hề bị chảy máu, và rằng ông thợ cắt tóc sẽ không vô tình cắt vào tai của mình. Tuy nhiên, trẻ thì chưa thể hiểu rõ về những điều đó. Vì thế, hãy dần dần giúp trẻ nắm bắt vấn đề. Trẻ càng biết nhiều thì sẽ càng ít lo lắng và sợ hãi.

2. Nỗi sợ hãi của trẻ mầm non

Ở độ tuổi từ 4 - 5, trẻ bắt đầu ý thức được về các khái niệm trừu tượng và do đó, nỗi sợ hãi của trẻ cũng trở nên phức tạp hơn. Trẻ sợ hãi về những gì mà trẻ có thể nhìn thấy và những gì ấn nấp trong trí tưởng tượng của trẻ, ví dụ như quái vật dưới gầm giường, những thứ đáng sợ xuất hiện trong bóng tối và những chuyện có thể xảy ra khi bố mẹ không ở bên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đây là độ tuổi gặp phải nhiều ác mộng nhất. Và do trẻ ở giai đoạn này vẫn chưa thể dễ dàng phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng nên những cơn ác mộng mà trẻ gặp phải có thể khiến trẻ sợ hãi và lo âu trong thực tế.

Cùng con yêu vượt qua nỗi sợ hãi

Ảnh minh họa

Giải pháp

- Trả lời các câu hỏi ‘Sẽ thế nào nếu…’: Trẻ trong giai đoạn này lo sợ nhất về những điều tiềm ẩn có thể xảy ra. Ví dụ, nếu trẻ nhảy lên sợ hãi khi nhìn thấy con chó của nhà hàng xóm thì hãy giúp trẻ bình tĩnh lại bằng cách giải thích về hành vi của con chó. Thay vì nói rằng: ‘Con chó sẽ không cắn con đâu’, thì hãy nói gì đó cụ thể hơn, ví dụ: ‘Con chó ngửi con để nhận biết người quen. Nó sủa vì đó là cách nó giao tiếp và nói chuyện với chúng ta’.

- Không phản ứng thái quá với các cơn ác mộng của trẻ: Nếu con bạn tỉnh giấc giữa đêm và hét ầm lên vì một cơn ác mộng thì hãy cố gắng vỗ về và giúp bé bình tĩnh. Sau đó, thay vì cho bé sang ngủ cùng giường với bạn – điều mà nhiều bậc cha mẹ hay làm vì quá mệt mỏi trong việc dỗ dành con – thì hãy nhanh chóng trấn an con, sau đó lại đưa trẻ trở về giường ngủ riêng của trẻ. Nếu không thì, theo quan điểm của trẻ, chính bạn đã xác nhận nỗi sợ hãi của trẻ là có căn cứ.

- Cho trẻ hình mẫu: Nếu con bạn sợ hãi một trò chơi nào đó tại sân chơi thì hãy khuyến khích trẻ xem anh/chị lớn hơn hoặc một bạn bằng tuổi chơi trò đó; và trong quá trình đó không nên nói gì tạo ra áp lực bắt trẻ tiếp tục chơi. Chỉ cần nhìn thấy ai đó giống mình hoặc có liên quan đến mình đối mặt với nỗi sợ hãi của mình thì trẻ sẽ có thêm can đảm.

- Tôn trọng cảm xúc của trẻ: Trêu chọc hoặc buộc trẻ phải đối mặt với tình huống mà trẻ sợ hãi sẽ chỉ gây phản tác dụng. Tuy nhiên, cũng không nên nuông chiều nỗi sợ hãi của trẻ bởi vì như thế là bạn có thể khiến trẻ nghĩ rằng trẻ sợ hãi là đúng, rằng trẻ đang thực sự gặp nguy hiểm. Ví dụ, nếu con bạn luôn có hành động bất thường mỗi khi nghe thấy tiếng sấm thì cũng không nên ôm lấy và giữ chặt con. Hãy cúi xuống gần trẻ và nói với trẻ về việc đó.

3. Nỗi sợ hãi của trẻ lớn

Trẻ lớn hơn một chút sẽ nhận thức được rằng những điều tồi tệ đôi khi vẫn xảy ra xung quanh mình. Tuy nhiên, điều mà trẻ chưa thực sự hiểu là khả năng và xác suất xảy ra những sự kiện đáng sợ làm rung chuyển thế giới đó, ví dụ như việc một người lạ mặt trèo vào phòng ngủ qua cửa sổ vào ban đêm, một trận bão, hay một vụ bạo lực tại trường học. Và do thường xuyên nghe thấy những điều này từ bạn bè hay nhìn thấy trên tivi nên trẻ chưa có được cái nhìn tổng quan về toàn bộ vấn đề.

Cùng con yêu vượt qua nỗi sợ hãi

Ảnh minh họa

Giải pháp

- Dạy trẻ kỹ năng đối phó: Trẻ ở độ tuổi này đã đủ lớn để học các kỹ thuật thư giãn giúp trẻ kiểm soát những phản ứng thể chất của mình trước nỗi sợ hãi, ví dụ như tim đập mạnh hay ruột gan quặn thắt. Hãy khuyến khích trẻ hít thở sâu và chậm đồng thời đọc một câu ‘thần chú’ nhẹ nhàng như : ‘Mình hoàn toàn an toàn khi ở trên giường. Tất cả cửa ra vào và cửa sổ đã đóng chặt’.

- Tránh cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với các phương tiện truyền thông: Do thế giới quan của trẻ còn hạn chế nên trẻ không hiểu rõ các trận bão xuất hiện thường xuyên như thế nào hay có bao nhiêu kẻ bắt cóc trẻ em tồn tại (và trẻ thường nghĩ đến một con số nhiều hơn thực tế mỗi khi trẻ tình cờ nghe được những gì bạn đang nghe trên đài hay tivi). Thậm chí một số chương trình và trò chơi điện tử dành cho trẻ con cũng có nội dung hơi quá so với tuổi và nhận thức của trẻ.

- Hãy nói với trẻ về cái chết: Ở tuổi này, trẻ bắt đầu lo lắng về việc một ngày nào đó cha mẹ sẽ chết. Vì thế, nếu trẻ nói với bạn về chủ đề đó, hãy trấn an trẻ rằng bạn sẽ còn sống rất lâu nữa; đồng thời bạn có thể nói với trẻ về những thói quen tốt cần tuân theo để giữ cơ thể khỏe mạnh và sống lâu.

- Giải thích về khả năng xảy ra của sự việc: Khi một sự kiện đáng sợ xuất hiện trên bản tin, ví dụ như một cuộc khủng bố hay một thảm họa thiên nhiên, đừng tránh nói với trẻ về việc đó. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng những thảm kịch đó xảy ra với tần suất không nhiều; và trong trường hợp có điều gì không hay xảy ra thì bạn, trường học, và địa phương sẽ có kế hoạch để giữ an toàn cho tất cả mọi người.

Khi sự sợ hãi trở thành nỗi ám ảnh

Mọi người thường sử dụng hai cụm từ ‘sợ hãi’ và ‘ám ảnh’ thay thế cho nhau. Tuy nhiên, đây là hai vấn đề có sự khác biệt. Ví dụ, nếu trẻ sợ nước, trẻ có thể khóc khi tắm nhưng bạn vẫn có thể thường xuyên dỗ trẻ vào bồn tắm. Tuy nhiên, một đứa trẻ bị ám ảnh về nước thì có thể hoàn toàn bị kích động chỉ ngay khi nghe thấy tiếng nước chảy, và bạn khó có thể thuyết phục trẻ bước vào nhà tắm.

Khoảng 3-5% trẻ đối mặt với một nỗi ám ảnh hay một sự sợ hãi quá mức và căng thẳng kéo dài và chính điều đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của trẻ. Những nỗi ám ảnh thường gặp nhất với trẻ là động vật, côn trùng, nước, bão, bóng tối, và bị đau. Nếu chẳng may con bạn có những nỗi ám ảnh như vậy thì hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sỹ chuyên khoa nhi hoặc chuyên gia tâm lý trẻ em. Đừng bỏ qua vấn đề và giả định rằng con mình sẽ tự mình vượt qua nỗi ám ảnh đó khi lớn hơn. Điều đó có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Nhật Khôi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!