Mặc dù trái tim của bệnh nhân đã gần như ngừng đập cả tiếng đồng hồ, còn rất rất ít cơ hội sống sót nhưng các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá.
Ca bệnh tim hiểm nghèo này thành công ngoài mong đợi đã một lần nữa chứng minh bản lĩnh cũng như tay nghề cao của các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội.
Cứu trái tim đã ngừng đập
Người bệnh may mắn đó là anh Trần Xuân Mạnh, 26 tuổi, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nhanh, mẹ bệnh nhân, anh Mạnh đang khỏe mạnh bình thường thấy có biểu hiện ho, sốt, cảm cúm mãi không khỏi.
Đến bệnh viện huyện khám thì ngay lập tức bác sĩ nói phải chuyển về bệnh viện (BV) tuyến trên ngay vì tim có vấn đề. Gia đình hốt hoảng vội đưa con lên BV Tim Hà Nội vào đầu tháng 8.2016.
Các bác sĩ của BV tim Hà Nội đã chẩn đoán bệnh nhân bị Osler (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng) van động mạch chủ gây hở van động mạch chủ mức độ nặng nhất 4/4, thất trái giãn lớn, chức năng tim giảm rất nhiều...
Các bác sĩ đã đưa ra quyết định phải phẫu thuật ngay để thay van động mạch chủ, nếu không bệnh nhân sẽ chết.
Ca phẫu thuật được tiến hành tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba sau mổ bệnh nhân bất ngờ có diễn biến nặng với các triệu chứng loạn nhịp rung thất (tình trạng cơ tim bị rung, về huyết động lúc đó coi như là ngừng tim).
Ngay lập tức bệnh nhân được điều trị chống rung, dùng các thuốc chống loạn nhịp, ép tim ngoài lồng ngực trong hơn 1 giờ đồng hồ nhưng trái tim vẫn không đập lại, thậm chí đồng tử hai bên đã giãn.
Bệnh nhân Trần Xuân Mạnh đã thoát cửa tử ngoạn mục nhờ sự quyết tâm của các bác sĩ
TS.BS Đào Quang Vinh – Trưởng khoa Ngoại – BV Tim Hà Nội – người trực tiếp cùng êkíp cấp cứu cho bệnh nhân kể lại: Trước tình huống đó, ê kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức đã đưa ra một phương pháp điều trị rất táo bạo, đó là vừa ép tim vừa chuyển bệnh nhân đến phòng mổ.
Đặt ngay máy tim phổi nhân tạo để trợ giúp cho quả tim qua đường động tĩnh mạch đùi và quyết định mở ngực lại để cặp động mạch chủ.
Sau đó dùng phương pháp xóa rung thất bằng cách cho cơ tim liệt toàn bộ với dung dịch liệt tim; thả cặp động mạch chủ cho tim đập lại, sau đó tim đã đập lại và lấy lại được nhịp.
Rồi tiếp tục dùng máy tim phổi nhân tạo hỗ trợ cho quả tim cộng với đặt bóng đối xung động mạch chủ. 1 giờ sau tim bệnh nhân đã đập khá lên và dần cai được máy tim phổi nhân tạo, đồng tử đã co lại có phản xạ ánh sáng.
Sau đó bệnh nhân được đóng ngực và chuyển về hồi sức. Trong quá trình điều trị tiếp theo ở Khoa Hồi sức bệnh nhân đã tiến triển tốt dần.
Hai tuần sau bệnh nhân được rút máy thở, tỉnh táo, tim đập tương đối tốt. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh theo đúng liệu trình và ra viện trong vài ngày tới.
Cứu bệnh nhân dù chỉ còn 1% hy vọng
Theo TS Đào Quang Vinh, đây là trường hợp không quá hiếm gặp. Những bệnh nhân ở bệnh phòng hay khoa hồi sức cấp cứu, với tình trạng suy tim, rối loạn nhịp tim, rung thất...đã dùng tất cả các biện pháp để cứu chữa như: ép tim, chống rung, các loại thuốc chống rung, chống loạn nhịp...mà hàng tiếng đồng hồ không mang lại kết quả thì thông thường bệnh nhân rất khó qua khỏi.
Song đây là một trường hợp được cứu sống rất đặc biệt nhờ vào sự cấp cứu quyết liệt, với tinh thần 'còn nước, còn tát' cứu bệnh nhân đến cùng của các bác sĩ. 'Bệnh nhân đã được cứu sống là kết quả ngoài mong đợi. Lúc đó cả ê kíp chỉ nghĩ là còn 1% hy vọng sống cũng phải cố hết sức. Trái tim của bệnh nhân đập trở lại đã chứng minh rằng cả ê kíp đã đi đúng hướng và có quyết tâm cao, dám chịu trách nhiệm... Một điều đặc biệt hơn, đây là ca bệnh điển hình, có thể là kinh nghiệm về cách xử trí cho những trường hợp tương tự về sau.' – TS Vinh nói.
TS Đào Quang Vinh TS Đào Quang Vinh ân cần hỏi chuyện với bệnh nhân Mạnh
Để có được thành công ngoạn mục này phải kể đến sự 'chịu chơi' của lãnh đạo BV Tim Hà Nội. Mặc dù cơ chế tự chủ, BV Tim Hà Nội vẫn đã rất tự tin, sẵn sàng đặt sự sống của bệnh nhân lên trên tất cả.
Với trường hợp bệnh nhân Trần Xuân Mạnh, khi trong tình trạng nguy cấp, các bác sĩ lúc đó chỉ nghĩ cách làm thế nào để cứu bệnh nhân, không cần biết bệnh nhân nghèo hay giàu mà đã nhanh chóng quyết định phương án phẫu thuật tối ưu nhất và cũng tốn kém nhất.
Chỉ đến khi cứu sống được bệnh nhân các bác sĩ mới hay gia đình bệnh nhân Mạnh chỉ làm nghề nông, hoàn cảnh khó khăn phải vay mượn tiền để đưa con đi viện.
Nguyên nhân thường gặp gây suy tim. (Việt hóa bởi SongKhoe.vn)
'Nhờ sự giúp đỡ, động viên của lãnh đạo bệnh viện nên các bác sĩ mới dám làm và quyết tâm làm bằng được và có thể đưa ra những quyết định mạnh bạo khi giành giật sự sống cho bệnh nhân. Vì thế các bác sĩ của BV Tim Hà Nội đều rất táo bạo về chuyên môn và lương tâm trong những trường hợp tỉ lệ thành công rất nhỏ cũng không bỏ cuộc.' – TS Vinh tâm sự.
Nhìn bệnh nhân đi lại nhanh nhẹn, nói cười vui vẻ trong phòng bệnh, TS Đào Quang Vinh và toàn bộ êkíp đã rất hạnh phúc.
Bệnh nhân đã thoát cửa tử trong gang tấc mà không để lại bất cứ di chứng liệt, tai biến nào. Không gì vui bằng khi thấy bệnh nhân được trở về với cuộc sống bình thường, có thể lao động kiếm tiền nuôi vợ con, gia đình... Với các bác sĩ bệnh viện Tim Hà Nội, đó là món quà tinh thần vô giá.
Điều cần biết về bệnh lý Osler (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng)
- Nguyên nhân: Do có viêm nhiễm ở cơ thể như: ngoài da, áp xe răng miệng, mụn nhọn, xước chân tay...làm đường cho vi khuẩn xâm nhập vào máu rồi đỗ ở van tim gây viêm.
- Triệu chứng: Thường sốt dai dẳng, mệt mỏi, khó thở, tức ngực...
- Phòng bệnh: Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, điều trị các ổ nhiễm trùng triệt để, đúng chuyên khoa. Không nên tự ý điều trị sẽ gây nhiễm trùng sâu vào máu có thể vào tim.
- Osler thường ít gặp nhưng đã bị rất nguy hiểm đến tính mạng.
>> Xem thêm: Chăm sóc bệnh nhân tim mạch
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!