Chiều 9/9, PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn xuyên tim hết sức hy hữu bị vật nhọn đâm thấu tim, máu phun liên tục.
Điều đặc biệt là ca phẫu thuật được tiến hành ngay trên cáng 'dã chiến', tại phòng tiếp nhận bệnh nhân của Viện Tim mạch. Bệnh nhân là anh Dương Văn S (SN 1965), làm nghề gỗ ở Từ Sơn, Bắc Ninh.
Trong lúc sẻ gỗ bệnh nhân không may bị thanh gỗ nhọn đâm trúng ngực, xuyên tim. Bệnh nhân S đã nhanh chóng được Bệnh viện đa khoa Từ Sơn - Bắc Ninh chuyển đến Bệnh viện 108 vào lúc 13h ngày 8/9, trong trạng thái ý thức lơ mơ, huyết áp tụt, mạch nhanh, sốc chấn thương.
Phim chụp tổn thương tim của bệnh nhân S
Người trực tiếp tham gia cuộc phẫu thuật là BS Ngô Tuấn Anh, BS Trần Quang Thái (khoa Phẫu thuật tim mạch), phối hợp cùng các bác sĩ khoa Cấp cứu, Gây mê hồi sức của Viện Tim mạch. Bệnh nhân bị tai nạn lao động trong lúc làm nghề mộc với 1 vết đâm ở ngực trái.
Trước khi đến BV 108, dị vật là một khúc gỗ nhọn đã được rút ra khỏi cơ thể. Ngay lập tức các BS khoa Cấp cứu và khoa Phẫu thuật tim mạch đã khám nhanh và phát hiện vết thương ở ngực gây chảy máu màng tim.
Quả tim đang bị ép tim cấp tính, bị chèn ép nặng. Một thời gian rất ngắn, bệnh nhân bị ngừng tim, ngừng thở.
Theo các bác sĩ, tính thời gian từ lúc bị tai nạn đến lúc ngừng tim, ngừng thở chỉ 1 tiếng. Do đó, bệnh nhân không thể kịp di chuyển lên phòng mổ mà phải được cấp cứu ngay trên cáng tại phòng chờ khoa cấp cứu. Ngay lập tức, bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật đã di chuyển, chuẩn bị ngay để mổ trên cáng dã chiến cho bệnh nhân.
Ngay khi lồng ngực được mở, các bác sĩ phát hiện trong màng tim có nhiều máu, quả tim bị ép chặt. Các bác sĩ còn phát hiện tim bệnh nhân có 2 lỗ thủng ở thành trước và thành sau tâm thất phải (lỗ vào khoảng 1cm và lỗ ra khoảng 0,5cm). Đây là thủ phạm gây chảy máu màng tim và ép tim gấp. Máu phun ra từ lỗ này rất mạnh và nhanh.
Nguyên nhân thường gặp gây suy tim. (Việt hóa bởi SongKhoe.vn)
Theo BS Trần Quang Thái, Viện Tim mạch, khi quả tim bị ép chặt, bác sĩ mở khoang màng tim phát hiện có nhiều máu, nhưng khi giải thoát máu khỏi đây thì quả tim đập trở lại.
Ca mổ kéo dài trong 1 giờ đồng hồ với sự khẩn trương nhất có thể bởi nếu chậm 5 phút, hoặc di chuyển lên phòng mổ mất 5-10 phút thì bệnh nhân có thể bị mất não, tim không thể phục hồi, nguy hiểm tính mạng.
'Do việc di chuyển lên phòng mổ rất mất thời gian nên chúng tôi phải thực hiện dã chiến ngay tại cáng mổ. Trong khi bình thường một cuộc mổ tim thông thường phải chuẩn bị hàng tiếng đồng hồ. Sau 24h, bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch'- TS Lê Văn Trường- Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện 108 cho biết.
Theo các bác sĩ đây là trường hợp hiếm gặp. Thường nếu trong trường hợp bị đâm thấu tim, bệnh nhân thường tử vong ngay trên đường vận chuyển đến viện. 'Việc phẫu thuật tối khẩn cấp như các trường hợp này được tính bằng giây, bằng phút. Đối với trường hợp của bệnh nhân S là khá may mắn vì được các thầy thuốc tuyến dưới sơ cứu kịp thời và khá tốt. Riêng bệnh nhân S, thời gian từ lúc tai nạn đến khi bắt đầu mổ chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ'- BS Thái cho biết.
BS Thái đang thăm khám lại cho bệnh nhân S. (Ảnh chụp chiều ngày 9/9)
Được biết, cách đây hơn 10 năm, đã gặp một trường hợp là một cháu bé bị mũi giáo đâm vào tim, nhưng vật sắc nhọn đó vẫn găm tại tim (khác với trường hợp bệnh nhân S do vật nhọn đã rút ra), do đó, bệnh nhi đó không bị ngừng tim, ngừng thở, không bị chèn ép màng tim. Đây cũng là trường hợp được mổ tim ngay tại cáng dã chiến của phòng khám tại Viện Tim mạch (Khoa tim mạch ngày đó).
'Với những bệnh nhân bị dị vật đâm trúng, cách tốt nhất là những người bên cạnh hãy giữ dị vật nguyên vị trí đó, tránh tự ý rút dị vật ra để máu không bị tràn ra ngoài và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử trí kịp thời', BS Thái khuyến cáo.
>> Xem thêm: Thanh niên thoát tử thần nhờ quy trình cấp cứu báo động đỏ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!