Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật
Bệnh nhi là con sản phụ H.L.N.X (24 tuổi, ngụ tại TPHCM), sau khi phát hiện bất thường cấu trúc tim của thai nhi qua siêu âm hình thái học định kỳ, chị X. được giới thiệu đến BV Đại học Y Dược TPHCM để tiếp tục theo dõi, bắt đầu từ tuần thứ 22 của thai kỳ.
Tại đây, bác sĩ khẳng định chẩn đoán qua siêu âm (ghi nhận có kèm theo bất thường thuỳ dưới phổi phải), ghi nhận thai nhi là một bé gái mắc bệnh hoán vị đại động mạch đơn thuần, phổi biệt trí bên phải – động mạch chủ của bé xuất phát từ tim phải, hoán đổi vị trí với động mạch phổi, khiến quá trình trộn lẫn oxy vào máu tại phổi không được diễn ra, như vậy máu đen (máu không có oxy) sẽ đi nuôi cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau nhiều lần hội chẩn giữa các chuyên khoa, đội ngũ bác sĩ của BV Đại học Y Dược TPHCM nhận định đây là một ca bệnh khó, cần phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị và xây dựng quá trình theo dõi chặt chẽ từ trước khi sinh đến sau khi sinh. Vấn đề nan giải được đặt ra cho đội ngũ bác sĩ là thời gian.
PGS -TS- BS Lê Minh Khôi thực hiện siêu âm tim kiểm tra cho bé trước khi xuất viện
Vì thai nhi được dự đoán cần phải được cấp cứu khẩn cấp và trải qua một cuộc đại phẫu thuật khi bé vẫn còn trong giai đoạn sơ sinh. Ngày 21-11, chị X. được chỉ định mổ lấy thai. Bé sau khi cắt rốn và ổn định hô hấp thì ngay lập tức được chuyển sang Phòng Can thiệp nội mạch (DSA) để cấp cứu.
'Phần lớn sự thành công nằm ở cách phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa. Mặc dù trong quá trình phẫu thuật, khi thực hiện các động tác bóc tách, khâu vá đại động mạch đối với trẻ sơ sinh tương đối nguy hiểm. Tuy nhiên mọi diễn tiến bệnh đều nằm trong dự đoán nên các bác sĩ chủ động trong quá trình chuẩn bị và thực hiện. Đặc biệt là nếu như thành công thì hiệu quả điều trị gần như khỏi hoàn toàn, đó cũng là sự khích lệ dành cho ê-kíp.' - ThS - BS Cao Đằng Khang – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TPHCM
Các nhóm tham gia hội chẩn gồm có Khoa Sản, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Gây mê – Hồi sức, Đơn vị Đơn nguyên sơ sinh, Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Đơn vị Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh, Đơn vị Hồi sức Phẫu thuật Tim mạch và Đơn vị Can thiệp nội mạch.
Cả quá trình từ khi tầm soát thai đến bước mổ chủ động (thai nhi được 38 tuần 5 ngày) để bé được cấp cứu đúng thời điểm và thực hiện phẫu thuật là một sự phối hợp chặt chẽ, đồng nhất hướng đến mục tiêu điều trị chung của các bác sĩ trong nhóm hội chẩn.
Theo PGS-TS-BS Lê Minh Khôi – Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TPHCM, đúng như tiên lượng từ thời kỳ bào thai, tình trạng bé khi siêu âm sau sinh cho thấy cần phải được can thiệp cấp cứu khẩn cấp do khả năng trộn máu trong tim rất kém.
Mục tiêu điều trị đầu tiên là làm sao có trộn máu trong tim, để một phần máu đỏ có thể ra ngoài nuôi cơ thể, một phần máu đen được đưa lên phổi trao đổi khí nhằm duy trì sự sống cho em bé. May mắn, bé chào đời đủ cân theo tính toán (3,45 kg) một cách ngoạn mục. Toàn bộ quá trình được thực hiện dưới sự phối hợp chuyên nghiệp giữa các bác sĩ sản khoa và bác sĩ tim mạch.
'Kỹ thuật cấp cứu cho bé là phá vách liên nhĩ bằng bóng qua da thông qua can thiệp dưới siêu âm tim và soi tia. Đây là bước chuẩn bị để bé có đủ sức trải qua một cuộc phẫu thuật chuyển gốc động mạch lớn tiếp theo.', PGS-TS-BS Lê Minh Khôi cho hay.
Đến ngày 29-11, bé được 8 ngày tuổi, bé được phẫu thuật chuyển gốc động mạch. Hiện sức khỏe của bé đã được phục hồi, không xảy ra hiện tượng viêm phổi, nhiễm trùng nặng, suy thận, suy gan… hay những rủi ro đối với trẻ sơ sinh sau mổ, bé đã có thể tự uống sữa và được xuất viện.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!