Nhiều bạn trẻ hoang mang vì đã làm "chuyện ấy" khi chưa được tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Là sinh viên năm 2 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Khánh Ngọc (20 tuổi, Ninh Bình) tâm sự, gần đây cô và bạn trai có quan hệ tình dục. Sau lần ấy trở đi, Ngọc luôn bị ám ảnh chuyện mình chưa tiêm phòng HPV đã làm "chuyện ấy".
"Mặc dù mình quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su nhưng vẫn rất lo lắng vì chưa từng tiêm phòng HPV. Mình cũng có nghe nói việc tiêm phòng chỉ có hiệu quả khi không quá 25 tuổi và chưa từng làm chuyện ấy. Mặc dù chưa quá tuổi nhưng thực sự mình rất lo lắng vì từng quan hệ tình dục thì tiêm phòng chắc không còn tác dụng gì nữa", Ngọc tâm sự.
Theo thông tin từ Viện Sức khỏe Sinh sản năm 2015, mỗi ngày tại Việt Nam có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Đây chỉ là một ví dụ cho nỗi lo lắng nên hay không nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung khi không đủ điều kiện tiến hành tiêm phòng. Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân đang diễn ra phổ biến trong giới trẻ. Nhiều bạn không ý thức được chuyện phải tiêm phòng ung thư cổ tử cung, đến khi biết chuyện thì, hoặc là từng quan hệ tình dục, hoặc là đã quá tuổi tiêm phòng, nên vô cùng hoang mang. Điều này vô hình chung dẫn đến chuyện nhiều chị em sẽ bỏ qua việc tiêm phòng HPV, chỉ cần không đủ một trong hai điều kiện trên.
Theo thông tin từ Viện Sức khỏe Sinh sản năm 2015, mỗi ngày tại Việt Nam có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp bị ung thư cổ tử cung, trong 20 người ấy trung bình có 11 người sẽ tử vong vì mắc phải căn bệnh đáng sợ này. Những thông tin này khiến không ít người phải giật mình. Do đó, hiện nay, nhiều chị em phụ nữ đã có ý thức hơn trong việc tiêm phòng HPV để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vì những sự cố đáng tiếc như từng quan hệ tình dục, thậm chí nạo hút thai… khiến nhiều chị em không dám đi tiêm phòng vì nghĩ mình không còn đủ điều kiện.
Nhiều chị em không dám đi tiêm phòng ung thư cổ tử cung vì đã quan hệ tình dục.
Tiêm phòng HPV vẫn có tác dụng dù bạn đã từng quan hệ tình dục
Đây chính là lời khẳng định của BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp). "Phát minh ra vắc-xin HPV là sự tiến bộ của ngành y tế để chống trả căn bệnh mà trước nay vẫn còn mù mờ, chưa có biện pháp để phòng ngừa. Đó chính là ung thư cổ tử cung - căn bệnh đã tiêu diệt rất nhiều người phụ nữ trên thế giới nói chung", BS Dung nói.
Theo BS Dung, bạn có thể đi tiêm phòng ung thư cổ tử cung mà không cần phải làm bất cứ một xét nghiệm nào bởi tiêm phòng vắc-xin ung thư cổ tử cung không có bất cứ chỉ định nào về việc làm xét nghiệm.
"Việc tiêm phòng HPV sẽ đạt lợi ích tối đa nếu như bạn trong độ tuổi tiêm phòng, từ 9-26 tuổi và chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nếu bạn từng quan hệ tình dục rồi thì vắc-xin sẽ không có tác dụng nữa. Bạn hoàn toàn vẫn có thể tiến hành tiêm phòng HPV khi đã từng quan hệ tình dục, thậm chí là nạo, hút thai… miễn là vẫn còn trong độ tuổi tiêm phòng 9-26 tuổi", BS Dung khẳng định.
Theo BS Dung, bạn có thể đi tiêm phòng ung thư cổ tử cung dù đã từng quan hệ tình dục.
Mặc dù vậy, chuyên gia nhấn mạnh, cũng giống như bất cứ loại vắc-xin tiêm phòng nào, không phải cứ tiêm phòng là bạn hoàn toàn yên tâm không mắc bệnh 100%. Tiêm phòng ung thư cổ tử cung không có tác dụng ngăn chặn bệnh 100%. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng, bạn vẫn cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục điều độ, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không nên làm "chuyện ấy" với nhiều người cùng lúc.
Hành động tiêm phòng ung thư cổ tử cung cũng không thể thay thế cho việc sàng lọc ung thư cổ tử cung hàng năm. Bạn vẫn nên đến những bệnh viện, trung tâm uy tín để gặp các bác sĩ có chuyên môn sâu và tiến hành thăm khám, tầm soát ung thư cổ tử cung.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!