Đoàn công tác làm việc với ngành Y tế Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, tình hình bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp. Những ngày qua, ngành Y tế liên tiếp ghi nhận các ca mắc bạch hầu mới tại nhiều địa phương. Theo đó, tính từ ca bệnh đầu tiên phát hiện ngày 7/7 cho đến ngày 20/7, toàn tỉnh ghi nhận 18 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 7 xã thuộc 5 huyện: Lắk, M'Đrắk, Krông Bông, Cư M'gar, Cư Kuin.
Đoàn công tác kiểm tra khu vực điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin.
Trước tình hình trên, ngành Y tế Đắk Lắk đã khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất xử lý môi trường tại các xã có bệnh nhân. Đến nay, đã có 8.580 trường hợp được cách ly, 1.977 hộ gia đình được xử lý hóa chất; 4.314 trường hợp được uống kháng sinh dự phòng, 6.550 trường hợp được tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu. Ngành Y tế tỉnh cũng khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu; hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các đơn vị y tế…
Sở Y tế Đắk Lắk đề xuất với Cục Y tế dự phòng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; hỗ trợ công tác xét nghiệm khẳng định chẩn đoán bệnh cũng như việc triển khai tiêm vắc xin phòng, chống bệnh; hỗ trợ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu cho địa phương để kịp thời điều trị bệnh nhân, hạn chế các trường hợp biến chứng và tử vong.
Kiểm tra y tế đối với người dân tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đề nghị ngành Y tế Đắk Lắk tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc xin, điều trị dự phòng cho người dân tại các địa phương có ca bệnh, nâng cao hiệu quả của hệ thống giám sát dịch bệnh trong cộng đồng nhằm hạn chế lây lan.
Khoanh vùng cách ly địa phương có ca bệnh bạch hầu tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin.
Theo ông Đặng Quang Tấn, để làm tốt công tác phòng bệnh, trong thời gian tới, ngành Y tế Đắk Lắk cần rà soát kỹ các nhóm đối tượng để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đạt tỷ lệ và hiệu quả cao. Trong đó, với đối tượng trẻ trong Chương trình tiêm chủng quốc gia phải được rà soát để tiêm vét, tiêm bổ sung. Đối tượng còn lại phải tiêm phòng theo thứ tự, ưu tiên tiêm phòng cho vùng có dịch, vùng nguy cơ cao và tiêm đại trà theo kế hoạch của Bộ Y tế đã phê duyệt. Đặc biệt, phải chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh tại các 'vùng lõm' như khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mang lại hiệu quả phòng bệnh cao cho chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu lần này.
Ngoài bệnh bạch hầu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cũng đề nghị ngành Y tế cần tập trung giám sát, phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh khác như: sởi, viêm não, rubella, dại, sốt xuất huyết, COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch. Đối với các kiến nghị của ngành Y tế Đắk Lắk, Đoàn công tác sẽ tiếp nhận và báo cáo với Bộ Y tế để kịp thời hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo thống kê, tính đến 18/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 361 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố; có 101 trường hợp mắc sốt rét, tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, M'Đrắk; có 147 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; có 3 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!