Đang ngủ say bỗng bật dậy vì đau nhức ngón tay dữ dội

Thời sự - 03/28/2024

Trời nồm ẩm, nóng lạnh thất thường, hay giá buốt đều làm rất nhiều người bị đau nhức đốt ngón tay, càng lạnh càng đau, thậm chí đau dữ dội...

Vì sao đau nhức ngón tay?

Theo Ths. BS Trần Thuấn (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội), bệnh xương khớp trong đó có đau nhức khớp ngón tay, bàn tay… ai cũng có thể gặp phải khi thời tiết trở lạnh, nồm ẩm, nhất là người già, người từng làm văn phòng...

Đang ngủ say bỗng bật dậy vì đau nhức ngón tay dữ dội

Người già và phụ nữ trung tuổi rất dễ bị đau nhức khớp ngón tay. Ảnh minh họa.

Mùa đông những cơn đau nhức càng dữ dội hơn, bởi theo Đông y khi mưa lạnh, giá buốt, ẩm ướt là các yếu tố 'thấp tà' xâm nhập vào cơ thể làm bệnh trở nặng. Ban đầu chỉ có biểu hiện sưng, đau nhưng nếu không được điều trị thì ở giai đoạn muộn có thể gây cứng khớp, biến dạng khớp… Nhiều người ban đêm đang ngủ say cũng phải bật dậy khổ sở vì đau nhức khớp ngón tay dữ dội, không thể ngủ tiếp.

Y học hiện đại giải thích rằng, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, các mạch máu ngoại vi sẽ co lại, dẫn đến giảm cung cấp máu cho khớp (mạch máu tại ngón tay hầu hết là các mao mạch và vi mạch) nên khi co lại sẽ chặn đứng sự lưu thông máu, gây ra đau đớn tại các khớp.

Trời lạnh cũng làm giảm sự lưu thông của dịch khớp, khiến khớp trở nên khô cứng, việc cọ xát giữa các đầu xương tăng lên, gây đau nhức nhiều hơn. Độ ẩm và áp suất khí quyển sẽ giảm, độ ẩm tăng khiến cho khớp giãn ra và chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh sụn khớp nên bệnh nhân cảm nhận rõ hơn các cơn đau, đặc biệt là khi vận động.

Ths. BS Châu Duyên (khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ trên thông tin đại chúng rằng, có nhiều nguyên nhân gây đau khớp bàn ngón tay, nhưng thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu.

Thời tiết, lão hóa... là những nguyên nhân gây đau khớp, tuổi càng cao thì sụn khớp càng suy yếu, và triệu chứng đau khớp ngón tay từ từ (do các đầu xương tì trực tiếp vào nhau gây đau âm ỉ, hoặc dữ dội vào ban đêm và sáng sớm), cứng khớp (khi ngủ dậy, khó cầm nắm), sưng khớp (xảy ra tại các ngón tay, gây viêm đau kèm cứng và sưng khớp ngón tay). Thời tiết có thể tác động độc lập, hoặc cộng hưởng với một số nguyên nhân khác và gây đau nhức khớp ngón tay nhiều hơn.

Chế độ ăn uống cũng tác động đau nhức khớp ngón tay (như ăn quá nhiều muối hoặc thiếu canxi cũng gây đau nhức ở các khớp xương ngón tay). Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng do bàn tay quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày nên các khớp đau làm ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sinh hoạt thường ngày.

Đang ngủ say bỗng bật dậy vì đau nhức ngón tay dữ dội

Đau nhức khớp ngón tay không điều trị sẽ khiến đốt khớp bị biến dạng. Ảnh minh họa.

Ai dễ mắc?

Viêm đau khớp ngón tay có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là độ tuổi ngoài 40.

Phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Phụ nữ càng lớn tuổi nội tiết tố suy giảm càng dễ viêm khớp, thoái hóa sụn, khớp.

Những người bị thiếu hụt can xi, loãng xương (nhất là phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh, béo phì…) rất dễ mắc.

Đang ngủ say bỗng bật dậy vì đau nhức ngón tay dữ dội

Bị đau nhức khớp ngón tay không tự ý dùng thuốc. Ảnh minh họa.

Đau nhức khớp ngón tay là một dạng viêm khớp dạng thấp, bệnh lý này trước đây chỉ gặp ở những người già. Tuy nhiên, hiện nay nó đang có xu hướng trẻ hóa. Triệu chứng như gồm:

- Các ngón tay bị tê, khó cử động trong sinh hoạt, công việc hàng ngày.

- Bị sưng đau, không thể cầm nắm.

- Bị cứng khớp ngón tay sau khi ngủ dậy.

- Các đốt ngón tay nổi những cục cứng như xương ở khớp ngón tay, gây biến dạng bàn tay, xơ cứng ngón tay, dẫn tới bệnh nhân dần mất khả năng hoạt động của bàn tay.

Việc chẩn đoán sớm và điều trị viêm đa khớp dạng thấp hợp lý giúp đẩy lui bệnh, giảm tỷ lệ tàn phế... cho người bệnh. Do đó khi có triệu chứng đau khớp bàn ngón tay người dân cần đi khám để bác sĩ có phương cách điều trị thích hợp, kịp thời kẻo có thể biến chứng làm biến dạng bàn tay, teo cơ, mất chức năng vận động tạm thời, hoặc tàn phế.

Đang ngủ say bỗng bật dậy vì đau nhức ngón tay dữ dội

Khi bị đau nhức khớp ngón tay nên xoa bóp, co duỗi nhẹ nhàng, chườm nóng để giảm đau. Ảnh minh họa.

Cách chữađau khớp ngón tay

Tây y thường dùng thuốc giảm đau có tác dụng nhanh, rất tiện và đơn giản, nhưng ít có khả năng phục hồi sụn khớp nên viêm khớp ngón tay dễ tái phát. Thuốc tây hay có tác dụng phụ, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới nội tạng (nhất là dạ dày, gan, thận). Vì vậy cần có chỉ định của bác sĩ, hoặc dược sĩ mới được dùng.

Các thầy thuốc Đông y cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây viêm đau khớp ngón tay là do thận can suy yếu, khí huyết kém lưu thông, cơ thể bị phong, hàn, thấp nhiệt và nhiệt độc xâm nhập. Để đẩy lùi tình trạng đau nhức, phục hồi vận động sụn khớp cần giải quyết các căn nguyên gây bệnh trên. Sau đây là vài bài thuốc trị đau nhức khớp trong dân gian thường dùng như sau:

Ngải cứu rang muối: 1 nắm lá ngải cứu rửa sạch, trộn với muối hạt đem rang nóng. Dùng vải xô bọc ngải cứu và muối vào rồi đắp lên vùng khớp ngón tay bị đau nhức, buộc lại để cố định mồi thuốc. Làm liên tục sẽ giảm đau nhức khớp ngón tay.

Rễ cây trinh nữ: Rễ cây trinh nữ 20 – 30g sơ chế sạch, thái mỏng rồi tẩm rượu, sao thơm. Cho vào ấm sắc thuốc với 600ml nước, đun tới khi còn 100ml thì chắt ra, chia 2 lần uống trong ngày.

Lá lốt: Lấy 250g lá lốt rửa sạch, phơi héo thì cho nồi nước vào sắc kỹ khoảng 30 phút thì lọc lấy nước uống sau bữa ăn tối. Làm khoảng 20 ngày sẽ có tác dụng.

Những bài thuốc trên có thể giúp thuyên giảm đau nhức trong vài ngày, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Tuy các bài thuốc Đông y trong dân gian chưa được khoa học thực nghiệm, nhưng lành tính, hỗ trợ giảm đau nhức hiệu quả. Nhược điểm là thời gian dùng thuốc lâu, chế biến tốn thời gian và thích hợp với chứng đau nhức xương khớp ở mức độ nhẹ.

Nếu cơn đau kéo dài khoảng 1 tuần mà không giảm triệu chứng, hoặc chuyển nặng thì và có nguy cơ biến chứng thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc giảm đau tại chỗ. Tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc chữa xương khớp mà không có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng tránh đau nhức ngón tay khi thời tiết thay đổi cần chú ý:

- Giữ ấm bàn tay ngay khi thời tiết chuyển lạnh.

- Khi bị đau nhức nên xoa bóp, co duỗi nhẹ nhàng, chườm nóng (bằng paraffin, túi chườm nhiệt, khay nhiệt điện...) giúp giảm đau an toàn, hiệu quả.

- Để ngón tay được thư giãn, tránh làm việc quá sức, bê vác nặng khiến khớp thêm tổn thương.

- Hạn chế bẻ ngón tay, các động tác xoay, vặn ngón tay vì có thể gây chấn thương khớp.

- Ăn uống bổ sung các thực phẩm giàu canxi và vitamin từ rau củ quả (ưu tiên các loại rau họ cải vì rất tốt cho xương khớp).

- Hạn chế dùng chất kích thích để không ảnh hưởng hấp thụ canxi của xương.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!