Đau bụng, phân nhầy: Thủ phạm do chính viên thuốc đang uống

Cần biết - 12/23/2024

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh xảy ra ở một số người sau dùng kháng sinh do sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có tên là Clostridium difficle (C.difficile) .

Đau bụng, phân nhầy: Thủ phạm do chính viên thuốc đang uống

Ảnh minh họa

Bà Lê Thị L, 53 tuổi, quê Thanh Hóa đi khám bệnh vì đau bụng nhiều.

Trước đó, bà L, bị sốt về chiều, ho nhiều đã đi khám tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa và được cho tiêm kháng sinh loại cefotaxim. Sau tiêm kháng sinh 5 ngày bệnh nhân xuất hiện tiêu chảy và đau bụng. Mỗi ngày bệnh nhân đi ngoài 20 lần, phân có nhiều chất nhày giống như có mủ. Trước khi đi ngoài bệnh nhân bị đau bụng rất nhiều, đau thành cơn co thắt, vã mồi hôi.

Bệnh nhân ra Hà Nội khám bệnh, các xét nghiệm của bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng, số lượng bạch cầu 14,1 x 10^3 u/L (cao gấp 1,5 lần mức cao của người bình thường). Chỉ số CRP 9,03 mg/L (cao gấp đôi người bình thường).

Kết quả soi đại tràng toàn bộ niêm mạc đại tràng và trực tràng phù nề, xung huyết, có nhiều trợt và loét, đáy có giả mạc và nhầy trắng.

Bệnh nhân được khuyên nên ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày (6 bữa/ ngày). Nên tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo, nhiều gia vị và thực phẩm chiên, thực phẩm hay bị dị ứng, nên uống nhiều nước.

Sau điều trị hơn 1 tháng tình trạng bệnh đã giảm.

Trường hợp của chị Dương Thị A T., 7 tuổi, trú Hà Nội, trước khi đến khám bệnh 1 tháng chị T. có điều trị cắt polyp tử cung. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh dạng uống Trimolx 60 viên, ngày 3 viên sáng trưa tối, uống sau ăn và một số thuốc dạng bào chế của Y học cổ truyền.

Sau điều trị 15 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ, có lúc thành cơn đau vã mồi hôi. Mỗi ngày đau 3 đến 4 cơn. Theo lời bệnh nhân kể, bệnh nhân bị đi ngoài phân như có bột phủ kín phân, mỗi ngày đi ngoài 7 lần. Bệnh nhân đã tự điều trị Berberin 10 ngày nhưng không đỡ nên bệnh nhân đi khám tiêu hóa.

Kết quả soi đại tràng: Toàn bộ niêm mạc đại trực tràng xung huyết, phù nề rất mạnh. Có nhiều ổ loét nhỏ đến vừa, bề mặt ổ loét có nhiều giả mạc nhầy trắng bao phủ.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc.

Theo GS Đào Văn Long – nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viêm đại tràng giả mạc là bệnh liên quan đến kháng sinh do sự phát triển quá mức của Clostridium diffcile (C.diffcile). Loại vi khuẩn này tạo ra các độc tố mạnh làm kích ứng ruột và gây các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc. Một số kháng sinh có liên quan đến bệnh viêm đại tràng giả mạc như cephalosforin, cefotaxim, nhóm quinolone.

Nguyên tắc điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc cần ngừng ngay kháng sinh đang sử dụng và dùng loại kháng sinh đặc hiệu diệt được vi khuẩn C. diffcile và bổ sung các men vi sinh để cân bằng vi khuẩn đường ruột tránh tái phát.

Điều trị bệnh này, bác sĩ Long cho biết, tùy vào điều kiện cơ sở y tế, có thể lựa chọn các loại kháng sinh như Metronidazole hoặc Vancomycin đường uống. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dùng nấm men Saccharomyces Boulardii làm giảm nguy cơ tái phát bệnh viêm đại tràng giả mạc. Bệnh nhân được khuyên uống nhiều nước bổ sung natri và kali, ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa và chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!