Dấu hiệu đầu của bệnh trầm cảm

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Trầm cảm điều trị tích cực sẽ ổn định tốt, cháu lại có thể học tập, làm việc như các bạn cùng trang lứa.

Hội chứng trầm cảm là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới với tỷ lệ giới tính: nam/nữ = 1/2, giá trị này chỉ là ước chừng vì còn tùy vào nền văn hóa và dân tộc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850 000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2. Trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Hiểu được tầm quan trọng trong việc điều trị trầm cảm, ThS. Chu Văn Điểu, Bệnh viện Tâm thần TW, và ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế sẽ giải đáp một số thắc mắc của bạn đọc về căn bệnh này.

Câu hỏi 1:

Chào bác sĩ! Em năm nay 18 tuổi và em cũng bỏ học rồi ạ. Từ lúc em 11 tuổi đến nay, em thường ít nói và không thích tiếp xúc với mọi người, chỉ ở nhà 1 mình và lúc nào em cũng thấy trong người mệt mỏi chẳng thích làm gì. Hằng ngày em thấy trong người rất buồn ngủ và tối thì không thể ngủ được. Mỗi tối tim đập rất mạnh, có suy nghĩ lung tung và khó thở. Sáng dậy rất áp lực và cảm thấy chán sống. Xin hỏi bác sĩ em bị bệnh gì?

Dấu hiệu đầu của bệnh trầm cảm

Ảnh minh họa

ThS. Chu Văn Điểu trả lời:

Chào cháu,

Theo cháu kể là cháu đã mắc bệnh từ khi 11 tuổi bây giờ là 18 tuổi, như vậy cháu đã mắc bệnh 7 năm rồi và đương nhiên là cháu đã bỏ học vì 7 năm bị bệnh cháu chưa hề đi khám và điều trị, đúng không? Không hiểu trước khi bị bệnh cháu có gặp một sang chấn tâm lý, stress, hay sự áp lực gì lớn hay không.

Theo cháu kể thì hiện tại cháu mệt mỏi, buổi tối tim đập nhanh và không ngủ được, ban ngày lại luôn buồn ngủ. Ít nói, không thích tiếp xúc với mọi người, lúc nào cũng mệt mỏi không muốn làm gì, luôn cảm thấy buồn, hay suy nghĩ lung tung và khó thở, buổi sáng dậy rất áp lực và chán sống. Với các triệu chứng cháu kể, bác nghĩ cháu đã mắc chứng trầm cảm.

Trầm cảm có 3 triệu chứng chính và 9 triệu chứng phụ. Người bệnh chỉ cần có 2/3 triệu chứng chính và 2/9 triệu chứng phụ, các triệu chứng này tồn tại kéo dài từ 2 tuần trở lên là chẩn đoán trầm cảm. Cháu nên đến ngay cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị. Trầm cảm điều trị tích cực sẽ ổn định tốt, cháu lại có thể học tập, làm việc như các bạn cùng trang lứa. Đừng mặc cảm, chỉ cần cháu quyết tâm, tương lai sẽ mỉm cười với cháu. Chúc cháu mau lành bệnh.

Câu hỏi 2:

Thưa Bác sĩ! Em gái tôi năm nay 16 tuổi. Sau khi bố mẹ mất và gặp nhiều chuyện không như mong muốn, em gái tôi thường hay buồn bực vô cớ và tính cách rất thất thường. Nó thường hay xa lánh mọi người, kể cả tôi. Một lần, tôi vô tình đọc được nhật kí của nó. Tôi đã rất sốc khi nó nói đến cái chết và có ý định muốn tự tử. Liệu nó có bị tự kỉ hay trầm cảm không? Và nếu thật thì tôi nên làm thế nào? Tôi rất lo lắng cho em gái tôi. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn!

Dấu hiệu đầu của bệnh trầm cảm

Ảnh minh họa

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai trả lời:

Chào bạn,

Qua thư bạn cho thấy em gái bạn có nhiều biểu hiện bất thường. Có thể em bạn bị trầm cảm căn nguyên tâm lý hay còn gọi rối loạn stress sau sang chấn. Các rối loạn đó có thể sẽ nặng lên và nguy cơ tự sát là rất cao. Tuy nhiên căn nguyên tâm lý hay các sang chấn tâm lý nhiều trường hợp chỉ là cái cớ cho một bệnh lý tiềm tàng trong cơ thể phát ra, ví dụ rối loạn cảm xúc giai đoạn trầm cảm hay tâm thần phân liệt.

Để biết rõ là vấn đề gì và đặc biệt ý định tự tử là rất trầm trọng, nguy cơ xảy ra hành vi tự sát rất cao nên bạn cần đưa em bạn đi khám bác sỹ chuyên khoa tâm thần. Nếu ở gần Hà Nội, mời bạn đến với chúng tôi, khoa A6 bệnh viện quân y 103 Hà Đông, em bạn sẽ được chúng tôi thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Chúc em bạn mau chóng hồi phục, chúc bạn và gia đình mạnh khỏe.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!