Suy nhược thần kinh là cụm từ quá quen thuộc trong y học từ lâu nay. Phạm vi của chứng suy nhược thần kinh rất rộng và có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm. Hiện nay, tỷ lệ bệnh suy nhược thần kinh ngày càng tăng cùng với nhịp sống hối hả trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh
Suy nhược thần kinh là hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng, do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ gây nên.
Bệnh được xác định là do căn nguyên tâm lý gây nên (nên còn gọi là bệnh tâm căn suy nhược). Cơ chế phát sinh suy nhược thần kinh rất phức tạp. Bệnh lý chủ yếu là rối loạn liên hệ lưới - vỏ não. Do đó, các dòng xung đột từ bên ngoài vào không được sàng lọc qua tổ chức lưới thân não dồn cả lên vỏ não. Vì thế, vỏ não không chịu đựng nổi dẫn đến sự suy yếu ức chế, suy yếu quá trình hưng phấn và cuối cùng hậu quả của sự quá căng thẳng quá trình thần kinh tâm thần trong vỏ não đi đến sự ức chế giới hạn.
Suy nhược thần kinh là một bệnh phổ biến hiện nay mà nhiều người gọi nó là căn bệnh của thời đại, như: người ta lo toan tính toán mất quá nhiều thời gian vào công việc để làm sao kiếm nhiều tiền, rất ít thời gian để nghỉ ngơi giải trí, mất đi sự thanh nhàn thêm vào đó có quá nhiều sang chấn tâm lý (stress), đó là yếu tố thuận lợi để cho bệnh phát sinh, phát triển.
Bệnh gặp ở người lao động trí óc nhiều hơn ở chân tay, ở thành thị lớn hơn ở nông thôn, nam chiếm nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp 30-50 tuổi.
Khi gặp các dấu hiệu suy nhược thần kinh, người bệnh cần đi khám để được tư vấn cách đẩy lùi bệnh tật.
Do những nhân tố gây chấn thương tâm thần tác động trên người bệnh, kéo dài dẫn đến suy nhược thần kinh. Căn nguyên tâm lý (chấn thương tâm thần, stress) rất đa dạng cấp tính hay mạn tính như: tranh chấp quyền lợi, thất bại trong công việc và đời sống, mâu thuẫn và bất hòa với tập thể, bị oan, gia đình bất hòa, con cái hư hỏng, mất người thân, phá sản...
Thường là nhiều sang chấn tích lại, cường độ trường diễn, làm cho người bị sang chấn luôn ở trạng thái lo âu, áy náy, căng thẳng nội tâm. Tình trạng đó không tìm ra được phương hướng giải quyết khiến người bệnh luôn ở trạng thái tự kiềm chế, ức chế khiến bệnh phát sinh.
Bệnh suy nhược thần kinh thường xuất hiện từ từ sau một thời gian sang chấn và biểu hiện rõ khi gặp thêm một nhân tố thúc đẩy. Các nhân tố thúc đẩy như: người có thần kinh yếu, lao động trí óc quá mức, quá mệt mỏi, cuộc sống quá căng thẳng, nơi sống và nơi làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, điều kiện làm việc phức tạp, mắc bệnh viêm nhiễm mạn tính: viêm túi mật, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng; những bệnh nhiễm độc mạn tính: nhiễm độc rượu, thiếu dinh dưỡng kéo dài, kiệt sức...
Dấu hiệu thường gặp
Mất ngủ là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Một số người ngủ ít nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do suy nhược thần kinh thì thời gian ngủ ban đêm không ít, nhưng ngủ không sâu và không yên giấc cứ chập chờn, vì vậy ban ngày họ thường mệt mỏi và ngủ gật. Ngồi muốn ngủ, nhưng nằm xuống lại không ngủ được và dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.
Dấu hiệu thường gặp khác của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Tình trạng mệt mỏi thì ai cũng có thể gặp, nhưng mệt mỏi trong suy nhược thần kinh thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ mông lung, khó đi vào giấc ngủ. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, khó chịu ở dạ dày, kinh nguyệt không đều... Đây đồng thời là sự cộng hưởng của các stress và sự mệt mỏi khiến cơ thể có nhiều thay đổi.
Một biểu hiện rất điển hình nữa của suy nhược thần kinh là người bệnh luôn nghĩ rằng mình có bệnh như: khi đau đầu cho là hay mình bị u não, hồi hộp cho là bị bệnh tim, khó chịu trong dạ dày cho là bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày.
Mặc dù đã được khám toàn diện cẩn thận, xét nghiệm nhiều lần, thậm chí chụp CT, điện não đồ, kiểm tra cộng hưởng từ... đều cho thấy các tổ chức cơ quan hoàn toàn tốt, nhưng vẫn không thể loại bỏ được hoài nghi trong đầu người bệnh. Họ cho rằng bệnh của mình rất đặc biệt và vẫn tìm cách gì đó để được khám bệnh và tìm ra bệnh.
Người bệnh suy nhược thần kinh còn gặp các triệu chứng cơ khớp và thần kinh: đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, cảm giác đau nhức cơ, rối loạn cảm giác... đau đầu, chóng mặt, hoa mắt. Triệu chứng tiêu hóa: cảm giác buồn nôn, chán ăn, trướng bụng, đầy hơi, táo bón...
Lo lắng là một triệu chứng của tất cả các bệnh tâm căn, càng lo âu thì bệnh càng tiến triển nặng. Người bệnh thường than phiền khó tập trung, trí nhớ giảm sút, dễ cáu kỉnh, dễ nhạy cảm với các kích thích, cố chấp...
Phòng ngừa bệnh suy nhược thần kinh như thế nào?
Nguyên nhân của bệnh phần lớn là do áp lực tinh thần, vì vậy để phòng bệnh cần giải quyết vấn đề tinh thần trước. Muốn loại bỏ sự mệt mỏi do suy nhược thần kinh phải bắt đầu từ vấn đề điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần.
Bệnh thần kinh suy nhược có thể chữa khỏi và phòng ngừa được. Người bệnh suy nhược thần kinh cần chú ý đến những điểm sau đây: Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể, tránh các chấn thương tâm thần mạn tính. Khắc phục các tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.
Phối hợp hài hòa giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa lao động với nghỉ ngơi giải trí. Nên tránh tiếng ồn, tiếng động trong khi làm việc cũng như ở môi trường sống, luôn tin tưởng lạc quan và tự tạo cho mình niềm vui trong công việc và cuộc sống; Đảm bảo giấc ngủ tốt, rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thực thể...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!