Đau vùng chậu: Cảnh báo bệnh phụ khoa nguy hiểm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đau vùng chậu: Cảnh báo bệnh phụ khoa nguy hiểm: Chị em có thể bị thai ngoài tử cung, vỡ nang buồng trứng, xoắn phần phụ... khi bị đau vùng chậu.

Đau vùng chậu ở nữ giới là một thuật ngữ trong y khoa dùng để chỉ một triệu chứng mang cảm giác chủ quan. cho nên, việc đánh giá ở người thầy thuốc cần có cái nhìn một cách khoa học, Từ đó việc chẩn đoán đúng mới mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Trên thực tế đau vùng chậu có 2 thể: đau vùng chậu cấp và đau vùng chậu mạn tính.

Đau vùng chậu cấp do bệnh lý phụ khoa

Đối với bệnh đau vùng chậu cấp tính do bệnh lý phụ khoa thường gặp 3 nhóm nguyên nhân chính, đó là viêm, vỡ và xoắn.

Thai ngoài tử cung: gặp ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đây là dạng ưu tiên đầu tiên người thầy thuốc sản khoa đề cập trong chẩn đoán đau vùng chậu cấp: triệu chứng: trễ kinh hay kinh không đều xuất hiện cơn đau vùng bụng dưới, thường đau 1 bên, phải hay bên trái, kèm ra huyết âm đạo dạng rong kinh, rong huyết. Thử quick tick dương tính. Khám bụng có thể có khối đau chói khi chạm ở cạnh bên tử cung. Siêu âm ngả âm đạo, thấy hình ảnh khối thai nằm ngoài buồng tử cung. Điều trị, tùy mức độ bệnh mà bác sĩ chuyên khoa đánh giá, điều trị nội khoa dùng thuốc hóa chất làm tan khối thai hay điều trị phẫu thuật nội soi giải quyết khối thai ngoài tử cung.

Viêm vùng chậu cấp tính: tình trạng nhiễm trùng ngược dòng ở phụ nữ có sinh hoạt tình dục, với các triệu chứng. Đau nhiều vùng bụng dưới dữ dội, sốt cao, kèm dấu hiệu nhiễm trùng. Khám ấn đau nhói và có đề kháng vùng hạ vị, lắc cổ tử cung đau nhiều. Điều trị, dùng kháng sinh liều cao, liều tiêm để điều trị, dùng ít nhất 2 loại kháng sinh trở lên, kháng sinh đặc trị loại vi khuẩn gram âm và kháng sinh phổ rộng. Kết hợp dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, bồi phụ nước và điện giải, thuốc nâng cao thể trạng. Với thời gian điều trị từ 10 - 14 ngày.

Đau vùng chậu: Cảnh báo bệnh phụ khoa nguy hiểm

Đau vùng chậu có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm (Ảnh minh họa: Internet)

Vỡ nang buồng trứng: vỡ nang buồng trứng, nang hoàng thể hay nang lạc nội mạc tử cung thường là nguyên nhân đau vùng chậu cấp tính. Đau có thể dữ dội đến nỗi người bệnh gây ngất. Cơn đau bụng thường 1 hay cả vùng bụng dưới, ấn bụng có phản ứng thành bụng. Siêu âm có dịch tự do trong ổ bụng, có khối u buồng trứng. Bệnh có thể tự giới hạn nếu xuất huyết vào ổ bụng dạng ít. Điều trị có chỉ định phẫu thuật khi có dấu hiệu của xuất huyết nội, dịch tự do trong ổ bụng lượng nhiều, dấu hiệu lâm sàng diễn tiến nặng hơn, xét nghiệm có sự thay đổi huyết động học.

Xoắn phần phụ:thường gặp ở lứa tuổi thành niên và lứa tuổi sinh sản. Do mạch máu nuôi bị xoắn, khối ở phần phụ như: u bì buồng trứng hay u nang buồng trứng. Có thể gây đau dữ dội do giảm máu nuôi đột ngột, cơn đau từng cơn, ban đầu giảm sau đó đau dữ dội hơn, kèm theo buồn nôn và nôn. Khám vùng bụng ấn đau phản ứng thành bụng rõ. Siêu âm hình ảnh khối u buồng trứng, phản âm tăng, phổ doppler mạch máu trên khối u, không có tín hiệu hay bị ngắt quãng, biều hiện nút xoắn. Điều trị phẫu thuật nội soi, tháo xoắn bóc u bảo tồn buồng trứng.

Sảy thai:biểu hiện cơn đau bụng từng cơn vùng giữa hạ vị, kèm ra huyết âm đạo nhiều. Trước đó người bệnh có triệu chứng có thai, trễ kinh, siêu âm có hình ảnh túi thai trong tử cung và triệu chứng nghén. Điều trị dùng thuốc Misoprostol ngậm cạnh bên má sau mỗi 4 giờ, với liều 400 - 600mcg, giúp tống xuất khối sảy thai ra ngoài hoàn toàn. Kết hợp dùng thuốc giảm đau như Paracetamol. Trong một số các trường hợp ra huyết nhiều, thay đổi huyết động học, cần hồi sức, truyền dịch và hút lòng tử cung để cầm máu.

Đau vùng chậu cấp không do bệnh lý phụ khoa

Viêm ruột thừa:nguyên nhân gây đau bụng ngoại khoa thường gặp nhất, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh biểu hiện cơn đau bụng, ban đầu thường đau ở dưới mũi ức, sau đó lan xuống vùng hố chậu phải tương ứng với vùng túi quần tây thường mặc bên túi phải, ban đầu đau âm ỉ, về sau cơn đau tăng dần, kèm sốt, không đi tiêu được, chán ăn, buồn nôn. Khám ấn đau và đề kháng vùng hố chậu phải,  xét nghiệm công thức máu, bạch cầu tăng cao, tập trung tăng cao chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính trên 80%. Siêu âm bụng tổng quát, thấy hình ảnh ruột thừa tăng kích thước, phản âm quanh ruột thừa tăng. Chụp CT - Scan vùng chậu có cản quang, hình ảnh ruột thừa sưng to, viêm thâm nhiễm xung quanh. Điều trị, phẫu thuật nội soi ổ bụng, cắt ruột thừa khâu vùi gốc.

Viêm túi thừa: thường xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi. Triệu chứng ban đầu đau hố chậu trái hoặc hố chậu phải (túi thừa về phương diện giải phẫu là những túi phình ra từ đại tràng các túi này phình ra từ từ trong thời gian dài; chúng xuất phát từ những điểm yếu tự nhiên của thành đại tràng). Các triệu chứng khác đi kèm sốt, tiêu chảy phân lẫn máu, ăn uống kém. Xét nghiệm máu bạch cầu tăng cao. Điều trị chủ yếu nội khoa, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, bồi phụ nước và điện giải và trợ sức.

Viêm bàng quang:bệnh xuất hiện cơn đau nhiều vùng hạ vị, đi tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, nước tiểu đục kèm theo sốt. Khám vùng bụng, ấn đau nhiều có đề kháng nhẹ. Xét nghiệm máu, bạch cầu tăng, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có nhiều bạch cầu, hồng cầu, có vi trùng. Siêu âm vùng chậu, bàng quang thành dầy. Điều trị, dùng thuốc kháng sinh phổ rộng, có thể dùng kháng sinh tiêm, trong trường hợp nhiễm trùng nặng, kết hợp với thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt cơ trơn và trợ sức. Trường hợp nhẹ có thể dùng thuốc kháng sinh dạng uống.

Đau vùng chậu mạn tính do phụ khoa

Hầu hết phụ nữ đều thỉnh thoảng đau vùng chậu. Khi triệu chứng này kéo dài từ 3 - 6 tháng thì gọi là đau vùng chậu mạn tính. Chiếm khoảng 10% lý do đến khám phụ khoa và 20 - 30% trường hợp nội soi ổ bụng.

Đau bụng kinh:Nguyên nhân phổi biến nhất gặp ở lứa tuổi sinh sản. Đau bụng kinh nguyên phát thường không liên quan với bệnh lý vùng chậu mà được giải thích là sự phóng thích Prosglandin quá mức từ tử cung. Ngoài ra, trong đau bụng kinh thứ phát hay gặp do lạc nội mạc tử cung. Điều trị dùng thuốc giảm đau non - steroid có tác dụng ngăn ngừa cơn đau bụng, ngoài ra thuốc uống tránh thai có tác dụng giảm đau trong đau bụng kinh (thuốc tránh thai khi uống cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa).

Lạc nội mạc tử cung:bao gồm lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng và lạc nội mạc trong cơ tử cung. Có mức độ đau rất  khác nhau, từ đau thông thường, người bệnh có thể chịu đựng được đến đau dữ dội, không đáp ứng điều trị, đau liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống. Mức độ đau thường không tương quan mức độ nặng của bệnh.

Nguyên nhân của lạc nội mạc tử cung hiện nay vẫn là điều nan giải với các chuyên gia sản phụ khoa. Người ta vẫn chưa tìm ra được cơ chế gây ra bệnh lý nội mạc tử cung mà chỉ lý giải do sự trào ngược máu kinh và trong ổ bụng, mang theo nội mạc tử cung, rồi chúng bám trên buồng trứng và xung quanh các thành ở vùng chậu, nội mạc tử cung chịu sự điều tiết của nội tiết tố estrogen và progesteron, đồng thời do những phản ứng hóa học gây ra những cơn đau, rồi hình thành những khối u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng và xung quanh vùng chậu.

Hiện nay, việc điều trị lạc nội mạc tử cung phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh, nhu cầu có thai, tiền căn sản khoa, chất lượng cuộc sống mà có cách điều trị nội khoa như: dùng thuốc tránh thai hoặc phẫu thuật giải quyết phần gốc gây ra bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Thông thường dùng thuốc giảm đau non - steroid nhằm cắt cơn đau.

Viêm vùng chậu mạn tính:thường là hậu quả của ứ dịch vòi trứng, nang vòi trứng - buồng trứng hay dính vùng chậu. Nguyên nhân, thường trước đó người bệnh có viêm vùng chậu cấp, bao gồm viêm vòi trứng, buồng trứng. Sau đợt điều trị bệnh có thể tái phát, hoặc viêm vùng chậu do lậu cầu hoặc Chlamydia Trachomatis, từ cổ tử cung lan lên vòi chứng chúng tiết ra những dải dính gây viêm dính vùng chậu, hoặc làm bít tắc ống tai vòi gây ứ dịch tai vòi, nang vòi trứng. Có thể người bệnh đã được điều trị nhưng chưa dứt hẳn gây tái phát.

Thuốc điều trị nội khoa, kháng sinh phổ rộng và kháng sinh nhạy loại vi khuẩn gram âm. Thường kết hợp 2 loại kháng sinh trở lên, điều trị từ 14 - 21 ngày. Một số trường hợp phải điều trị phẫu thuật nội soi giải quyết ứ dịch hay nang vòi trứng - buồng trứng, một khi điều trị nội khoa không kết quả.

Đau vùng chậu mãn tính không do phụ khoa

Bệnh lý dạ dày - ruột:thường gặp viêm ruột không điển hình, mỗi khi ăn những thức ăn lạ, cơ thể chưa kịp thích nghi gây cơn đau bụng, thường cơn đau không điền hình, người bệnh có thể chịu đựng được, kèm theo rối loạn tiêu hóa. Hoặc gặp trường hợp viêm đại tràng co thắt, nguyên nhân  không rõ ràng, gặp ở những người bệnh, lo lắng, làm việc quá sức, mất ngủ, stress… Điều trị, thay đổi chế độ ăn uống, tránh ăn những chất kích thích, chế độ làm việc thích hợp, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng cuộc sống. Thuốc điều trị dùng thuốc giảm co thắt như Spasmverin hay  NO-SPA, an thần.

Viêm mô kẽ bàng quang:một tình trạng viêm bàng quang mạn tính. Nguyên nhân do nhiễm trùng, nhiễm nấm, quan hệ tình dục không an toàn. Người bệnh đau bụng dưới không điển hình, kèm theo triệu chứng rối loạn đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi. Điều trị chủ yếu thuốc kháng sinh phổ rộng, cần cấy nước tiểu tìm vi trùng và nội soi bàng quang tìm nhân nhân gây bệnh.

Bệnh lý cơ xương khớp:gặp trong các trường hợp căng cơ vùng bụng hay vùng lưng, thoát vị đĩa đệm. Ngoài triệu chứng đau bụng dưới, người bệnh kèm theo đau khi thay đổi tư thế, đôi lúc ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giới hạn các động tác của cơ thể. Cần khám bác sĩ chuyên khoa, chụp X-quang vùng thắt lưng, chụp MRI vùng bụng tìm nhân gây bệnh một khi dùng thuốc không đáp ứng.

Thai ngoài tử cung là dạng ưu tiên bác sĩ đề cập trong chẩn đoán đau vùng chậu cấp.

BS.CKII. Nguyễn Hữu Thuận

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!