Dạy con cách đối phó với ‘yêu râu xanh’

Nuôi dạy con - 05/03/2024

'Không bao giờ được đi theo hoặc vào xe với người mà con không biết, dù người ấy có nói gì với con đi nữa’...

Bảo vệ và che chở cho con là một trong những nhiệm vụ của người làm cha mẹ. Nhưng bạn không thể suốt ngày kè kè bên con được. Vì thế, dạy cho con những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống chính là cách tốt nhất để con biết tự bảo vệ mình khi vắng bạn.  

Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và những người lớn khác vẫn thường xuyên dạy trẻ cách đi xe đạp, cách giữ an toàn khi ở dưới nước và trên đường phố. Nhờ đó, trẻ sẽ không sợ đi xe, thích thú với bể bơi và tự tin khi sang đường. Cũng vậy, trước những ‘yêu râu xanh’ đang hàng ngày rình rập trẻ, dạy cho trẻ cách đối phó là cách tốt nhất để giữ cho trẻ được an toàn.

Theo các chuyên gia, để giúp trẻ đối phó khi bị quấy rối tình dục, cha mẹ cần:

1. Dạy con

- Tên thực sự của các bộ phận trên người trẻ: Kể cả những chỗ nhạy cảm, để trẻ có thể kể về những điều xảy ra với cơ thể chúng theo cách mà người khác hiểu được.

- Đừng giữ bí mật: Hãy nói với trẻ là ‘Nếu có ai đó, dù là trẻ con  hay người lớn, rủ con chơi trò ‘bí mật’ hoặc bảo rằng sẽ có điều xấu xảy ra nếu con không giữ bí mật, thì con cần nói cho bố hay mẹ biết’.

- Người lớn không phải lúc nào cũng đúng: Dặn trẻ báo cho bố mẹ biết ngay nếu cảm thấy có điều gì đó không đúng từ lời nói hoặc hành động của người khác.

- Hãy kể lại nếu có chuyện gì xảy ra: Hãy để con bạn biết rằng, nếu bé nói có ai đó động vào người mình, thì bạn sẽ luôn tin và sẽ không nổi giận với con. Hãy để trẻ biết rằng bạn yêu chúng và sẽ luôn bảo vệ chúng.

Dạy con cách đối phó với ‘yêu râu xanh’

Ảnh minh họa

2. Thường xuyên dặn con

- ‘Nếu có ai đó động vào con theo cách mà con cảm thấy không đúng, hãy kể cho bố mẹ, bố mẹ sẽ tin con và sẽ giúp con’

- ‘Người lớn không cần phải động vào những chỗ kín của trẻ con trừ khi là vì những lý do sức khỏe hoặc vệ sinh’

- ‘Không bao giờ được đi theo hoặc vào xe với người mà con không biết, dù người ấy có nói gì với con đi nữa’

- ‘Hãy tin vào linh tính (bản năng, nhận xét) của con nếu nó nói với con rằng có vẻ như có gì đó không ổn’

3. Định ra những nguyên tắc trong gia đình

- ‘Không được để người khác biết nếu con ở nhà một mình’

- ‘Ý kiến của con là quan trọng khi nhà mình muốn tìm người trông trẻ mới hoặc có vấn đề với người trông trẻ hiện tại’

- ‘Con có thể nói ‘không’ với bất kỳ ai muốn con vi phạm một trong những quy định trong nhà. Mẹ (bố) sẽ ủng hộ con’

- ‘Con có thể đi xe với anh A hoặc chị B, nhưng không phải với bất cứ ai khi chưa hỏi ý kiến bố hoặc mẹ’

4. Cùng trẻ chơi trò Giả vờ để tập cách đưa ra quyết định

- ‘Giả vờ là con đang chơi (ở đâu đó mà bạn không định chơi) và có một chú hoặc một cô cố rủ con vào trong xe của họ, con sẽ làm gì?’

- ‘Giả vờ là con và mẹ bị lạc nhau trong siêu thị, con sẽ làm gì?’

- ‘Giả vờ là có ai đó mà mình biết rõ đụng chạm vào con theo cách rất kỳ lạ và đòi con giữ bí mật, con sẽ làm gì?’

- ‘Già vờ là có người lớn tuổi hơn cho con tiền (hoặc thứ gì đó mà con rất thích). Nếu con vi phạm quy định của nhà mình, con sẽ làm gì?’

5. Giúp trẻ hình thành kỹ năng quyết đoán. Dạy trẻ phản ứng bằng lời và hành động

- ‘Cháu không bảo mọi người như thế’

- ‘Cháu không muốn bị sờ vào người. Hay là chúng ta đi bộ được không?’

- ‘Để cháu yên. Cháu sẽ mách đấy’

- ‘Cháu không cho phép làm thế’

- ‘Không.’

Tập cách phản ứng không lời: gạt tay ra, bỏ chạy, đi ra xa, đứng thẳng dậy, quay lưng lại, nhìn thẳng vào mắt, lắc đầu.

Dạy con cách đối phó với ‘yêu râu xanh’

Ảnh minh họa

6. Cung cấp kiến thức cho trẻ

- Dạy trẻ rằng người lớn không phải lúc nào cũng đúng

+ ‘Phần lớn mọi người lớn thích âu yếm trẻ con, nhưng một số người lại nhầm lẫn và có ý định âu yếm trẻ con theo cách không bình thường’

+ ‘Nếu con không chắc là điều gì đó mà người lớn nói hay làm có đúng không, hãy bảo mẹ giải thích cho con’

+ Có một số điều mà người lớn, những trẻ lớn hơn và người chăm sóc trẻ không được làm. ‘Không ai có quyền sờ tay vào chỗ đũng quần của con, bắt con sờ vào đó, sờ vào người con nếu con đã nói ‘không’, hoặc sờ vào những chỗ riêng của con’

- Giúp trẻ phát triển từ vựng để chỉ các bộ phận trên cơ thể

Phần lớn chúng ta học tên chỉ các phần và chức năng của cơ thể theo thứ tự sau: từ thân mật (đi hái hoa, đi tồ), từ tục (đi đái), từ trung tính (đi vệ sinh) và cuối cùng là thuật ngữ y khoa (đi tiểu).

Trẻ không biết từ nào khác ngoài những từ tục hoặc những từ dùng thân mật trong gia đình có thể sẽ xấu hổ khi yêu cầu được giúp đỡ khi bị quấy rối. Những thuật ngữ chính xác để chỉ các bộ phận của cơ thể (ngực, dương vật, âm đạo) được đề cao và cho phép trẻ tự biểu đạt rõ ràng.

‘Vùng kín’ cũng là một từ tốt để thay thế cho thuật ngữ y khoa.

Dạy trẻ rằng những quy định này được áp dụng cho tất cả chứ không chỉ với người lạ, đàn ông hay người chăm sóc trẻ. Tuy những nguyên tắc đối với người lạ là rất quan trọng, song ít khi trẻ bị lạm dụng tình dục bởi người lạ. Phần lớn trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người mà trẻ biết, thậm chí tin cậy.

Xem thêm:

Giáo dục trẻ vị thành niên về sức khỏe tình dục

Sai lầm của bố mẹ khi giáo dục giới tính cho con tuổi mầm non

BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú (Viện Pháp y Quốc gia)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!