Dạy con hoạt động nhóm từ nhỏ

Gia đình và thai kỳ - 05/08/2024

Để trẻ làm quen với việc hoạt động nhóm khi lớn lên, bố mẹ hãy tổ chức những buổi vui chơi nhóm dựa trên chia sẻ từ Hello Bacsi nhé.

Để bé có thể nâng cao các kỹ năng xã hội và có được niềm vui trong ngày, bạn hãy lên kế hoạch cho bé tham gia một ngày vui chơi nhóm (tiếng Anh gọi là ngày playdate). Đó là ngày bạn hẹn với các gia đình quen biết cùng dắt con trẻ tập hợp một chỗ để cùng vui chơi với nhau. Trẻ em rất thích được vui đùa cùng các trẻ khác. Nếu bạn thường xuyên tổ chức các buổi vui chơi nhóm, bé sẽ thích thú và trông chờ đến những ngày đó hơn nữa.

Vậy làm sao để mẹ giúp các con lên kế hoạch cho một buổi vui chơi nhóm thú vị?

Chọn thời gian thích hợp để con hoạt động nhóm

Buổi vui chơi nhóm dành cho trẻ nhỏ nên diễn ra trong khoảng thời gian hợp lý. Nếu thời gian vui chơi nhóm quá ngắn, các bé có thể vẫn chưa hòa hợp với nhau. Nhưng nếu vui chơi nhóm kéo dài hàng giờ, bé dễ trở nên thấm mệt hoặc nhàm chán. Tốt nhất bạn nên tổ chức trong vòng khoảng một tiếng rưỡi. Thời điểm hợp lí là khi các bé đều đã ăn uống đầy đủ và tinh thần thư giãn nhất, ví dụ như ngay sau bữa sáng chẳng hạn.

Tổ chức tại địa điểm thú vị

Bạn có thể mời mọi người đến nhà vào buổi vui chơi nhóm đầu tiên. Nếu không muốn nhà bạn trở nên bừa bộn hay quá chật để các bé vui chơi, bạn có thể tổ chức cho chúng hoạt động nhóm ở công viên hay khu vui chơi.

Lên danh sách khách mời

Bạn có thể lo rằng mình không thể tổ chức một buổi vui chơi nhóm nếu bé gái nhà bạn mới 2 tuổi và bạn cũng không quen biết những gia đình có con cùng cỡ tuổi con? Đừng lo lắng, trẻ em dù lớn hơn vài tháng hay thậm chí vài tuổi vẫn có thể chơi vui vẻ với nhau, kể cả bé trai lẫn bé gái.

Nhiều cha mẹ lại thích những buổi gặp giữa các gia đình với nhau vì họ sợ một đứa trẻ sẽ bị bỏ rơi trong một nhóm các trẻ lớn hơn. Điều này sẽ không xảy ra với các trẻ nhỏ, đặc biệt nếu các bé đã đi nhà trẻ hoặc có anh chị em ruột. Bạn chỉ cần quan sát các bé chơi và can thiệp khi cần thiết vì chúng có thể rất hỗn loạn nếu không có bố mẹ ở xung quanh.

Chuẩn bị đủ đồ chơi cho tất cả các trẻ

Trẻ nhỏ vẫn chưa biết thế nào là chia sẻ, vậy nên bạn hãy chuẩn bị đầy đủ đồ chơi để các bé có thể cùng chơi với nhau. Những đồ chơi như khối gỗ nhỏ, xe hơi, đồ chơi nấu ăn hoặc bóng có thể giúp các bé cùng chơi với nhau. Hoạt động này không khuyến khích những món đồ điện tử nên bố mẹ hãy để máy tính bảng, điện thoại smartphone ở nhà nhé.

Để có đủ đồ chơi cho tất cả, bạn hãy nói với các bố mẹ khác cùng mang đồ chơi của con mình đến để các bé không giành nhau. Khi hai bé cùng muốn một thứ đồ chơi, bạn hãy giúp bé chia phiên. Vào khoảng 18 tháng tuổi, bé đã có hiểu thay phiên nhau là thế nào. Bạn hãy đặt thời gian và giải thích cho bé hiểu khi có tiếng bíp vang lên là đến lúc nhường cho bạn kia chơi.

Luật chơi “bố mẹ không can thiệp”

Đừng nôn nóng chỉ con cách chơi với các bé khác mà tốt hơn hết là để con khám phá ra mọi thứ. Mục đích của vui chơi nhóm là để trẻ em học cách tương tác với mọi người. Chỉ khi bé đánh, cắn hoặc ném đồ đạc, bạn phải can thiệp và ngăn những mâu thuẫn lại. Tuy nhiên, bạn không nên can thiệp quá nhiều.

Trẻ em cũng thường “chơi song song”, có nghĩa là các bé sẽ ngồi với nhau và chơi nhiều loại đồ chơi khác nhau. Điều đó hết sức bình thường nên bạn đừng ép bé phải làm gì khác. Hãy để trẻ  quyết định mức độ tương tác với các bạn và tự mình khám phá mọi thứ.

Thời gian dành cho người lớn

Những buổi vui chơi nhóm cũng có lợi đối với cả người lớn. Họ có thể tìm được sự chia sẻ từ những người khác, kể chuyện về các con mình hoặc về bản thân. Các bố mẹ có thể cùng nhau thảo luận mọi điều trong cuộc sống khi bọn trẻ chơi với nhau.

Để con trẻ có thể phát triển toàn diện, việc tập cho con hoà nhập với mọi người thông qua vui chơi nhóm là rất hữu ích. Đây sẽ là nền tảng để trẻ làm quen với việc hoạt động nhóm trong môi trường học tập sau này. Bố mẹ hãy cố gắng sắp xếp những buổi vui chơi nhóm thế này cho con ngày càng nhiều vào cuối tuần nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!