Đo thân nhiệt cho người đến khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Phúc Yên. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều khó khăn để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, với những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, cùng sự chung tay, đồng lòng của chính quyền và người dân, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Chúng ta đã hành động kịp thời từ Trung ương đến địa phương với nhiều biện pháp toàn diện và triệt để, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, đề cao vai trò của người đứng đầu.
Chỉ đạo quyết liệt
Ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Tại các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc tinh thần 'chống dịch như chống giặc,' đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan.
Nhận định tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Để chủ động phòng, chống dịch, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp thành công.
Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng.
Vĩnh Phúc địa phương nằm trong vùng 'tâm dịch' COVID-19 của cả nước. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung, các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các đơn vị tăng cường trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người đứng đầu các đơn vị trong các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn, đơn vị mình phụ trách; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Vĩnh Phúc, các khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế Vĩnh Phúc nhằm đạt hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống dịch.
Tỉnh quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống như phun thuốc khử trùng, sát khuẩn, đeo khẩu trang; hạn chế hội họp, tổ chức tập trung đông người, kiểm soát các trường hợp đến giao dịch, làm việc để xác định biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo đường dây nóng; phát ngôn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo đúng thẩm quyền, quy định của tỉnh, đảm bảo tính chính xác.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo thực hiện cách ly vùng dịch tại xã Sơn Lôi; kiểm soát chặt việc giao tiếp, làm việc giữa các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của xã Sơn Lôi đối với người đến từ các địa phương khác hoặc từ vùng không có dịch bệnh để tránh nguy cơ lây lan...
Đối với người lao động cư trú tại địa bàn có dịch, lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm xem xét, bố trí phương thức làm việc phù hợp. Trường hợp cần thiết có thể tạm thời cho nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh.
Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, các địa phương đã làm tốt công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm; đồng thời tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, hạn chế tập trung ở những nơi đông người... góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân.
Với những chỉ đạo kiên quyết, sâu sát tới từng địa phương, đến nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt.
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Đương đầu với một dịch bệnh 'dễ lây nhưng khó phòng,' trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chính phủ liên tục có các cuộc họp để chỉ đạo các biện pháp chống dịch.
Băngrôn tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch COVID-19 trên đường Mê Linh, thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Người đứng đầu Chính phủ đã quán triệt dứt khoát: 'Các ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, không được chủ quan. Đồng chí nào chủ quan phải bị xử lý nghiêm túc. Đừng thấy dịch bệnh là bình thường, phải thấy đây là vấn đề rất nóng.'
Thực tế đã có những trường hợp người đứng đầu bị điều chuyển hoặc kiểm điểm do lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng dịch.
Tại tỉnh Đăk Nông, do không quyết liệt chống dịch, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị điều chuyển công tác. Ở Thanh Hóa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn bị yêu cầu kiểm điểm vì vắng mặt trong buổi họp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại Hải Phòng, khi đi kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp và trường học trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu điều chuyển công tác hiệu trưởng Trường trung học Phổ thông Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh) vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Tại Bắc Ninh, một cuộc họp mới đây, bên cạnh việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp và chủ động các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định: 'Nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh có thể bị xem xét kỷ luật'…
Những động thái, chỉ đạo kiên quyết như trên thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần cùng cả nước chung tay kiểm soát dịch bệnh.
Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với thiên tai, dịch bệnh song có lẽ đây là lần đầu tiên việc phòng bệnh diễn ra trên diện rộng với quy mô rất lớn.
Tinh thần của chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết từ Người đứng đầu Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh đã được lan tỏa và thể hiện trong hoạt động của từng cấp, ngành và người dân để vừa chống dịch, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế-xã hội; duy trì sự ổn định của mỗi địa phương.
Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những nơi đầu tiên trên cả nước có ca mắc COVID-19. Song đến nay, địa phương này đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để lây lan thứ phát.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định Lưu Vũ Lâm cho biết Tết 2020 với ông là một cái Tết đặc biệt vì vừa phải chống dịch bệnh nguy hiểm, khó lường, vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Ngay sau khi xác định có một bệnh nhân trên địa bàn dương tính với COVID-19, tuy khá lo lắng nhưng với chức trách, nhiệm vụ được giao, ông đã trực tiếp chỉ đạo các lực lương chức năng, các xã, thị trấn tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch như khoanh vùng, sàng lọc nhóm người đã tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly, giám sát chặt chẽ sức khỏe; phun thuốc khử trùng ở bệnh viện, thôn xóm, nơi tập trung đông người như ngân hàng, kho bạc, văn phòng một cửa; tạm dừng việc tổ chức các lễ hội cũng như dừng các cuộc họp không cần thiết…
Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến mới khi xuất hiện các ca bệnh và bệnh nhân tử vong ở Hàn Quốc, Italy, Iran... Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp mới để phù hợp với tình hình.
Theo giáo sư, tiến sỹ Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, để ngăn ngừa dịch bệnh, bên cạnh việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, sàng lọc những người thuộc diện nghi ngờ để tiến hành cách ly y tế theo quy định, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở trong công tác này; song song với việc vận động người dân cung cấp thông tin về các trường hợp trở về từ vùng có dịch.
'Giờ là lúc chúng ta phải phát huy tối đa vai trò của nhân dân, tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện những trường hợp bất thường để cách ly từ tổ dân phố, thôn bản,' ông Cường nhấn mạnh.
Các cấp có thẩm quyền phải đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương trong việc rà soát, sàng lọc, phát hiện các trường hợp nghi ngờ để tổ chức cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch theo quy định.
Cho rằng đối với Việt Nam, giải pháp kiểm soát hành vi của người dân, của cộng đồng là một trong những ưu tiên hàng đầu, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, chuyên gia Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam trao đổi: 'Nguyên lý chống dịch nào cũng vậy thôi, vẫn phải phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng. Đương nhiên phải khoanh vùng hợp lý theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào tình hình dịch, không để chống dịch ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.'
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường biên giới, đường mòn, lối mở, cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, đến tận thôn, bản để sớm phát hiện, ngăn ngừa và tổ chức cách ly, dập dịch hiệu quả.
Đồng thời, cơ quan chức năng phải đảm bảo thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh; giám sát, vận động những trường hợp nghi ngờ như có biểu hiện sốt, ho, khó thở… đến khám, điều trị tại cơ sở y tế để không bỏ sót ca nghi nhiễm, 'né' cách ly./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!