Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị y học cổ truyền), trong Đông y, nhân sâm được xếp vào hàng quý hiếm: sâm, nhung, quế, phụ. Nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.
Trong cuốn 'Thần Nông bản thảo kinh', sâm có vị ngọt và hơi lạnh, đặc biệt tốt cho các nội tạng quan trọng. Chỉ một vị thuốc nhân sâm nhưng trong đó có chứa rất nhiều hoạt chất.
Nghiên cứu của y học hiện đại ngày nay cũng đã ghi nhận rất nhiều tác dụng của nhân sâm. Nhân sâm có nhiều tác dụng như: Tăng sức đề kháng, tăng sức bền vận động, giảm mệt mỏi, rút ngắn thời gian phục hồi sau vận động quá độ; Chống đỡ bệnh tật cho cơ thể, ngăn ngừa lão hóa duy trì tuổi thanh xuân; Lưu thông tuần hoàn máu, tạo hồng cầu, chống thiếu máu, huyết áp thấp và các bệnh về tim và giúp cân bằng huyết áp, cải thiện năng lực tinh thần, tăng trí nhớ, chống suy sụp rối loạn thần kinh stress, tăng cường trí lực, sinh lực, phòng xơ cứng động mạch, tăng khả năng miễn dịch, chữa đau dạ dày, giảm khả năng mắc ung thư, bệnh tiểu đường...
Nhân sâm có lợi cho người bị mất ngủ, giúp cải thiện những rắc rối sức khỏe tình dục ở nam giới. Nó cũng được dùng như một loại thuốc hữu ích cho sức khỏe con người nói chung. Nhân sâm thúc đẩy các quá trình sinh tổng hợp quan trọng, tăng cường khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, giúp cơ thể chịu đựng và vượt qua các điều kiện bất lợi bên ngoài (nóng, lạnh, tia bức xạ, hóa chất độc hại)...
Có thể nói, vô vàn những tác dụng của nhân sâm cho sức khỏe và làm đẹp da mà chúng ta không thể kể hết. Đó là lý do khiến rất nhiều người coi nhân sâm là thuốc chữa bách bệnh, là thuốc bổ, càng sử dụng càng tăng cường sức khỏe, duy trì da dẻ mịn đẹp, đầy sức sống. Tuy nhiên, nhân sâm chỉ tốt khi bạn dùng đúng.
Cẩn thận khi dùng nhân sâm giả dẫn đến tiền mất tật mang
Theo lương y Vũ Quốc Trung, trước đây đã có rất nhiều người chi hàng triệu đồng để mua nhân sâm làm thuốc bồi bổ cơ thể. Đáng tiếc, nhiều người lại mua nhầm cây thương lục thay cho nhân sâm dẫn đến tiền mất tật mang. 'Củ thương lục được bán ở nhiều địa phương với những tên giả mạo hồng sâm hay phòng sâm, khi dùng có thể gây sẩy thai, người khỏe mạnh dùng cũng tổn thương gân cốt và hại thận, dùng quá liều có thể tử vong', chuyên gia cảnh báo.
Nhân sâm là một vị thuốc bổ nên dần dần một số vị thuốc có tác dụng bổ cũng được gọi là sâm, gây nhầm lẫn. Ví dụ như đảng sâm - được xem là có thể thay thế nhân sâm nhưng giá rẻ hơn rất nhiều, sâm bố chính - có rễ giống hình người, dễ nhầm với nhân sâm, thổ ly cao sâm, huyền sâm, sa sâm… cần hết sức lưu ý.
Chưa hết, trên thị trường hiện nay sâm Hàn Quốc - Triều Tiên thường bị làm giả bởi các loại sâm có xuất xứ khác. Đặc biệt, rất nhiều dược liệu mang tên sâm, hình dáng tương tự nhưng tính chất dược lý không giống hoặc chỉ giống một phần. Do đó, người mua nhân sâm nhất định không được chủ quan, chỉ mua ở những nơi uy tín, được kiểm tra kỹ càng.
Lương y Vũ Quốc Trung lưu ý thêm, nhân sâm rừng đắt và tốt hơn nhân sâm trồng. Nhưng hình dáng giống nhau nên nhiều gian thương thường dùng sâm trồng giả mạo sâm rừng. Đây cũng là điểm lưu ý quan trọng bạn cần ghi nhớ khi mua nếu muốn có được đầy đủ tác dụng của nhân sâm.
Không dùng nhân sâm nếu bạn có những tình trạng bệnh lý này
Theo lương y Vũ Quốc Trung, những người bụng thường xuyên bị đầy trướng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.
Người hay bị mất ngủ nhưng sức khỏe yếu, muốn dùng sâm chỉ nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, nên tham khảo bác sĩ Đông y. Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ bị kích dục sớm.
Chuyên gia khuyên, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi, người táo bón, viêm loét dạ dày, đau dạ dày, đau bụng do hàn, viêm ruột, viêm gan… không nên dùng nhân sâm.
Sử dụng nhân sâm phải đúng cách nếu không muốn chết bất đắc kỳ tử
Theo lương y Vũ Quốc Trung, việc sử dụng nhân sâm đúng cách sẽ đem lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe, đồng thời không khiến bạn lâm vào tình cảnh 'tiền mất tật mang'. Bệnh nhân chỉ sử dụng sâm sau khi được thầy thuốc bắt mạch kê đơn và hướng dẫn sử dụng, đồng thời phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý khi uống thuốc có nhân sâm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!