Việc đi vệ sinh của mỗi người sẽ khác nhau, có người có thể sẽ đi ngoài mỗi ngày nhưng lại có người một tuần chỉ vài lần. Tùy theo cơ địa và sức khỏe mà có chế độ đi ngoài khác nhau. Tuy nhiên, tần suất bao nhiêu mới tốt cho sức khỏe?
Thật ra, phân có tới 75% là nước. Phần còn lại là hỗn hợp xác các loại vi khuẩn đã góp phần giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, các loại vi khuẩn vẫn còn sống, protein, các chất xơ không thể tiêu hóa và các loại chất thải từ gan và ruột.
Mức độ đi ngoài thực chất tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Thường thì, chúng ta sẽ cần dùng đến nhà vệ sinh cho việc này một lần mỗi ngày. Mỗi lần như vậy, cơ thể đào thải theo tỷ lệ cứ 5 kg trọng lượng cơ thể tương đương với 28g chất thải. Mặc dù đi vệ sinh một lần mỗi ngày là điều phổ biến, nhưng đây không phải là chuẩn mực. Thật ra, chỉ cần bạn đi ngoài không quá 3 lần mỗi ngày thì cơ thể bạn hoàn toàn khỏe mạnh nếu chất thải không quá lỏng hoặc quá đặc.
Số lần đi ngoài và số lượng chất thải mà cơ thể bạn đào thải phụ thuộc rất nhiều vào thói quen ăn uống hằng ngày của bạn. Những yếu tố về gen và chế độ ăn uống có ảnh hưởng khá nhiều đến tần suất đi ngoài của bạn. Bạn tiêu thụ càng ít chất xơ thì số lần ra vào nhà vệ sinh càng ít (trung bình một người phụ nữ nên ăn từ 25g đến 30g chất xơ mỗi ngày).
Việc đi ngoài có liên quan đến não bộ
Mọi thứ chỉ tồi tệ hơn khi bạn quá lo lắng về tần suất ra vào nhà vệ sinh của mình thôi. Điều này xảy ra là do não bộ và đường ruột có kết nối chặt chẽ với nhau nhờ hệ thống các dây thần kinh và nơ-ron (chất dẫn truyền các xung thần kinh). Khi bạn lo lắng, cơ thể sẽ truyền máu đến các cơ quan quan trọng như tim và phổi, khiến các tế bào máu sẽ đi khỏi hệ thống tiêu hóa – dẫn đến tình trạng rối loạn đường ruột.
Trên thực tế, bạn chỉ cần phải lo lắng khi thói quen đi vệ sinh đột ngột thay đổi. Lý do phổ biến nhất chính là chế độ ăn uống và thói quen hằng ngày thay đổi. Một số người sẽ cảm thấy thói quen đi vệ sinh của họ trở nên bất thường vào những ngày cuối tuần hoặc trong các kỳ nghỉ. Điều này là do chế độ ăn uống và luyện tập thay đổi. Đây là những dịp mà họ có thể buông thả bản thân, không còn bám theo chế độ ăn uống hay luyện tập hằng ngày nữa.
Thay đổi thói quen đi ngoài trong chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gây ra những thay đổi nhất định trong thói quen đi vệ sinh. Cơ thể người phụ nữ sẽ tiết ra một loại hormone có tên khoa học là prostaglandin để báo hiệu cho sự bắt đầu của thời kỳ trứng rụng. Một số phụ nữ sẽ tiết ra nhiều loại hormone này hơn những người khác và các hormone dư thừa có thể lẫn vào trong đường ruột. Tại đây, chúng sẽ thực hiện các chức năng của mình. Tuy nhiên, thay vì kích thích rụng trứng ở tử cung để đào thải cặn bã, chúng lại kích thích đường ruột, làm thay đổi thói quen đi vệ sinh thường ngày của bạn.
Một loại hormone khác được sản xuất xung quanh quá trình hành kinh của người phụ nữ, mang tên progesterone, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng của ruột. Đường ruột sẽ bị ảnh hưởng nếu lượng hormone này quá ít, điều này dẫn đến tình trạng tiêu chảy trước khi bắt đầu hành kinh.
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Nếu nhu cầu đi ngoài đột ngột thay đổi so với bình thường, bạn nên đến bệnh viện để khám – chữa bệnh. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm cách chữa trị phù hợp nhất và hiệu quả nhất.
Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh lại chế độ ăn uống và luyện tập hoặc kê cho bạn toa thuốc khác nếu bạn đang chữa trị một loại bệnh nào đó. Nếu như đã áp dụng chế độ ăn uống và luyện tập mới mà vẫn không có kết quả, bác sĩ có thể sẽ khuyến khích bạn ăn nhiều loại thực phẩm ít chất xơ nếu bạn đang bị tiêu chảy hoặc ăn nhiều thực phẩm có nước nếu chất thải của bạn quá rắn.
Bạn cũng nên đến bệnh viện nếu như bạn thấy có máu trong chất thải, phân có hình dáng khác thường hay quá nhỏ hoặc bạn cảm thấy đau đớn khi đi ngoài. Những triệu chứng như vậy có thể chính là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ruột bị kích ứng, bệnh Celiac (một bệnh về tiêu hóa, gây tổn thương ruột non và cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng), bệnh viêm ruột và thậm chí là ung thư đại trực tràng.
Thói quen đi vệ sinh đột ngột thay đổi so với thường ngày có thể là dấu hiệu của chế độ ăn uống và luyện tập không phù hợp, hoặc cũng có thể là triệu chứng của các loại bệnh nghiêm trọng như viêm ruột và ung thư đại trực tràng.
Bên cạnh đó, trầm cảm, một loại bệnh lý nghiêm về tâm thần cũng là lý do phổ biến dẫn đến tình trạng táo bón. Nếu không được chữa trị kịp thời, táo bón có thể gây ra một số hư hại về đường ruột, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Nhiều người nói rằng họ đi ngoài hằng ngày hoặc với tần suất nhiều hơn khiến bạn cảm thấy giật mình. Tuy nhiên, bạn nên theo dõi quá trình đi ngoài dựa trên thói quen hằng ngày của bản thân nhiều hơn là cuống quýt lo lắng không đâu. Nếu thói quen đi vệ sinh vẫn diễn ra bình thường và không gây trở ngại hay đau đớn thì xin chúc mừng, bạn hoàn toàn khỏe mạnh.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 6 sự thật thú vị về việc đi ngoài
- 9 sự thật bất ngờ ít ai biết về chu kỳ kinh nguyệt
- Bố mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!