Dị ứng tinh dịch

Sức khỏe giới tính - 11/24/2024

Khi bị dị ứng tinh dịch, cơ thể tiếp xúc với tinh dịch sẽ bị mẩn đỏ, ngứa rát khó chịu, bỏng rát có khi sưng nề, khó thở hoặc có thể dẫn tới vô sinh.

Tôi trước khi lập gia đình, cơ thể tôi hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi lập gia đình được gần ba năm, tôi thường xuyên bị ngứa vùng kín, nổi mề đay, có lúc ngứa rất nhiều kèm theo sưng đau cửa mình, và khi vợ chồng không quan hệ thì không xuất hiện nhất là khi ông xã tôi đi công tác dài ngày, tôi ngại đi khám chuyện tế nhị này. Vậy tôi hỏi bệnh trên là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục, tôi muốn có em bé nhưng đến nay vẫn chưa có, vậy làm cách nào?

(Từ Thị Kim Oanh - Lâm Đồng)

Qua trình bày của bạn trong thư, phù hợp với triệu chứng của bệnh lý dị ứng tinh dịch. Dị ứng tinh dịch là tình trạng xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các thành phần trong tinh dịch. Theo thống kê, có khoảng 5 - 25% đôi có vấn đề về sinh sản phải đối mặt với hiện tượng dị ứng tinh dịch. Khi bị dị ứng tinh dịch, cơ thể tiếp xúc với tinh dịch sẽ bị mẩn đỏ, ngứa rát khó chịu, bỏng rát có khi sưng nề, khó thở hoặc có thể dẫn tới vô sinh…

Nguyên nhân gây dị ứng tinh dịch là hiện tượng một trong các thành phần của tinh dịch như tinh trùng, protein, enzym bị tấn công và bắt giữ bởi hệ miễn dịch của chính mình hoặc của người khác giới... Quá trình tấn công và bắt giữ này có thể gây nên các phản ứng dị ứng mà biểu hiện trên lâm sàng như hiếm muộn, vô sinh, triệu chứng bỏng rát, ngứa, nổi mề đay, khó thở.

Về triệu chứng, ngứa ngáy, đỏ rát, bỏng, phồng rộp ngay tại nơi tiếp xúc ở trong âm đạo hay ngoài âm đạo, nếu nặng hơn thì bị mẩn ngứa, ngứa da, nổi mề đay, khó thở hoặc gặp các cơn hen… Các biểu hiện dị ứng thường xuất hiện trong vòng 20 - 30 phút sau khi tiếp xúc với tinh dịch và có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày; nặng hơn thì đau thắt ngực, choáng váng, khò khè, đau đầu nhẹ, khó thở, có cảm giác bỏng rát khi đi tiểu…

Với thể nhẹ và trung bình, phương pháp điều trị tốt nhất là phương pháp giải mẫn cảm, bệnh nhân được tiếp xúc dần dần mỗi ngày một lượng nhỏ mẫu tinh dịch của chồng qua tiếp xúc bên ngoài âm đạo, để cơ thể làm quen dần, sau đó tăng dần số lượng mẫu tinh dịch này cho đến khi một lượng như tự nhiên mà không xuất hiện tượng mẫn cảm nữa là được.

Làm như vậy, đến khi người phụ nữ có thể dung nạp được với tinh dịch của chồng, khi đó họ có thể có quan hệ tình dục một cách tự nhiên và có thể có con. Trường hợp nặng có biểu hiện hệ thống thì ngưng tiếp xúc và dùng các nhóm thuốc kháng histamin như Aerius, Zyrtec, nhóm corticoid như Medrol đều có tác dụng chữa ngay tức thì các triệu chứng.

Về vấn đề sinh em bé, trường hợp dị ứng xảy ra khi mà các kháng thể kháng tinh trùng của người phụ nữ tấn công rất mạnh các tế bào tinh trùng, nếu muốn có con, nên được dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng đã rửa vào buồng tử cung hoặc dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!