Hầu hết những người mắc bệnh sởi đều là trẻ em người Mỹ gốc Somali chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi.
Theo Ủy ban y tế Minnesota, cộng đồng người Mỹ gốc Somali ở Minnesota đã tẩy chay vắc-xin sởi sau khi tiếp cận những thông tin sai lệch về nguy cơ do vắc-xin gây ra.
Nhiều chuyên gia y tế đang cảnh báo về những nguy hiểm khi tẩy chay vắc-xin.
Theo bà Patsy Stinchfield, giám đốc kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Nhi Minnesota, dịch bệnh mới bắt đầu vào khoảng 4 tuần trước nhưng đến nay đã có 48 người mắc bệnh trên toàn tiểu bang. Hiện có 34 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Minnesota. Nhiều trường hợp rất nặng.
Vì bệnh sởi rất dễ lây nên để ngăn ngừa tình trạng lây lan, tất cả những người vào viện đều phải đeo mặt nạ. Nếu không tiêm vắc-xin ngừa sởi, mỗi người sẽ có tới 90% khả năng bị nhiễm bệnh.
Bà Stinchfield cho biết: "Chưa ngày nào chúng tôi không phải tiếp nhận trường hợp mới mắc bệnh. 46 trong số 48 người mắc bệnh là trẻ em từ 10 tuổi trở xuống. Tôi vừa kiểm tra cho các bé. Các bé đang rất khổ sở vì bệnh. Chúng phải ở trong bệnh viện, ho rất nặng. Một số đã bị viêm phổi”.
Siêu vi sởi có khả năng di chuyển trong không khí. Chúng có thể sống tới 2 giờ nên dễ lây hơn bệnh cúm. Bệnh sởi có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Lịch tiêm vắc-xin sởi:
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vắc-xin sởi được tiêm chủng miễn phí để phòng bệnh sởi cho trẻ trong buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại các trạm y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em Việt Nam là mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Những nước khác có thể có lịch tiêm vắc xin sởi sớm hơn, ví dụ ở Trung Quốc lịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ lúc 8 tháng tuổi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC), nên tiêm vắc xin sởi cho trẻ em từ 6 tháng tuổi sống trong vùng dịch lưu hành hoặc trước khi đi đến vùng có dịch.
Các nghiên cứu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch sau tiêm vắc xin ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi cho thấy vắc xin có độ an toàn cao, tuy nhiên đáp ứng miễn dịch thấp và có thể bị trung hòa bởi kháng thể từ mẹ truyền sang. Vì vậy, việc tiêm vắc xin sởi sớm trước lịch tiêm chủng không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và WHO không khuyến cáo tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Tuy nhiên, những trẻ tiêm vắc xin sởi sớm trước lịch tiêm chủng vì bất cứ lý do gì thì trẻ cần được tiêm lại mũi sởi lúc 9 tháng tuổi và sau đó tiêm nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng tuổi để đảm bảo trẻ có được miễn dịch phòng bệnh sởi.
Vắc-xin sởi là vắc xin có độ an toàn khá cao, phản ứng sau tiêm thường là nhẹ như sưng, đau tại chỗ và có thể có sốt nhẹ. Theo WHO, phản ứng sốc phản vệ rất hiếm gặp, khoảng dưới 1 phần triệu trẻ được tiêm. Việt Nam đã sử dụng hơn 50 triệu liều vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng không ghi nhận một trường hợp tai biến nghiêm trọng nào. Chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ có tiền sử dị ứng với thành phần của vắc xin, trẻ đang sốt cao và bệnh tiến triển, trẻ có suy giảm miễn dịch.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!