Theo thống kê 90% người Việt đang mắc các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, đa số họ chỉ đi khám khi diễn biến bệnh đã nặng và ảnh hưởng đến cuộc sống.
1. Bệnh rộp môi
Do vi-rút Herpes simplex (HSV) gây nên – còn gọi là mụn nước do sốt, vì hay gặp sau những đợt bạn bị ốm, giảm sức đề kháng. Vi-rút có thể lây qua nước bọt, dùng chung đồ, qua tiếp xúc gần gũi. Có thể dùng thuốc mỡ bôi cho dễ chịu và mau lành vết thương nhưng khi bị thường xuyên bạn cần đi khám bác sĩ để uống thuốc theo toa ngăn ngừa bộc phát.
Bệnh rộp môi do vi-rút Herpes simplex gây ra (Ảnh minh họa: Internet)
2. Nấm Candida
Gây ra bởi nấm Candida, rất hay gặp ở người già và sơ sinh (Tưa lưỡi). Ở lứa tuổi khác cũng có thể bị nhiễm nấm: khi hệ thống miễn dịch suy giảm, dùng kháng sinh dài ngày, bệnh tiểu đường, dùng corticosteroid dạng hít hay uống, bệnh nhân ung thư…Khi phát hiện nên đi khám để đựơc chẩn đoán chính xác và điều trị theo từng trường hợp khác nhau.
3. Lưỡi mọc tóc
Xảy ra khi lưỡi có những sang chấn kéo dài, như một cái bẫy cho vi khuẩn phát triển mạnh, lưỡi có màu đen và giống như tóc. Nguyên nhân: dùng kháng sinh kéo dài, hút thuốc, vệ sinh kém, uống nhiều trà và cà phê, khô miệng…Điều trị: thường chỉ cần chải lưỡi bằng cây cạo lưỡi, nếu tình trạng nặng kéo dài nên đi khám bác sĩ để dùng thuốc nếu cần.
4. Viêm loét miệng
Còn gọi là nhiệt miệng, loét áp-tơ. Do nhiều nguyên nhân: nhiềm trùng, quá mẫn cảm, kích thích tố, stress, thiếu vitamin, sau sang chấn…Có thể gặp trên lưỡi, má, lợi. Bệnh thường tự khỏi sau khoảng 2 tuần, nếu nặng có thể dùng thuốc, kem bôi giảm đau, hoặc dùng laser nha khoa.
Viêm loét miệng có thể tự khỏi (Ảnh minh họa: Internet)
5. Bệnh Bạch Sản
Là dát hay mảng trắng trên má, môi, luỡi liêm quan đến những sang chấn kéo dài trong miệng như: răng thô ráp, cắn vào má, răng giả sai quy cách, hút thuốc lá, nhiễm nấm, giang mai…Thường không gây đau nhưng phải hết sức cẩn trọng vì bạch sản được coi như tổn thương tiền ung thư, khi phát hiện phải đi khám bác sĩ ngay.
6. Lưỡi bản đồ
Là bệnh ở phần niêm mạc của lưỡi, còn gọi là viêm lưỡi di cư, lành tính. Biểu hiện là sự rụng tạm thời những nhú lưỡi nhỏ, có ban đỏ không định hình, không có hình dạng nhất định. Thường không gây khó chịu nhưng có thể bị kích thích khi ăn nóng, cay, nặng hơn khi bị bôi nhiễm vi khuẩn và nấm candida. Nếu đau nhiều hay bị kéo dài cần đi khám bác sĩ, có thể dùng corticosteroid tại chỗ hay triamcinolone dán nha khoa.
7.Ung thư miệng
Ung thư miệng có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm (Ảnh minh họa: Internet)
Dấu hiệu ban đầu là những tổn thương kéo dài không khỏi trên môi, má, luỡi, vòm họng…có thể mất cảm giác, tê bì, có những mảng đỏ, trắng, hay loét kéo dài. Nguyên nhân: hút thuốc lá, nhai là thuốc, nhai trầu, uống nhiều ruợu, tiền sử gia đình có nguời bị ung thư, HPV. Khám phát hiện sớm chính là chìa khóa điều trị thành công ung thư miệng.
8. Đau khớp thái dương hàm
Gây ra cơn đau ở hàm, mặt, vùng tai hoặc cổ, khó khăn khi ăn nhai, nói, há miệng, có thể có tiếng lục cục khi há ngậm miệng. Nguyên nhân: chấn thương, viêm khớp TDH, thoái hóa thứ phát khớp TDH, trạng thái stress, tật nghiến răng, khớp cắn sai…Điều trị theo nguyên nhân, có thể phối hợp: liệu pháp tâm lý, thuốc giãn cơ, giảm đau, phẫu thuật, máng nhai, chỉnh răng và các nguyên nhân do răng, khớp cắn.
9. Chứng hôi miệng
Do nhiều nguyên nhân: chải răng không kĩ gây dắt thức ăn, tích tụ mảng bám lâu ngày, răng khôn mọc lệch, sâu răng, viêm lợi, viêm họng, viêm mũi họng, viêm amiđan hốc, viêm dạ dày, viêm thực quản, khô miệng, sức khỏe yếu…Cần phân biệt mùi hôi trong khoang miệng (chứng hôi miệng) và khi thở ra bằng mũi vẫn có mùi hôi (hơi thở hôi). Điều trị: Vệ sinh răng miệng đầy đủ, chế độ ăn uống hợp lý, điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể.
BS. Lê Huy Thành
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!