Điều trị bệnh lý cột sống ở những địa chỉ kém tin cậy: Hiểm họa khôn lường

Cần biết - 04/25/2024

Bệnh lý cột sống là căn bệnh rất nhiều người mắc phải, gây đau đớn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại, có hiệu quả cao trong điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, đó đây vẫn còn nhiều người lựa chọn điều trị cho mình bằng những sự mách bảo, hoặc tìm đến những nơi không tin cậy... Hậu quả là tự chuốc họa vào thân...

Những nạn nhân từ việc chữa trị không chính thống

Bệnh nhân N.T.T.P. (45 tuổi, Hà Nội) vào Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vì đau nhức toàn bộ lưng trái: Lưng trái sưng tấy nhức buốt, bệnh nhân không thể nằm ngửa do đau và do khối dịch chèn ép. Trên siêu âm và phim chụp cộng hưởng từ cho thấy dọc lưng trái bệnh nhân là khối áp-xe rất to với dịch mủ bên trong. Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhân bị áp-xe do nhiễm trùng. Tìm hiểu được biết, cách đây hơn 1 tháng do bị đau lưng nên chị P. đã tìm đến nhà một thầy lang ở quận Long Biên để tiêm và châm cứu...

Điều trị bệnh lý cột sống ở những địa chỉ kém tin cậy: Hiểm họa khôn lường

Tiêm thuốc vào cột sống phải thực hiện một cách nghiêm ngặt và vô trùng tại cơ sở y tế được cấp phép.

Trường hợp bệnh nhân Đ.V.H. (Quảng Ninh) cũng tương tự. Anh bị đau lưng đã tìm đến một phòng khám tư để khám và điều trị. Tại đây, anh được tiêm trực tiếp vào lưng. Sau tiêm xuất hiện tê buốt dọc từ mông xuống chân rồi không đi lại được, chân bên tổn thương ngày càng yếu. Sau thời gian điều trị ở nhiều nơi mà không cải thiện, anh mới tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

BS. Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, đây là hai trong nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do nhiễm trùng vì tiêm thuốc vào cột sống. Điều đáng nói ở đây là, ở thời đại 4.0 này mà vẫn còn những người có suy nghĩ mông muội đi khám và điều trị bệnh ở những địa chỉ không rõ ràng, không chính thống, ở những “thầy” chưa qua đào tạo bài bản về y học, sự hiểu biết về bệnh tật chỉ dừng lại ở kinh nghiệm, với những công thức “thuốc lá” không thể gọi tên, không thể biết rõ thành phần thuốc.

BS. Trần Quốc Khánh cho biết thêm, với bệnh lý cột sống, ngoài thăm khám trực tiếp, cần phải chụp Xquang, cộng hưởng từ mới “định hình” được chẩn đoán bệnh và có những giải pháp điều trị cho bệnh nhân phù hợp nhất. Chưa kể đến, có trường hợp bệnh nhân qua rất nhiều kết quả khám xét, chụp chiếu... cũng chưa thể có chẩn đoán xác định, lúc đó hội đồng chuyên môn lại tiếp tục hội chẩn và làm thêm nhiều những thăm dò khác như điện chẩn thần kinh - cơ, đo loãng xương, chụp cắt lớp vi tính, khảo sát xạ hình xương...

Tuy vậy hiện nay, với nhiều địa chỉ chữa bệnh không uy tín, bệnh nhân vẫn được điều trị, tiêm chọc, nắn bóp mà không cần phim ảnh chụp chiếu. Do nguyên nhân bệnh không được tìm ra, việc điều trị không hiệu quả và hậu quả là sẽ làm bệnh trở nên nặng hơn, biến chứng, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.

Tránh điều trị tại nơi không tin cậy

Theo BS. Trần Quốc Khánh, việc tiêm chọc vào cột sống, lưng cổ vô cùng nguy hiểm nếu thực hiện ở những trung tâm không chính thống và tiêm “mò”, nghĩa là người tiêm “sờ sờ nắn nắn” lưng, cổ rồi tiêm thẳng vào đó mà không cần những xét nghiệm cận lâm sàng. Hậu quả của việc “tiêm mò” ấy chính là nhiễm trùng, áp- xe, thậm chí tiêm vào mạch máu, chọc vào thần kinh, tiêm không đúng vào vị trí cần tiêm...

Ở những trung tâm y học lớn vẫn sử dụng phương pháp tiêm này, thường gọi là “phong bế”, nhưng quy trình thực hiện vô cùng nghiêm ngặt và tiêu chuẩn vô trùng như một ca phẫu thuật. Người thầy thuốc luôn thực hiện mũi tiêm đó dưới sự “định vị chính xác” của máy chụp Xquang - siêu âm trong phòng mổ vô khuẩn. Nhờ đó, bệnh nhân được cải thiện được phần nào triệu chứng của bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Hiện nay, nhiều bệnh nhân tìm đến các thầy lang để nắn trượt đốt sống khi thấy đau, khó vận động, Tuy nhiên, rất nhiều người không khỏi, tiền mất - tật mang. Để “nắn trượt” được đốt sống, các phẫu thuật viên phải phẫu thuật bộc lộ toàn bộ các đốt sống trượt, làm lỏng các tổ chức dây chằng - diện khớp, lấy bỏ đĩa đệm hỏng, bắt hệ thống ốc vít... rồi mới hy vọng nắn trượt các đốt sống về được ít nhiều. Việc tác động bên ngoài da để “nắn trượt” được các đốt sống về vị trí bình thường là điều bất khả thi. Nhiều bệnh nhân sau khi nhờ các thầy lang nắn được một thời gian, bệnh nhân vẫn đau, khó sinh hoạt đã tìm đến bệnh viện để khám thì kết quả chụp phim: Các đốt trượt vẫn y nguyên, thậm chí một số bệnh nhân tình trạng trượt đốt sống còn nặng nề hơn.

BS. Trần Quốc Khánh khuyên, khi bị bệnh, nhất là bệnh về cột sống, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những trung tâm y học chính thống, nơi có trang thiết bị y tế đầy đủ và người thầy thuốc được đào tạo bài bản, chuyên ngành, tránh điều trị theo sự mách bảo hoặc ở những nơi kém tin cậy... Có như thế, sức khỏe của bản thân cũng như người nhà mới được đảm bảo.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!