Dinh dưỡng cho răng trắng khỏe

Người bệnh ăn gì - 11/24/2024

Các nguồn dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu để tạo dựng các cơ quan, bộ phận của cơ thể theo sự chỉ huy của gen di truyền trong bào thai và duy trì sức khỏe sau khi ra đời, phát triển, trưởng thành... dinh dưỡng ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe răng nói riêng.

Nguồn dinh dưỡng là các loại thức ăn, vitamin và chất khoáng, chúng được chia thành 4 nhóm là protid, lipid, glucid và vitamin và chất khoáng.

Protid (chất đạm):có trong trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua, đỗ, lạc, gạo, mì; là cơ sở của tất cả các quá trình sống xảy ra trong cơ thể, là thành phần của nhân tế bào, tham gia vận chuyển chất dinh dưỡng và kích thích ngon miệng và nó cung cấp năng lượng khi nguồn từ lipid và glucid không đủ. Đối với răng miệng trước khi mọc răng, nó giúp cho sự hình thành của xương hàm trên, hàm dưới và mô quanh răng, hình thành khung của men răng và ngà răng. Nếu có một sự thiếu hụt protein trong chế độ ăn uống có thể làm chậm sự phát triển của xương và cấu trúc răng. Răng mọc lệch lạc, chen chúc, tăng nhạy cảm với sâu răng, nó có thể làm chậm lành các mô.

Lipid (chất béo):dầu động thực vật, bơ, mỡ lợn, cá, phomat, lòng đỏ trứng, hạt dẻ, cùi dừa, socola. Nó có vai trò là nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể dưới dạng mỡ, cung cấp năng lượng cao, cần cho cấu trúc màng tế bào, điều hòa hoạt động của cơ thể giúp tiêu hóa và hấp thu sinh tố A, D, E, K. Trong chế biến thực phẩm, chất béo tạo cảm giác ngon miệng, kích thích ăn.

Glucid (hydrat carbon):một chất hữu cơ không có nitơ, có trong gạo, mì, khoai, củ, đường mật, nó cung cấp năng lượng chính và cần thiết, chiếm 60 - 70% tổng năng lượng calo cho cơ thể hoạt động. Có 3 loại glucid là monosaccarid, disaccarid và polysaccarid, ngoài ra còn dạng kết hợp mucopolysaccarid, glucopolysaccarid là thành phần cấu tạo mô nâng đỡ, mô liên kết, màng tế bào, dịch nhầy có vai trò quan trọng trong cơ thể. Vai trò của glucid là chất tạo hình xây dựng cấu trúc tế bào và mô cơ thể, tham gia chuyển hóa lipid giữ hằng định nội môi, nó còn cung cấp chất xơ tạo cảm giác no và hấp thu chất có hại. Trong răng miệng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò gây sâu răng của cacbon hydrat nếu không biết cách sử dụng hợp lý, đặc biệt là đường saccarose thuộc nhóm disaccarid nếu sử dụng nhiều vệ sinh răng miệng kém sẽ có nguy cơ sâu răng cao.

Vitamin và chất khoáng:có 2 loại vitamin là loại tan trong dầu và tan trong nước.

Dinh dưỡng cho răng trắng khỏe

Loại tan trong dầu: vitamin A, D, E, K. Vitamin A và D ảnh hưởng quá trình vôi hóa răng.

Vitamin A: có nhiều trong cà rốt, gấc, đu đủ, ngoài ra còn có trong ngũ cốc, rau xanh. Chức năng của nó là bổ mắt, phòng bệnh quáng gà (khô mắt). Duy trì cấu trúc của da và niêm mạc, biệt hóa tế bào, tham gia đáp ứng miễn dịch trong cơ thể. Nếu thiếu trong quá trình hình thành và phát triển răng sẽ làm giảm kích thước răng, hàm; làm tăng khả năng nhạy cảm sâu răng do giảm lượng nước bọt. Nếu tăng vitamin A sẽ làm giảm sâu răng sau mọc răng.

Tăng vitamin A sẽ làm giảm sâu răng sau mọc răng

Vitamin D: có nhiều trong bơ, gan cá, lòng đỏ trứng, dầu cá, ánh nắng buổi sáng. Nó có vai trò làm tăng quá trình cốt hóa xương đối với răng trước khi mọc răng nó giúp cho quá trình vôi hóa tất cả các mô cứng, xương, men, ngà và xương răng. Thiếu thì gây còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn, hỏng răng trẻ em; thừa thì gây sỏi thận.

Loại tan trong nước: có tác dụng tại chỗ trên mặt men răng và mảng bám; loại này gồm vitamin nhóm B và vitamin C.

Vitamin B gồm có:

- B1 (thiamin) có trong mầm lúa, vỏ ngoài ngũ cốc. Nó tham gia chuyển hóa glucid, năng lượng, dẫn truyền xung động thần kinh. Thiếu thì gây chán ăn, mệt mỏi, táo bón, rối loạn dẫn truyền thần kinh, rối loạn hoạt động thần kinh và trao đổi chất. Sự thiếu hụt thể gây ra các bệnh như beriberi, ở miệng gây tăng mức độ nhạy cảm của mô miệng. Lưỡi có xuất hiện cảm giác bỏng rát và giảm cảm giác vị giác.

- B2 (riboflavin): có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, tậu, bia. Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng giảm đi nhiều qua quá trình xay xát. Tham gia chuyển hóa protid, lipid, tái tạo và bảo vệ mô da quanh miệng, tham gia tạo enzym. Thiếu thì gây tổn thương niêm mạc miệng, nứt loét kẽ mắt và rụng tóc.

- B3 (nicacin): thực phẩm cung cấp niacin: thịt, cá, gia cầm, các loại hạt và trứng Liều lượng cần cho cơ thể mỗi ngày: 14 - 35mg. Tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein cho cơ thể, đồng thời giúp cơ thể phát triển bình thường. Đối với răng nếu thừa gây tăng sâu răng do kích thích hoạt động vi khuẩn miệng.

- B6 (pyridoxin) có trong thận lợn, gan, sữa, thịt. thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn, trứng, cá... Thức ăn thực vật như: ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, đậu nành, đậu hạt, lạc, cà rốt, cải bắp, súp lơ, chuối, dưa hấu... Nó tham gia chuyển hóa protid và glucid, cùng B12 và folic phòng chống bệnh tim mạch. B6 có tác dụng làm giảm sâu răng. Thiếu thì gây rối loạn thần kinh và bệnh ngoài da.

Ngoài ra cơ thể còn cần các loại chất khoáng: gồm sắt, canxi, phốtpho, mangan, magie, kẽm, đồng, iod, kali, selen, molypden... có nhiều trong thịt, cá, trứng, rau quả. Nó tham gia tạo hemoglobin, vận chuyển oxy; là thành phần men xúc tác phản ứng sinh học, tham gia tạo máu. Thiếu các chất khoáng thì gây viêm lưỡi và khó nuốt, nhú lưỡi teo, lưỡi trơn và láng bong màu đỏ, viêm góc mép. Và nó giúp cho quá trình khoáng của men răng, xương răng và xương. Nếu thiếu sẽ làm tăng sâu răng.

ThS. Đỗ Thị Thu Hiền

(Trung tâm kỹ thuật cao khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt (Đại học Y Hà Nội))

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!