Dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe răng miệng

Điều cần biết - 11/24/2024

Thời kỳ mà thực phẩm ảnh hưởng nhiều nhất cho sức khỏe răng miệng là thời kỳ phát triển của răng.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển răng sữa và răng vĩnh viễn. Cần hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với răng để quan tâm hơn trong điều kiện trên 90% dân số VN mắc các bệnh về răng miệng. 

Thời kỳ mà thực phẩm ảnh hưởng nhiều nhất cho sức khỏe răng miệng là thời kỳ phát triển của răng. Thời kỳ này kéo dài bắt đầu từ trước khi sinh cho đến khi trẻ được 13-14 tuổi. Vì thế, thực phẩm ở bà mẹ mang thai và thực phẩm của em bé là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Thực phẩn cần thiết cho mỗi con người gồm có: Đạm (protide), đường (glucid), béo (lipide), muối khoáng (minerales), sinh tố (vitamines) và nước (water) để cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể. Chúng có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, ốc, hến, sữa, trứng, ngũ cốc, rau quả tươi... đủ các loại, mùa nào thức ấy. Nên ăn thức ăn còn tươi bảo đảm giá trị dinh dưỡng sinh tố và tránh ngộ độc thức ăn.

Dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe răng miệng

Ảnh minh họa

Các thức ăn tươi và có xơ

Bao gồm rau tươi, trái cây là những thức ăn tốt cho răng vừa có tính chất bổ dưỡng cần cho nướu răng và các mô quanh răng, lại còn giúp cho răng được sạch nhờ sự tẩy cọ, chải sạch răng, kích thích hệ thống tuần hoàn nơi niêm mạc miệng, nướu mô quanh răng, kích thích nước bọt chảy nhiều, giúp cho sự nhai nghiền thức ăn được dễ dàng, giúp cơ hàm được phát triển tốt. 

Do đó, chúng có tác dụng phòng ngừa rất lớn. Tất cả các loại rau xanh còn tươi như: Cà rốt, cà chua, rau cần, dưa leo, củ sắn... và trái cây tươi như táo, mận, cam, bưởi, quýt, đu đủ mỏ vịt, thơm... là thức ăn tốt cho răng. Nên dùng một trong các thứ rau hay trái cây tươi kể trên để ăn tráng miệng sau bữa ăn trưa nơi trường học, công sở hay khi đi du lịch không tiện mang theo bàn chải.

Dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe răng miệng

Ảnh minh họa

Sinh tố

Thức ăn tươi còn cung cấp cho ta nhiều sinh tố. Sinh tố là một trong những chất không thể thiếu trong thực phẩm cần thiết hàng ngày của con người. Sự thiếu sinh tố thường dẫn đến các dấu hiệu bệnh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể và sức khỏe răng miệng. 

Vì vậy nên ăn một khẩu phần có đầy đủ sinh tố cần thiết cho cơ thể, trong đó có các sinh tố A, C, D được gọi là sinh tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của răng và mô quanh răng.

Sinh tố A là loại sinh tố tan trong dầu, khá bền, khó bị tiêu hủy bởi nấu nướng. Sinh tố A có nhiều trong các loại rau trái có màu như cà rốt, cà chua, gấc, bí đỏ; hay những thực phẩm như gan, dầu, gan cá, lòng đỏ trứng, cật, sữa, các chế phẩm từ sữa... 

Sinh tố A có nhiệm vụ kiểm soát sự tạo hình và hoạt động của mô bì. Mầm răng được cấu tạo và phát triển từ mô bì của phôi thai. Nên sinh tố A là yếu tố kiểm soát hình thể và cấu tạo của răng, ăn thiếu sinh tố A sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ cấu của răng, làm men răng bị khuyết, ảnh hưởng phụ là sắc tố men răng bị trắng ra, có đốm trắng trên men răng, đồng thời tế bào thị giác yếu: Mắt dễ bị quáng gà, da dễ bị nhiễm trùng... Bình thường hàng ngày cần từ 1.500 - 4.000 ui. Phụ nữ có thai cần 5.000 - 6.000 ui/ngày.

Dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe răng miệng

Ảnh minh họa

Sinh tố D là chất xúc tác giúp cho cơ thể hấp thu được calcium, phốt pho là những chất rất cần thiết trong sự cấu tạo xương, răng và duy trì mọi hoạt động của cơ thể.

Thiếu sinh tố D, trẻ sẽ bị còi xương, sự mọc răng chậm lại, men và ngà răng bị mềm hơn bình thường nên dễ bị sâu và sâu răng tiến triển nhanh hơn bình thường.

Sinh tố D là sinh tố tan trong dầu và có nhiều trong các loại thực phẩm như dầu, gan cá, gan, các động vật, lòng đỏ trứng, các loại dầu thực vật... Dưới da có liền sinh tố D, dưới tác dụng của tia tử ngoại có trong ánh sáng mặt trời sẽ biến thành sinh tố D, nên phơi nắng là biện pháp rất tốt giúp cơ thể có thêm sinh tố D. Bình thường cơ thể cần 400 - 800 ui/ngày.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!