Đồ uống chứa đường: Ẩn nhiều hiểm họa khó lường

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Nhiều con số chứng minh rằng nếu uống 1-2 lon nước ngọt hoặc hơn làm gia tăng 26% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.

Đồ uống có đường được ưa chuộng dùng trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên các nhà khoa học chứng minh rằng tiêu thụ nhiều đồ uống có đường gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường, bệnh tim, và một số bệnh mạn tính khác.

Nước uống đóng chai không hề bổ

PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết khi mệt mỏi, nhiều người chọn uống nước đóng chai sẽ cảm thấy sảng khoái, người khoẻ khoắn hơn. Nhưng thực tế nước uống đóng chai không hề bổ.

Việc sử dụng đồ uống đóng chai, đồ uống chứa đường là con đường dẫn đến nhiều bệnh tật. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo chúng ta không nên lạm dụng đồ uống này nhưng ở Việt Nam thì trẻ nhỏ và ngay cả người lớn cũng nghiện nó và uống rất nhiều.

Trong thành phần của nước ngọt chủ yếu là đường, bao gồm đường đôi và đường đơn (loại đường cung cấp năng lượng nhanh như glucose, fructose, sucrose, lactose).

Đồ uống chứa đường: Ẩn nhiều hiểm họa khó lường

Lượng đường có trong đồ uống đóng chai.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ quá nhiều đường đôi, đường đơn hàng ngày không tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, uống quá nhiều nước ngọt, tức là tiêu thụ quá mức đường đơn đường đôi sẽ có hại. WHO cho biết mỗi ngày nhu cầu năng lượng của cơ thể chỉ cần dưới 5% đường đôi và đường đơn.

Ví dụ một người trường thành nhu cầu tiêu thụ là 2.000 calo/ngày, 5% tức là 100 calo, quy đổi ra là 25g đường đơn đường đôi đến từ bánh kẹo, nước ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn khác như tương cà, tương ớt ngọt…

Vậy 1 ngày cơ thể của con người chỉ được phép tiêu thụ 25g đường đôi, đường đơn. Một khi chúng ta tiêu thụ quá mức khuyến cáo này, cơ thể sẽ bị tăng đường huyết rất nhanh.

Hàng chục bệnh nguy hiểm

Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết ngõ 133 Thái Hà cho biết việc sử dụng đồ uống đóng chai đã được nghiên cứu chỉ ra rằng có hại cho sức khoẻ.

Nhiều con số chứng minh rằng nếu uống 1-2 lon nước ngọt hoặc hơn như vậy làm gia tăng 26% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 so với những người ít dùng các thức uống có đường.

Một nghiên cứu trong 20 năm theo dõi 40.000 nam giới thấy rằng những người uống 1 lon nước ngọt/ngày gia tăng 20% nguy cơ đột quỵ hoặc chết do nhồi máu cơ tim hơn những người ít dùng thức uống có đường. Một nghiên cứu trên phụ nữ cũng cho kết quả tương tự.

Một nghiên cứu khác theo dõi 80.000 phụ nữ suốt 22 năm cho thấy uống 1 lon nước ngọt/ngày làm gia tăng nguy cơ bệnh gút. Kết qua nghiên cứu nhận thấy nguy cơ tương tự ở nam giới.

Bác sỹ Frank Hu, Giáo sư về dinh dưỡng và dịch tễ trường Đại học Harvard khoa Sức khỏe cộng đồng, gần đấy chứng minh một cách mạnh mẽ rằng giảm tiêu thụ đồ uống có đường sẽ làm giảm tỷ lệ người mắc béo phì và các chứng bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường, mỡ máu, tim mạch.

Các nghiên cứu cho biết có nhiều bằng chứng rõ nét về mối tương quan giữa việc uống nước ngọt và sự gia tăng bệnh tiểu đường.

Ví dụ: nghiên cứu Nurse’ Health Study tập hợp 90.000 y tá được theo dõi 8 năm. Những y tá uống hơn 1 lon nước ngọt hoặc quả ép có nguy cơ mắc tiểu đường gia tăng gấp 2 lần so với những y tá uống ít đồ ngọt hơn.

Một nghiên cứu lâu dài thực hiện trên 60.000 phụ nữ da đen trên khắp nước Mỹ thấy rằng tỷ lệ gia tăng mắc tiểu đường tương tự. Và sự gia tăng tiểu đường liên quan đến tăng cân.

Trong nghiên cứu nổi tiếng về bệnh tim Framingham cũng ghi nhận người uống hơn 1 lon nước ngọt mỗi ngày tăng 25% nguy mắc tiểu đường và 50% nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.

Thạc sĩ Cường cho biết nghiên cứu Nurse’ Health Study theo dõi 2 thập kỷ về khía cạch bệnh lý tim mạch: những y tá uống hơn 2 lon nước ngọt/ngày gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và chết do bệnh tim lên 40% so với nhóm y tá ít khi uống đồ ngọt như vậy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!