Đông dược trị chứng 'đèn đỏ phập phù'

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Các bài thuốc dân gian sau chữa các chứng khí hư, huyết hư,... do kinh nguyệt thất thường trong ngày 'đèn đỏ' của chị em.

Chứng hư hàn

Triệu chứng: Kinh nguyệt đến sau kỳ, lượng kinh ít, màu nhợt, chất loãng, sắc mặt trắng, tinh thần uể oải, tim hồi hộp, hay hụt hơi, ngại nói, eo lưng và chân đau mỏi, bụng dưới sa xuống, chất lưỡng nhợt, rêu lưỡi mỏng ướt, mạch hư nhược vô lực.

Phép trị: Ôn kinh tán hàn. Dùng bài Ngải tiễn hoàn: Ngô thù du 12g, thục địa 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, thạch xương bồ 6g, nhân sâm 12g, ngải diệp 4g, quất hồng bì 8g.

- Nếu lợm giọng nôn mửa gia đinh hương 4g, bán hạ 10g, sinh khương 3 lát. Có thể sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần uống trong ngày hoặc tán bột làm viên hoàn ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 viên (mỗi viên tương đương với 4g), với nước đun sôi để ấm.

Chứng khí hư

Triệu chứng: Kinh ra trước kỳ, lượng kinh nhiều, màu nhợt, chất loãng, sắc mặt trắng bóng, tinh thần uể oải, tim hồi hộp, đoản hơi, ngại nói, eo lưng và hai chân mỏi, bụng dưới sa xuống, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng ướt, mạch hư nhược vô lực.

Phép trị: Bổ khí cố kinh. Dùng bài Bổ khí cố kinh hoàn: Đảng sâm 16g, bạch truật 16g, hoàng kỳ 12g, bạch linh 12g, sa nhân 12g. Tán bột làm viên, uống ngày 3 lần mỗi lần 50g với nước sôi để ấm. Nếu sắc uống có thể gia thêm một số vị phù hợp với chứng trạng của từng bệnh nhân. Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn.

Đông dược trị chứng 'đèn đỏ phập phù'

Chứng huyết hư

Triệu chứng: Kinh ra sau kỳ, lượng ít, huyết nhợt, chất loãng, thân thể gầy yếu, sắc mặt úa vàng. Môi, lưỡi, móng tay, móng chân xanh nhợt, da dẻ khô sáp, đầu choáng, mắt hoa, tim hồi hộp, ít ngủ, chất lưỡi nhợt không có rêu. Mạch tế sác hoặc hư tế. Nếu kèm chứng khí hư là khí huyết đều hư.

Phép trị: Bổ huyết điều kinh. Dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh thang: Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, trần bì 12g, quế tâm 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, cam thảo 8g, bạch thược 8g, thục địa 8g, ngũ vị tử 6g, bạch linh 12g, viễn chí 4g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả. Mỗi ngày 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn (cần uống khi thuốc còn ấm).

- Nếu khí huyết đều hư thì bổ khí dưỡng huyết, thường dùng bài Thập toàn đại bổ thang. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống trong ngày.

Triệu chứng: Kỳ kinh đến sớm muộn không nhất định, lượng huyết nhiều ít không nhất định (gọi là rối loạn kinh nguyệt), sắc huyết nhợt mà trong, sắc mặt vàng bệch, tay chân phù, chân tay mệt mỏi mà thích nằm, mặt mày xây xẩm, tim hồi hộp, có lúc bụng trướng, miệng nhạt ăn không biết ngon, ăn ít, hay nôn mửa, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhợt rêu trắng, mạch hư trì.

Phép trị: Bổ tỳ điều kinh. Dùng bài Quy tỳ thang: Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn 8g, bạch truật 16g, bạch linh 12g, đương quy 12g, táo nhân 16g, viễn chí 6g, mộc hương 6g, chích thảo 4g. Mỗi ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn. Hoặc tán bột làm viên, ngày uống 3 lần mỗi lần 2 viên trước khi ăn, uống với nước đun sôi để ấm.

Chứng can thận hao tổn

Triệu chứng: Kinh ra trước hoặc sau kỳ kinh, lúc nhiều lúc ít, màu nhợt, chất loãng. Sắc mặt xanh nhợt hoặc xẩm tối, đầu choáng, tai ù, eo lưng đau nhức, chân yếu, ăn kém, ngủ kém, bụng dưới sa xuống và đau, hay đi tiểu tiện về đêm, lưỡi nhạt, rêu mỏng có vết rạn nứt, mạch trầm nhược.

Phép trị: Bình can bổ thận. Dùng bài thuốc Định kinh thang: Thục địa 16g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thỏ ty tử 16g, hoài sơn 12g, bạch linh 12g, sài hồ 4g, hắc giới tuệ 8g, hương phụ 8g. Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần sau khi ăn (uống khi thuốc còn ấm).

Chứng huyết ứ

Triệu chứng: Kinh ra sau kỳ lượng huyết ít, màu tím đen, đóng cục, sắc mặt tím xám, bụng dưới trướng đau đè vào khó chịu, khi huyết cục đã ra thì bụng bớt đau, ngực, bụng trướng đầy không thư thái, đại tiện táo bón, tiểu tiện ngắn màu vàng, lưỡi đỏ xám, mạch trầm sác.

Phép trị: Hành huyết trục ứ. Bài thuốc thường dùng Đào nhân tứ vật thang: Sinh địa 12g, xuyên quy 12g, xuyên khung 8g, đào nhân 8g, hồng hoa 4g, bạch thược 12g. Ngày 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm.

Chứng khí uất

Triệu chứng: Kinh ra trước kỳ, sau kỳ không nhất định, lượng ít, sắc đỏ tía có cục, sắc mặt xanh xám, tinh thần uất ức. Trước kỳ kinh hai vú căng lên, lúc đó kinh bụng dưới trướng đầy đau, (có trường hợp bụng đau trước khi có kinh) đau lan lên hai mạn sườn. Ngực đầy tức, dạ dày căng, ợ hơi được thì thấy nhẹ đi, rêu lưỡi trắng, mạch huyền.

- Nếu kèm có nhiệt chứng thì kinh nguyệt thấy trước kỳ, người phiền nhiệt, môi khô miệng ráo, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Phép trị: Điều khí giải uất. Bài thuốc Tiêu giao tán gia giảm: Bạch truật 12g, bạch linh 12g, sài hồ 6g, đương quy 12g, trần bì 8g, bạch thược 12g, bạc hà 4g, ổi khương 3 lát, chích thảo 4g. Ngày 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống xa bữa ăn lúc thuốc còn nóng.

- Nếu uất nhiệt thì giải uất thanh nhiệt, thường dùng bài Đan chi tiêu giao tán: đan bì 12g, chi tử 12g, sài hồ 8g, bạch thược 12g, đương quy 8g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, bạc hà 4g. Ngày 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.

Chứng đờm thấp

Triệu chứng: Thường thấy kinh sau kỳ, sắc huyết nhợt đặc dính, lượng kinh nhiều ít không chừng, mặt trắng bệch, ngực tức, bụng đầy trướng, hay buồn nôn, ăn uống kém, miệng nhạt có nhớt. Rêu lưỡi trắng có nhớt, mạch huyền hoạt, có khí hư hoặc huyết hư, có trường hợp kinh ra trước kỳ mà lượng quá nhiều.

Phép trị: Kiện tỳ tiêu đờm. Bài thuốc Thương phụ đạo đàm hoàn: Thương truật 12g, hương phụ (tứ chế) 12g, trần bì 8g, bạch linh 12g, nam tinh 12g, chỉ xác 8g, bán hạ chế 10g, chích thảo 4g.

Tẩm nước gừng phơi khô tán bột làm hoàn viên nước. Ngày uống 3 lần mỗi lần 15g với nước gừng loãng.

- Nếu có nhiệt tích thì phải thanh nhiệt, thường dùng bài Tinh khung hoàn gia bạch truật 12g, hoàng liên 6g.

- Nếu có khí hư thì phải bổ khí, thường dùng bài Lục quân tử thang gia đương quy 12g, bạch thược 12g.

TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!