Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có bình thường hay không?

Sức khỏe phụ nữ - 04/18/2024

Chu kỳ kinh nguyệt có ý nghĩa rất quan trọng đối với phụ nữ, đánh dấu một bé gái đã trưởng thành và có khả năng mang thai. Kinh nguyệt không đều là tình trạng không quá hiếm gặp, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì và mãn kinh, là dấu hiệu không tốt, chứng tỏ, cơ thể đang có vấn đề

Bạn có biết chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu không? Nếu không, đã đến lúc bạn nên chú ý nhiều hơn đến vấn đề này.

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp bạn hiểu những gì là bình thường đối với bạn, thời gian rụng trứng và xác định những thay đổi quan trọng – ví dụ như mất kinh hoặc chảy máu kinh nguyệt ngoài ý muốn. Mặc dù những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi nó có thể biểu hiện cho những vấn đề sức khỏe.

Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt hoặc thời gian hành kinh là giai đoạn mỗi tháng khi buồng trứng bắt đầu quá trình rụng trứng. Quá trình này sẽ gây chảy máu qua âm đạo, thường kéo dài khoảng 3-5 ngày và khác nhau ở mỗi người phụ nữ.

Chu kỳ kinh nguyệt cung cấp một loại hóa chất quan trọng giữ cho cơ thể khỏe mạnh được gọi là hormone. Thời gian hành kinh cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thụ tinh, mang thai mỗi tháng. Sự lên xuống của lượng hormone trong cơ thể kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Vậy cách tính chu kỳ kinh nguyệt như thế nào? Thời gian hành kinh không nhất thiết phải cùng một ngày mỗi tháng vì một chu kỳ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ trước cho đến ngày đầu tiên của kỳ tiếp theo. Nhiều người thường thắc mắc chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày? Thật ra, chu kỳ kinh trung bình dài 28 ngày. Chu kỳ dao động khoảng 21-35 ngày ở người lớn và 21-45 ngày ở thanh thiếu niên trẻ. Tất cả phụ nữ đều có kinh nguyệt. Thời kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể xảy ra khi bạn từ 8 -12 tuổi. Và kéo dài theo định kỳ hằng tháng cho đến khi mãn kinh khoảng 50 tuổi.

Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có bình thường hay không?

Các triệu chứng phổ biến của chu kỳ kinh nguyệt là:

  • Chuột rút ở vùng bụng dưới;
  • Đau lưng;
  • Những thay đổi về khẩu vị hoặc thèm ăn;
  • Ngực sưng, đau;
  • Nhức đầu;
  • Mệt mỏi;
  • Khó ngủ;
  • Đau khớp hoặc cơ bắp;
  • Căng thẳng, dễ bị kích thích, thay đổi tâm trạng, hay khóc;
  • Tiêu chảy.

Những biểu hiện bình thường của chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có bình thường hay không?

Kinh nguyệt là một tình trạng sức khỏe bình thường mà mọi người phụ nữ đều phải trải qua do ảnh hưởng nội tiết tố. Trong nửa đầu của chu kỳ, nồng độ hormone nữ estrogen bắt đầu tăng. Estrogen đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là giúp xương chắc khỏe đến khi bạn già đi. Estrogen cũng làm cho niêm mạc tử cung (dạ con) lớn và dày lên. Đây là nơi nuôi dưỡng phôi thai nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra. Đồng thời với lúc lớp niêm mạc của tử cung đang phát triển, một hay nhiều trứng trong buồng trứng bắt đầu trưởng thành. Vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ 28 ngày, trứng rời khỏi buồng trứng, quá trình này được gọi là sự rụng trứng.

Sau khi trứng đã rời khỏi buồng trứng sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung. Mức độ hormone tăng lên giúp nội mạc tử cung chuẩn bị cho quá trình mang thai. Phụ nữ nhiều khả năng có thai vào ngày rụng trứng hoặc trước đó 3 ngày. Bạn hãy nhớ rằng, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc dài sẽ rụng trứng vào trước hay sau ngày thứ 14. Phụ nữ mang thai khi trứng được thụ tinh với tinh trùng gắn vào thành tử cung. Nếu trứng không được thụ tinh, tinh trùng sẽ bị tiêu hủy. Sau đó, mức độ hormone giảm và niêm mạc của tử cung dày lên sẽ bị đào thải cùng trứng không được thụ tinh trong thời kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, bạn hãy nhớ rằng việc sử dụng một số phương pháp ngừa thai, chẳng hạn như thuốc tránh thai hay vòng tránh thai có thể ảnh hưởng đến “ngày đèn đỏ”. Khi gần mãn kinh, chu kỳ kinh của bạn có thể trở nên không đều đặn. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường để phòng ngừa ung thư tử cung.

Những biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt

Thật tuyệt vời nếu “ngày đèn đỏ” của bạn vẫn xuất hiện đều đặn. Tuy nhiên, một số phụ nữ sẽ gặp phải những tình trạng như kinh ra quá nhiều hay quá ít, kinh không đều, đau bụng kinh dữ dội hay mất kinh. Những điều này là dấu hiệu bất thường của kinh nguyệt và bạn cần đi khám bác sĩ. Chu kỳ kinh nguyệt không bình thường có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Căng thẳng, bệnh tật;
  • Tuổi tác: thường ảnh hưởng đến phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Lượng estrogen thấp có thể gây kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh;
  • Các loại thuốc tránh thai;
  • Rối loạn ăn uống, giảm cân đột ngột hoặc tập thể dục quá sức: Rối loạn ăn uống, giảm cân quá nhiều và luyện tập gắng sức có thể gây rối loạn kinh nguyệt;
  • Việc mang thai hoặc cho con bú: lỡ chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu sớm của thai kỳ. Việc cho con bú thường trì hoãn sự trở lại của kinh nguyệt sau khi mang thai;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): chứng rối loạn hệ thống nội tiết phổ biến này có thể gây kinh nguyệt không đều cũng như buồng trứng to có chứa dịch thấy được khi siêu âm;
  • Suy buồng trứng. Nếu bạn mắc phải tình trạng này, trước khi bạn sang tuổi 40, buồng trứng sẽ mất đi chức năng bình thường của nó. Những phụ nữ bị suy buồng trứng sớm (còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát) có thể có kinh nguyệt không đều trong nhiều năm
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): khiến các cơ quan sinh sản chảy máu kinh nguyệt không đều;
  • U xơ tử cung: là tử cung tăng trưởng quá mức nhưng không gây ung thư, có thể gây chảy máu kinh nguyệt nặng và chu kỳ kinh nguyệt kéo dài.
  • Có các u nhỏ hoặc bị dày lên của lớp niêm mạc tử cung;
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp;
  • Sẹo nặng (dính) của lớp niêm mạc của tử cung, một tình trạng gọi là hội chứng Asherman;

Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt không đều tới khả năng thụ thai?

Chu kỳ kinh nguyệt càng không đều sẽ dẫn đến việc thụ thai của bạn sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Nếu chu kỳ của bạn không đều, ngày bạn có khả năng thụ thai cao nhất cũng sẽ không ổn định, từ đó bạn cũng sẽ khó khăn hơn để xác định thời điểm cho việc quan hệ tình dục để có thai. Ngoài nguy cơ vô sinh, kinh nguyệt không đều cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa nguy hiểm khác.

Vì vậy, hãy cố gắng kiểm tra và quan sát sự thay đổi trong chất nhờn của bạn mỗi ngày. Hãy quan hệ khi bạn nhận thấy mình ẩm ướt và có chất nhờn trơn trong hai hoặc nhiều ngày. Hoặc bạn có thể áp dụng một cách dễ hơn là vẫn quan hệ bình thường giữa các đợt kinh nguyệt.

Một số phụ nữ sử dụng bộ dụng cụ xác định rụng trứng hoặc phần mềm tính ngày rụng trứng để xác định thời gian sinh sản phù hợp nhất. Bộ dụng cụ này có khả năng tính toán được ngày đỉnh của hoàng thể tố(luteinising hormone, viết tắt là LH) – đây là một loại kích thích tố kích thích rụng trứng. Bằng việc sử dụng bộ dụng cụ này, bạn có thể tính ngày mà trứng rụng nhiều nhất trong chu kỳ, mặc dù cách tính chu kỳ kinh nguyệt hay tính ngày rụng trứng có chính xác hay không thì việc xác định thời gian để quan hệ này sẽ không tăng cơ hội mang thai tự nhiên cho bạn.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều thường được điều trị như thế nào?

Thông thường, không cần điều trị gì khi chu kỳ kinh nguyệt không đều gây ra bởi giai đoạn dậy thì và mãn kinh nhưng bạn vẫn cần đến bệnh viện đã khám chi tiết, trừ khi kỳ kinh khiến bạn mất quá nhiều máu hoặc gây khó chịu. Và cũng là bình thường nếu bạn không có chu kỳ kinh trong thời gian mang thai. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng trước tiên để tìm hiểu xem chu kỳ kinh nguyệt là bình thường hay bất thường. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn bất thường, bác sĩ sẽ làm tiếp xét nghiệm như khám phụ khoa, xét nghiệm máu, sinh thiết nội mạc tử cung, buồng tử cung và siêu âm.

Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có bình thường hay không?

Phương pháp điều trị và các thói quen sinh hoạt làm giảm các triệu chứng cho kinh nguyệt không đều có thể bao gồm:

  • Làm mất tác dụng bệnh hoặc điều trị bệnh lý sẵn có như chuột rút trong kỳ kinh nguyệt, đau bụng kinh thì hãy uống aspirin hoặc thuốc giảm đau khác như acetaminophen, ibuprofen, naproxen để giảm đau;
  • Thay đổi phương pháp kiểm soát sinh đẻ;
  • Thay đổi lối sống, bao gồm cả việc giảm cân;
  • Liệu pháp hormone;
  • Làm phẫu thuật.
  • Đặt một miếng đệm ấm hay chai nước ấm vào lưng dưới hoặc bụng. Tắm nước ấm cũng có thể giúp giảm cơn đau bụng do kinh nguyệt;
  • Tránh các loại thực phẩm có chứa nhiều caffeine và muối;
  • Tránh hút thuốc và uống rượu;
  • Massage lưng và bụng dưới.

Điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ nếu bạn thường xuyên có quan hệ tình dục và bị nhỡ một chu kỳ kinh. Đây có thể là một dấu hiệu của việc mang thai. Bạn cũng nên gặp bác sĩ của bạn nếu bạn bắt đầu có kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, hay máu kinh nhiều, chu kỳ xảy ra thường xuyên hơn mỗi 21 ngày hoặc ít hơn mỗi 45 ngày, hoặc có kèm theo co thắt nặng hoặc đau bụng. Cũng cho bác sĩ biết nếu bạn bị chảy máu ở giữa những chu kỳ kinh.

Trong khi đó, nếu kinh nguyệt bạn không đều, hãy giữ một miếng lót hoặc băng vệ sinh dạng ống (tampon) trong ba lô của bạn, chỉ cần như vậy bạn sẽ thấy chúng hữu ích trong trường hợp chu kỳ của bạn đến không như mong đợi.

Hãy nhớ rằng, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp bạn biết được đâu là dấu hiệu bình thường và bất thường cho cơ thể. Nếu bạn nhận thấy mình đang phải đối mặt với những hiện tượng bất thường của “ngày đèn đỏ”, bạn nên đi khám bác sĩ nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cách phân biệt xuất huyết âm đạo với kinh nguyệt
  • Cách Tính Ngày Rụng Trứng Dễ Thụ Thai Hoặc Tránh Thai Theo Ý Muốn
  • Khi nào chu kỳ kinh nguyệt sau khi sinh trở lại?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!