Đừng chủ quan với căn bệnh xoắn tinh hoàn

Sức khỏe giới tính - 11/24/2024

Mắc phải căn bệnh này, nếu không được can thiệp kịp thời dễ dẫn đến hoại tử tinh hoàn và chỉ còn cách cắt bỏ.

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn, hoặc tinh hoàn xoắn là một loại bệnh cấp tính. Nó xảy ra khi thừng tinh (bộ phận cung cấp lưu lượng máu đến tinh hoàn) bị vặn và xoắn. Xoắn tinh hoàn gây ra tình trạng cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn, khiến người bệnh bị đau đột ngột và sưng. Xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật ngay lập tức để bảo vệ tinh hoàn. Nếu xoắn tinh hoàn không được can thiệp sau một vài giờ, nó có thể gây tổn hại vĩnh viễn tinh hoàn, và một tinh hoàn bị hỏng bắt buộc phải loại bỏ. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở 10 - 25 tuổi. Sau 25 tuổi thì tỷ lệ mắc chỉ còn là 1/4000.

Mức độ xoắn cũng có thể dao động từ 180o (xoắn nửa vòng) đến 720o (xoắn 2 vòng). Mức độ xoắn cũng ảnh hưởng đến tốc độ bị phá hủy của tinh hoàn. Theo nguyên tắc chung, nếu được can thiệp sau 6 giờ, tỷ lệ bảo vệ được tinh hoàn là 90%; sau 12 giờ, tỷ lệ này giảm xuống 50%; sau 24 giờ, khả năng giữ lại được tinh hoàn chỉ còn 10%.

Nguyên nhân gây ra xoắn tinh hoàn?

Đừng chủ quan với căn bệnh xoắn tinh hoàn

Tinh hoàn bị xoắn (màu xanh) - Ảnh minh họa

Các bìu là bao da dưới dương vật. Bên trong bìu là tinh hoàn. Mỗi tinh hoàn được kết nối với phần còn lại của cơ thể bằng một mạch máu gọi là thừng tinh. Xoắn tinh hoàn xảy ra khi một thừng tinh bị xoắn, cắt đứt dòng chảy của máu đến tinh hoàn.

Hầu hết các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở những người có một tình trạng gọi là bell clapper deformity (tạm dịch là dây chuông biến dạng). Ở nam giới, tinh hoàn được gắn vào bìu khiến chúng được cố định và ít bị xoay. Với những người có dị dạng, tinh hoàn không được cố định, có thể di chuyển và xoay trong bìu dễ gây ra hiện tượng xoắn.

Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau khi tập thể dục hoặc làm việc vất vả, trong khi ngủ, hoặc sau một chấn thương bìu. Rất nhiều trường hợp đã được thống kê, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa xác định được những nguyên nhân rõ ràng.

Các triệu chứng của tinh hoàn xoắn là gì?

Khi bị xoắn tinh hoàn, người bệnh rất dễ nhận ra triệu chứng của nó. Họ sẽ cảm đau đột ngột, có thể đau dữ dội ở bên bìu có chứa tinh hoàn bị xoắn. Cơn đau có thể lúc tăng lúc giảm nhưng nhìn chung sẽ không biến mất hoàn toàn. Các triệu chứng khác bao gồm:

- Sưng một bên bìu

- Buồn nôn và nôn

- Đau bụng

- Một bên tinh hoàn cao hơn tinh hoàn khác

- Sốt, chóng mặt

- Tiểu dắt

- Có lẫn máu trong tinh dịch

Bạn nên làm gì?

Đừng chủ quan với căn bệnh xoắn tinh hoàn

Ảnh minh họa

Nếu bạn bị đau đột ngột ở bìu, hãy gọi cho bác sĩ và đến bệnh viện hoặc phòng khám càng sớm càng tốt. Không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì cho đến khi bác sỹ khám xong cho bạn và cho phép bạn có thể ăn uống. Xoắn tinh hoàn là một trường hợp khẩn cấp: khi xảy ra, một bệnh nhân cần được phẫu thuật ngay.

Đôi khi, thừng tinh có thể bị xoắn và sau đó lại tự duỗi ra mà không qua biện pháp điều trị nào. Hiện tượng này được gọi là xoắn và dị tật, và hiện tượng xoắn tinh hoàn vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Nếu bạn bị xoắn tinh hoàn nhưng sau đó lại hết xoắn và hết đau, bạn cũng đừng nên chủ quan mà vẫn nên đi khám. Các bác sỹ sẽ giúp bạn kiểm tra xem tinh hoàn của bạn có bị dị tật không và có khả năng lại bị xoắn tinh hoàn trong tương lai không.

Hầu hết các trường hợp xoắn tinh hoàn đều cần phẫu thuật để gỡ xoắn. Trong trường hợp hiếm hoi, các bác sĩ có thể gỡ xoắn bằng cách đẩy vào bìu, nhưng hầu hết các chàng trai vẫn sẽ cần phải phẫu thuật để cố định một hoặc cả hai tinh hoàn vào bìu để tránh xoắn xảy ra trong tương lai.

Người được phẫu thuật cần phải tránh các hoạt động gắng sức và tránh quan hệ tình dục hoặc kích thích tình dục (như thủ dâm) trong một vài tuần sau khi phẫu thuật xoắn tinh hoàn. Trong trường hợp xoắn quá lâu, các bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.

Còn nếu bạn đã bị cắt mất 1 bên tinh hoàn thì cũng đừng nên suy sụp vì chuyện này. Bạn vẫn có thể làm cha và sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường. Nếu bạn cảm thấy tự ti, bạn có thể cấy một tinh hoàn giả hoặc tinh hoàn nhân tạo vào thời điểm một vài tháng sau khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là căn bệnh nguy hiểm và xảy ra khá nhanh, tuy nhiên điều trị lại chỉ cần một tiểu phẫu khá đơn giản. Do đó, đừng xấu hổ hay ngại ngùng che giấu bệnh, cần đến ngay bệnh viện để khám bệnh khi có những dấu hiệu bất thường của tinh hoàn để sớm được điều trị. Đừng để đến khi quá muộn!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!