>> Xem thêm: Chuyên đề về Cơn sốt vắc-xin Pentaximtại đây
Hiện nay, do tâm lý nghi ngại sau khi có một vài vụ tai biến sau khi tiêm vắc-xin, nhiều gia đình đã đổ xô tới các địa điểm tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 khiến chúng ta rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng loại vắc-xin này.
Cả nước đang trong tình trạng khủng hoảng vắc-xin dịch vụ 5 trong 1
Chen lấn, đội mưa gió rét mướt từ 2 giờ sáng để mong 'săn' được cho con một mũi vắc-xin dịch vụ
Những ngày gần đây, do các gia đình đổ xô tới các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ để tiêm cho trẻ dẫn đến tình trạng các điểm tiêm này luôn bị quá tải, đặc biệt là việc khan hiếm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cộng đồng.
Hàng nghìn ông bố, bà mẹ đã thay nhau đến các điểm tiêm chủng với hy vọng được tiêm vắc-xin con. Hàng trăm người chen lấn, xô đẩy để tranh giành số đăng ký tiêm dịch vụ, khiến nhiều người trong số đó đã không chịu nổi, kiệt sức mà ngất xỉu.
Cho con sang nước ngoài để tiêm chủng dù chi phí đắt hơn cả 10 lần
Lo lắng cho sức khỏe của trẻ, nhiều bà mẹ chạy đôn chạy đáo khắp các cơ sở y tế nhưng vẫn không tìm ra nơi nào có vắc-xin dịch vụ. Cuối cùng, nhiều gia đình có con nhỏ đã đưa con sang những nước láng giềng để được tiêm vắc-xin.
Hàng nghìn phụ huynh chen lấn để đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ cho con (Ảnh: Ngôi sao)
Singapore từ lâu đã là điểm chữa bệnh đáng tin cậy của nhiều người Việt, nên nhiều người quyết định đưa con đến đây tiêm chủng. Dù chi phí cho mỗi lần xuất ngoại tiêm chủng lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng nhiều gia đình vẫn sẵn sàng chi trả.
Đợi bằng được vắc-xin dịch vụ chứ không tiêm vắc-xin miễn phí
Rào cản lớn nhất khiến các bậc cha mẹ ngần ngại khi quyết định có chích ngừa vắc-xin miễn phí cho con là do tâm lý e ngại sau khi có một vài sự cố xảy ra với trẻ sau khi chích ngừa vắc-xin Quinvaxem - nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) miễn phí.
Ngoài ra, tiêm vắc-xin dịch vụ tiện dụng hơn, trẻ không phải chích thêm mũi bổ sung như trong Chương trình TCMR.
Thế giới cũng xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin
Thiếu vắc-xin không phải là vấn đề của riêng các nước đang phát triển mà ngay cả Pháp, Mỹ với nền kinh lế lớn mạnh cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt vắc-xin. Trong khi cả nước Pháp phải lo lắng đối phó với tình trạng thiếu hụt về vắc-xin ngừa bạch cầu, ho gà, uốn ván, nhiều nơi tại Mỹ cũng phải hoãn chương trình ngừa cúm.
Đưa con đi tiêm phòng vắc-xin Pentaxim ở TP HCM (Ảnh: NLĐ)
Chính phủ Malaysia cũng đang phải đối phó với tình trạng thiếu vắc-xin Pentaxim. Giải pháp cấp bách cho tình trạng thiếu hụt này là lùi thời điểm tiêm vắc-xin 5 trong 1 với trẻ được 18 tháng hoãn đến 24 tháng để đảm bảo đầy đủ vắc-xin cho trẻ từ 2 đến 5 tháng tuổi.
Đồng thời, lượng vắc-xin 5 trong 1 sẽ chỉ phát chủ yếu cho các cơ sở y tế chuẩn nhà nước và đảm bảo 10% nguồn cung được phân phối cho các cơ sở y tế khác bao gồm bệnh viện và phòng khám tư nhân, nhằm đảm bảo tính liên tục của dịch vụ tiêm chủng.
Năm 2016, Việt Nam vẫn tiếp diễn tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ
Năm 2016, trước mắt sẽ chỉ có 40.000 liều vắc-xin dịch vụ 5 trong 1. Mặc dù Bộ Y tế vẫn tiếp tục tìm mọi cách bổ sung các nguồn cung cấp vắc-xin dịch vụ nhưng đến thời điểm tháng 2/2016 sẽ không có nguồn cung nào khác.
Đừng đợi vắc-xin dịch vụ mà bỏ lỡ 'cơ hội vàng' với sức khỏe của trẻ
Thống kê trong năm 2014 đã ghi nhận gần 10 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trong đó, một số trường hợp được xác định có sốc phản vệ và phản ứng quá mẫn với vắc-xin. Trường hợp còn lại là do bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên hoặc tử vong không rõ nguyên nhân.
Để có thể phòng bệnh tốt nhất, trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch (Ảnh minh họa: Internet)
Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã nhấn mạnh: 'Kể cả có nguyên nhân tử vong do vắc-xin thì nếu tỷ lệ thấp hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chấp nhận việc dùng vắc-xin để bảo vệ toàn cộng đồng'.
Chúng ta cần nhìn lại những bài học kinh nghiệm đau lòng nếu tình trạng tiêm chủng của trẻ sụt giảm nghiêm trọng, điều này sẽ làm tăng cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Trận dịch sởi năm 2014 là một bài học cho cả cộng đồng về tình trạng tiêm chủng không đầy đủ. Cả nước đã phải chứng kiến hơn 100 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng liên quan. Nếu không tiêm vắc-xin, khi dịch bệnh bùng phát sẽ có nhiều trẻ tử vong hơn.
Như vậy, có thể làm một phép so sánh rất đơn giản: Trong năm 2014, có gần 10 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin miễn phí (mà nguyên nhân phần lớn do trẻ mắc sẵn một số bệnh lý hoặc mẫn cảm với thành phần vắc-xin). Còn dịch sởi đã cướp đi hơn 100 sinh mạng trẻ nhỏ mà lý do chủ yếu là do tâm lý sợ tai biến sau tiêm chủng của bố mẹ đã không cho trẻ đi tiêm phòng dẫn tới bệnh dịch bùng phát. Hậu quả của không tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lúc khiến số trẻ tử vong cao gấp hơn 10 lần số trẻ gặp tai biến sau tiêm.
Bên cạnh đó, ước tính hàng năm, nếu không được bảo vệ bằng vắc-xin sẽ có gần 60.000 trẻ nhiễm viêm B mạn tính. Tuy nhiên, nếu mọi trẻ đều được tiêm vắc-xin thì tới năm 2020 sẽ cứu được 25 triệu sinh mạng.
Thế nhưng, hàng nghìn phụ huynh vẫn đang tiếp tục chờ đợi vắc-xin dịch vụ bằng được!
>> Xem thêm: Chuyên đề về Cơn sốt vắc-xin Pentaximtại đây
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!