Những đứa trẻ và thanh thiếu niên bị béo phì thường phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe khi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, suy tim, và một số loại ung thư. Không chỉ dừng lại ở đó, béo phì còn ảnh hưởng lâu dài đến kết quả học tập và nghề nghiệp của người bệnh.
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu chỉ ra rằng, béo phì có mối liên quan mật thiết với thành tích học tập yếu kém bắt đầu từ lớp mẫu giáo. Kết quả của nghiên cứu cũng chứng minh, những học sinh bị béo phì, đặc biệt là nữ sinh, thường có điểm số kém hơn những em cùng độ tuổi nhưng có thân hình mảnh mai. Những em này có xu hướng bị lưu ban và ít khi tiếp tục học chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu mới nhất xuất bản trên tập san ‘Phát triển trẻ em’ (Child Development) đã theo dõi thành tích học tập của 6.250 trẻ em từ bậc mẫu giáo lên lớp 5 và thấy rằng, những em bị béo phì trong suốt thời gian đó có số điểm môn toán thấp hơn so với những em bình thường.
Hơn nữa, mô hình này được thực hiện sau khi các nhà khoa học tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể và điểm số, như thu nhập gia đình, chủng tộc, trình độ giáo dục cũng như tình trạng công việc của người mẹ, và cả những kì vọng từ phía phụ huynh đối với thành tích học tập của con em ở trường.
TS. Sara Gable, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư về dinh dưỡng và sinh lí học thuộc Đại học Missouri (Columbia) chia sẻ: ‘Ở cả bé trai và bé gái, khi bắt đầu vào lớp mẫu giáo đã có vấn đề về cân nặng, chúng tôi nhận thấy những sự khác biệt xuất hiện trong điểm số môn toán ở những lớp đầu tiên, và thành tích học tập yếu kém duy trì đến khi các em lên lớp 5’.
Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế và kết quả tiết lộ những mâu thuẫn quan trọng về giới tính và độ tuổi. Ví dụ, mối liên quan giữa bệnh béo phì và kết quả học tập yếu hơn - hoặc không có mối liên quan ở các bé trai - nếu đứa trẻ bắt đầu bị béo phì ở lớp 3 hay lớp 5, trái ngược với trẻ mẫu giáo.
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu đi đôi với những bằng chứng kéo dài hơn một thập kỉ. TS. Rebecca London, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên và Cộng đồng Gardner thuộc Đại học Stanford, California giải thích: ‘Tôi cho rằng, mối liên quan giữa béo phì, sức khỏe thể chất và thành tích học tập của học sinh đã được thiết lập từ trước’.
Các chuyên gia về béo phì ở độ tuổi thiếu niên khuyến cáo rằng, mối liên quan rõ ràng này ngày càng trở nên phức tạp. Không ai biết lí do chính xác tại sao béo phì và thành tích học tập lại có mối liên quan với nhau, hay một yếu tố có phải lại nguyên nhân của yếu tố kia không.
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu khác công bố năm 2013 cũng đưa ra kết luận tương tự: Việc tự nhận thức về cân nặng của thanh thiếu niên, thí dụ liệu chúng có cho rằng chúng đang thừa cân hay không, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả học tập hơn là chỉ số BMI. Từ đó, nghiên cứu kết luận, lòng tự trọng và những thứ vô hình khác cũng có những ảnh hưởng đáng kể.
Nghiên cứu mới đã tiến thêm một bước theo hướng phân tích kĩ năng xã hội và những dấu hiệu bên ngoài của trẻ như sự lo lắng, buồn bã, cô đơn hay lòng tự trọng thấp (được quan sát bởi phụ huynh và giáo viên).
Về cơ bản, những học sinh bị béo phì gặp khó khăn hơn những em khác trong việc thể hiện cảm xúc và chỉ những nữ sinh bị béo phì có kĩ năng xã hội kém hơn. Cho dù kết quả trên vẫn chưa thực sự rõ ràng, Gable và cộng sự đi đến kết luận, những khác biệt này một phần nào giải thích cho số điểm môn toán thấp ở những học sinh béo phì.
Ngọc Luyện (Theo cnn)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!