Nếu kháng sinh sử dụng sai mục đích hay lạm dụng và sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng, làm gia tăng vấn đề kháng kháng sinh.
Sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho trẻ là thói quen của nhiều cha mẹ
Với thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều tác nhân gây bệnh phát triển. Đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.
Đối với trẻ mắc bệnh do vi khuẩn, các triệu chứng thường bao gồm sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, ăn kém, không chịu chơi ngay cả khi đỡ sốt.
Hoặc có thể nhìn thấy các ổ nhiễm khuẩn gây sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ như: Mụn nhọt trên da, viêm cơ, áp xe cơ, viêm họng mủ, viêm tai có mủ, hoặc trong các bệnh do vi-rút nhưng có bội nhiễm thêm vi khuẩn như nhiễm trùng da sau khi mắc thủy đậu…
Ngoài ra, các trường hợp viêm đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu… có bằng chứng nhiễm vi khuẩn.
Đối với trẻ bị sốt do vi-rút như viêm mũi họng cấp do vi-rút, sốt vi-rút, viêm tiểu phế quản do vi-rút… các biểu hiện thường là sốt cao, ho, chảy nước mũi trong, có thể mệt mỏi khi sốt cao, nhưng khi dùng thuốc hạ sốt thì trẻ đỡ sốt và tỉnh táo, chơi ngoan như ngày thường.
Sốt do nhiễm vi-rút thường cao nhất vào ngày thứ 2, thứ 3, sau đó nhiệt độ giảm dần, cơn sốt thưa dần, trẻ bình phục và xét nghiệm cho thấy các chỉ số cảnh báo nhiễm vi khuẩn đều thấp, hững trường hợp này không nên dùng kháng sinh cho trẻ.
Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như vi-rút, nguyên nhân gây cảm cúm. (Ảnh minh họa: Internet)
Với các bậc cha mẹ, khi thấy con sốt, ho, chảy mũi là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con uống. Việc mua kháng sinh dễ dàng, sử dụng tràn lan, không cần có đơn của bác sĩ… là một nguyên nhân khiến bệnh không những thuyên giảm mà ngược lại có thể trở nên trầm trọng hơn khi một số loại vi khuẩn kháng lại kháng sinh.
Ths. BS Đỗ Thiện Hải (Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương) cho biết, kháng sinh là thuốc để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Do đó, chúng ta chỉ cho trẻ dùng kháng sinh khi có các bằng chứng cho thấy trẻ mắc bệnh do vi khuẩn gây nên.
Việc xác định bệnh do vi khuẩn gây nên thường do bác sĩ khám thực tế và căn cứ vào một số xét nghiệm đơn giản. Trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp nhưng có thể do vi-rút thì việc sử dụng kháng sinh hoàn toàn không có hiệu quả trong những trường hợp này.
Nguyên tắc dùng kháng sinh cho trẻ
Ths. Bs. Đỗ Thiện Hải chỉ dùng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm vi khuẩn. Khi dùng kháng sinh cho trẻ cần phải theo nguyên tắc dùng đúng liều, đúng cách và lựa chọn kháng sinh an toàn, đặc biệt phải có đơn chỉ dẫn của bác sĩ.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra 5 điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh:
Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do vi-rút gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả các bệnh lây nhiễm.
Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như vi-rút, nguyên nhân gây cảm cúm.
Nguyên nhân thuốc kháng sinh mất dần tác dụng. (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Không dùng kháng sinh theo người khác: Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc. Chỉ nên dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Không tự ý dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau. Bởi mỗi lần bệnh là những tác nhân gây bệnh khác nhau cần điều trị kháng sinh khác nhau. 'Nếu lần sau trẻ ốm thì không nên dùng lại đơn thuốc cũ, vì có thể trẻ mắc bệnh do loại vi khuẩn khác, bệnh khác, mặc dù có thể có một số triệu chứng giống lần trước', Ths. Bs. Đỗ Thiện Hải cho biết thêm.
Dùng kháng sinh đúng thời điểm: Nếu được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu.
Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng, chống nhiễm khuẩn: Che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị hoặc trước khi ăn hoặc sau khi lau mũi.
Kháng sinh là thuốc quan trọng nhưng việc dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ thế nào mới đúng thì không phải ai cũng nắm rõ. (Ảnh minh họa: Internet)
Lưu ý khi pha thuốc kháng sinh cho trẻ
Theo ThS. BS Đỗ Thiện Hải, để chữa bệnh cho trẻ an toàn, tránh các tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, theo dõi phát hiện dấu hiệu bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc hợp lý.
Trẻ còn nhỏ khó uống hay không nuốt được thuốc dạng viên nên một số thuốc được bào chế dạng bột để pha thành dạng dung dịch cho các bé dễ uống, nhanh hấp thu hơn. Tuy nhiên, khi pha thuốc kháng sinh cũng phải cần lưu ý những điều sau:
- Rửa tay sạch trước khi pha thuốc bằng xà phòng hay dung dịch rửa tay nhanh trước khi cho con uống thuốc, cho con trẻ ăn, uống, để tránh nhiễm khuẩn vào dung dịch thuốc hay thức ăn của con trẻ. Hạn chế khoảng tiếp xúc của bé và vi khuẩn, nâng cao an toàn của bé bằng cách rửa tay sạch khi tiếp xúc với trẻ.
- Chuẩn bị một ly nước đun sôi để nguội để pha thuốc: Một số kháng sinh nhạy cảm với nhiệt độ, nên dùng nước nguội hoàn toàn để pha kháng sinh.
- Lắc chai thuốc bột, hay cốm để làm xốp bột, cốm để khi đổ nước vào pha thuốc sẽ phân tán đều, không bị vón cục.
- Đổ nước vào trong chai thuốc theo hướng dẫn trong toa (đổ nước tới vạch trên chai hay pha với bao nhiêu nước tùy từng loại sản phẩm có hướng dẫn trên toa).
- Sau khi pha thuốc nên bảo quản trong tủ mát và lắc kỹ chai thuốc trước khi dùng thuốc.
>> Xem thêm: Chớ cho trẻ uống kháng sinh ngay khi ho, sổ mũi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!