Dùng thuốc trị trầm cảm phải kiên trì

Cần biết - 11/24/2024

Vợ tôi được phát hiện trầm cảm từ 6 tháng trước. Từ đó đến nay tôi đã đưa vợ đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, dù bác sĩ đã mấy lần cho đổi thuốc và hiện nay đang phải dùng 3 loại thuốc kết hợp. Trong khi đó, một người bạn của tôi cũng mắc chứng trầm cảm và chỉ cần dùng thuốc vài tháng thì bệnh đã ổn định. Tôi cảm thấy rất buồn và thiếu niềm tin... Tôi phải làm gì bây giờ?

Nguyễn Phan Hải (Hà Nội)

Bạn Hải thân mến, việc điều trị bệnh trầm cảm là một vấn đề rất phức tạp và cần có thời gian. Không chỉ cần thời gian để chẩn đoán đúng bệnh trầm cảm mà còn cần thời gian để tìm ra thuốc thích hợp để chữa bệnh. Bởi có thể cùng là trầm cảm, nhưng mỗi người lại ở một thể khác nhau và mức độ khác nhau. Hơn nữa, thuốc tác dụng lên từng cá nhân cũng khác nhau...

Không biết vợ của bạn có mắc kèm theo bệnh lý gì khác ngoài bệnh trầm cảm hay không? Bởi đối với bệnh nhân trầm cảm mà có mắc thêm bệnh nghiêm trọng khác như: các bệnh về tim, phổi hay thận... thì cũng làm cho việc điều trị trầm cảm trở nên phức tạp hơn.

Trong điều trị trầm cảm, xác định đúng bệnh rồi, bác sĩ cần phải dò thuốc, dò liều... vì vậy cần phải có thời gian. Nếu dùng loại thuốc này mà bệnh không tiến triển tích cực, thì bác sĩ sẽ thử dùng thuốc cùng nhóm hoặc khác nhóm để tìm ra thuốc phù hợp với bệnh nhân. Bác sĩ cũng có thể thay đổi liều lượng hoặc kết hợp vài loại thuốc để tìm ra liệu trình điều trị trầm cảm hiệu quả... Và trên thực tế lâm sàng, nhiều người cần nhiều hơn một loại thuốc để chữa trị trầm cảm. Có lẽ đó cũng là lý do mà vợ của bạn đang phải uống 3 loại thuốc để điều trị bệnh.

Do đó, lời khuyên của chúng tôi đưa ra với bạn là:

Theo hết phác đồ điều trị: Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần trước khi bắt đầu thấy hiệu quả. Do vậy bạn nên kiên trì giúp vợ dùng thuốc đúng liều, đúng giờ, không bỏ lỡ hoặc dừng thuốc trước khi phác đồ kết thúc. Nếu không uống đúng thuốc, đúng liều được kê, bạn đã bỏ lỡ cơ hội để thuốc có tác dụng.

Kết hợp đi khám bệnh ở chuyên gia tâm lý điều trị trầm cảm: Bạn nên đưa vợ đến gặp và nói chuyện với chuyên gia tâm lý trong lúc kết hợp dùng thuốc. Mặc dù chuyên gia tư vấn không thể kê đơn thuốc nhưng họ được huấn luyện để đánh giá tâm lý và điều trị tâm lý.

Tác dụng phụ là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bỏ thuốc. Bạn nên lưu ý vấn đề này để vợ bạn không giấu thuốc vứt thuốc đi. Nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc, cần nói cho bác sĩ để xem có cách nào hạn chế hoặc loại trừ nó hay không. Tuy nhiên tác dụng phụ có thể rất tệ khi mới bắt đầu dùng thuốc nhưng nó có thể giảm dần theo thời gian.

Không dừng uống thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Kể cả khi tình trạng bệnh đã ổn định và muốn dừng thuốc thì bạn cần nói chuyện với bác sĩ. Nếu cần dừng thuốc, thì bác sĩ có thể giảm liều bạn đang dùng dần dần. Việc dừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng liên quan và khiến bệnh tái phát lại.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!