Năm 2013 có một sự việc xảy ra ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc không khỏi khiến dư luận bàng hoàng. Một bà mẹ Trung Quốc đã nhẫn tâm dùng kéo đâm 90 nhát vào con trai 8 tháng tuổi, chủ yếu là vào mặt, vì con cắn ti khi đang bú. May mắn là bé Tiểu Bảo vẫn sống sót sau khi phải khâu đến 100 mũi.
Khi ấy, em bé sống cùng với mẹ và hai người chú. Một người chú đã phát hiện ra bé Tiểu Bảo nằm trên vũng máu và tức tốc đưa em đến bệnh viện. Người mẹ sau đó thú nhận tất cả hành vi của mình.
Cậu bé 8 tháng tuổi bị mẹ đâm 90 nhát kéo, chủ yếu vào mặt và phải khâu đến 100 mũi.
Về nguồn cơn sâu xa của mọi chuyện, người ta vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn có phải người mẹ mắc bệnh tâm lý hay không. Nhưng dư luận đa phần nghiêng về hướng người mẹ bị chứng trầm cảm sau sinh. Bởi lẽ một bà mẹ trong trạng thái tỉnh táo bình thường rất khó lòng làm ra được hành động nhẫn tâm nhường ấy với chính con mình.
Hiện tại, cậu bé đáng thương ngày nào đã lớn khôn. Những vết sẹo trên mặt em đã mờ dần và cậu bé trở nên xinh xắn, đáng yêu đồng thời cũng nhận được sự chăm sóc chu đáo từ người thân.
Cậu bé đáng thương ngày nào giờ đã khôn lớn.
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, tuyệt vọng xuất hiện sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể được phát hiện sớm, được điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.
Hiện nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Bởi đây là dấu hiệu tâm lý, ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau và có những người bị, có người không. Triệu chứng này là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên. Có thể kể tên những nguyên nhân sau: do thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, có bệnh sử bị trầm cảm, do những xáo trộn cảm xúc, do sự mệt mỏi với cả quá trình dài mang thai lẫn chăm sóc con hoặc do thiếu sự quan tâm của người thân.
Để giúp bà mẹ sau sinh thoát khỏi tình trạng khó khăn, sự thấu hiểu của chồng và gia đình là rất quan trọng:
Chăm sóc kỹ lưỡng:Mọi người trong nhà không nên chỉ tập trung sự chú ý vào một mình đứa trẻ. Cần phải biết rằng người mẹ vừa trải qua nỗi đau lớn nhất trong cuộc sống, cả về thể chất và tâm lý, nên rất cần được chăm sóc thật chu đáo.
Chia sẻ kịp thời: Phụ nữ là người sống tình cảm, họ cần được tâm sự khi họ không hạnh phúc. Lúc này, người chồng và gia đình phải luôn chia sẻ mọi khó khăn với người vợ, động viên hết lòng để cô ấy hiểu rằng mọi người cần mình, yêu thương và sẵn sàng làm chỗ dựa cho cô ấy.
Chia sẻ công việc nhà:Mặc dù phụ nữ ở nhà trông con toàn thời gian nhưng người chồng không nên bất mãn vì vợ không kiếm ra tiền, cũng đừng cho rằng vợ phải làm tất cả mọi việc là lẽ đương nhiên. Bởi không thể đánh giá toàn bộ giá trị của một người dựa trên thu nhập. Do đó, người chồng cần giúp vợ việc nhà khi rảnh rỗi. Vừa giúp vợ được thư thả, vui vẻ hơn, vừa tạo không khi gia đình đầm ấm rất có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo thống kê không đầy đủ, hơn 80% số người bị bệnh trầm cảm sau sinh có liên quan mật thiết đến việc bị gia đình thờ ơ, không gần gũi, chia sẻ. Một chuyện nhỏ nhặt cũng có thể khiến người mẹ sau khi sinh gục ngã hoặc có hành động khó lường. Khi tính khí của người mẹ trở nên 'vô lý', đó có thể là tín hiệu cầu cứu mà họ gửi cho gia đình. Lúc này mọi người trong nhà cần kéo người mẹ lên, chứ không phải là đẩy họ xuống vực thẳm tuyệt vọng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!