Gia tăng các ca mắc bệnh Whitmore, bệnh có lây từ người sang người?

Thời sự - 11/24/2024

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại một số tỉnh miền Trung xuất hiện các ca bệnh Whitmore (bệnh vi khuẩn ăn thịt người), trong đó đã ghi nhận các ca tử vong. Không ít người lo lắng liệu loại vi khuẩn này có thể lây từ người sang người hay không?.

Bệnh không lây

Mới đây, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã thông tin về việc ghi nhận 30 ca nhập viện vì bệnh Whitmore do khuẩn Burkholderia pseudomallei. Tại bệnh viện Đà Nẵng, chỉ từ đầu tháng 10 tới nay cũng đã tiếp nhận điều trị cho 28 ca bệnh Whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người).

Đáng chú ý là trong các ca nhập viện điều trị ở các tỉnh thành đã ghi nhận các ca tử vong liên tiếp vì vi khuẩn này. Như tại Quảng Trị mới đây cũng đã có 4 ca tử vong vì loại vi khuẩn này. Các bác sĩ cảnh báo, mùa mưa là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn Whitmore phát triển.

Trước sự gia tăng của các ca mắc bệnh Whitmore, không ít người lo lắng liệu loại vi khuẩn này có lây từ người sang người hay không? Về vấn đề này, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Whitmore không lây truyền từ người sang người. Vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước sinh hoạt… gây ra các ca bệnh tản phát, dẫn tới các bệnh lâm sàng nặng như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ, tổn thương phổi…

Gia tăng các ca mắc bệnh Whitmore, bệnh có lây từ người sang người?

Bệnh Whitmore không lây từ người sang người. Ảnh minh họa internet

TS.BS Hoàng Công Tình – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, gần đây khoa cũng tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei. Đây là bệnh không lây từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh thường tiến triển rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, nhất là với những ai đang mắc bệnh mãn tính.

Trước giờ, căn bệnh này được đồn đoán là 'vi khuẩn ăn thịt người' nhưng thực tế vi khuẩn gây bệnh Whitmore không phải vi khuẩn ăn thịt người. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Với những ai tiếp xúc với bùn đất, có vết thương trầy xước mới có yếu tố nguy cơ, còn người khoẻ mạnh không có vết xây xát khi tiếp xúc với bùn đất và có đồ bảo hộ lao động không có nguy cơ mắc. Các ca mà bệnh viện điều trị thường có vết thương trên người và đã tiếp xúc với bùn đất.

'Ở mọi đối tượng, lứa tuổi đều có thể mắc bệnh Whitmore. Tuy nhiên, những người có sẵn bệnh lý mãn tính như mắc đái tháo đường, bệnh mãn tính liên quan tới phổi, thận...nguy cơ bị mắc Whitmore cao hơn. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng' – BS Tình khuyến cáo.

Dễ gây tử vong nhanh

Theo BS Hoàng Công Tình, vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2 - 21 ngày. Khi đã khởi phát bệnh tiến triển nhanh, chỉ sau 48 giờ nhập viện có thể nguy hiểm tính mạng khi không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Điều đáng nói, bệnh lại dễ chẩn đoán nhầm các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu... Tâm lý chủ quan với bệnh khiến nhiều trường hợp nhập viện khi đã trong tình trạng khá nặng, nguy cơ tử vong cao.

Đối với các trường hợp mắc Whitmore, ngay khi nhập viện phải lập tức sử dụng kháng sinh đặc hiệu để điều trị. Điều trị kháng sinh cũng không dễ dàng khi phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng nữa. Bởi vậy, việc chủ động phòng tránh vẫn là quan trọng nhất.

Để phòng tránh bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã có khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa vì chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore.

Theo đó, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, ô nhiễm nặng. Những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc bùn đất, nước bẩn, đặc biệt sau mưa lũ cần có các biện pháp phòng hộ như dùng giày, dép và găng tay…

Nếu có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm và cần vệ sinh sạch sẽ nếu trường hợp bắt buộc tiếp xúc. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch… là đối tượng nguy cơ cao cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các dấu hiệu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường như nổi mụn trên da, viêm da, mệt mỏi, sốt… cần đi kiểm tra sớm để tránh những biến chứng không đáng có. Nhiều khi chỉ với vết xây xát nhỏ nhưng khi tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn Whitmore rất dễ nhiễm trùng rồi dẫn tới biến chứng nặng hơn như áp xe, nhiễm trùng máu…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!