Giảm đau tức ngực khi cai sữa cho bé

Làm mẹ - 11/24/2024

Khi cai sữa cho bé thì không nên để bé dừng bú đột ngột mà giảm dần số lần bú, thay vào đó là các bữa ăn dặm.

Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho bé, đặc biệt là giai đoạn đầu đời.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, đồng thời cũng khuyến khích các bà mẹ nên cho con bú tới 24 tháng tuổi.

Tuy nhiên, với điều kiện cuộc sống ngày nay, nhiều bà mẹ không có điều kiện kéo dài thời gian cho con bú do phải đi làm, nên thường cai sữa lúc khoảng 1 tuổi.

Giảm đau tức ngực khi cai sữa cho bé

Ảnh minh họa

Hầu hết các bà mẹ khi bắt đầu cai sữa cho con đều cảm thấy ngực bị căng tức, khó chịu, một số người còn bị sốt.

Khi đó, để giảm cảm giác đau, khó chịu, có thể dùng khăn ấm nóng chườm nhẹ hai bên ngực, rồi vắt bớt sữa đi nhưng không nên vắt kiệt. Việc vắt kiệt sữa cũng giống như trẻ vẫn còn đang bú nên có thể khiến cho tuyến sữa khó ngừng được tiết sữa.

Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp theo kinh nghiệm như bôi son đỏ, chất màu, bôi thuốc đắng, dầu đắng, chất cay… vào đầu ti để bé sợ, không dám bú nhưng cần đảm bảo những thứ này an toàn với trẻ, đặc biệt lưu ý đến các loại thuốc bôi.

Trường hợp sau khi sử dụng mọi biện pháp thông thường mà bạn vẫn bị căng tức sữa, khó chịu nhiều thì có thể dùng thêm một số loại thuốc có tác dụng tiêu sữa, nhưng việc sử dụng này cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng không mong muốn.

Các bạn cũng nên lưu ý, khi cai sữa cho bé thì không nên để bé dừng bú một cách đột ngột, mà giảm dần số lần bú, thay vào đó là các bữa ăn dặm hoặc sữa ngoài.

Điều này giúp cho các bé không bị 'hụt hẫng' dẫn tới quấy khóc và giúp cơ thể người mẹ thích nghi dần với việc giảm tiết sữa.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!