Giày cao gót được coi là là phụ kiện mà rất nhiều chị em ưa thích, càng ngày tỷ lệ người mang giày cao gót cũng như tần suất đi giày cao gót ngày càng tăng. Với mẫu mã đa dạng cùng với việc mang những đôi giày cao giúp tôn dáng và quyến rũ hơn, lại rất hợp thời trang, vì thế mà hầu hết chị em đều cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng. Đó là lý do tại sao giày cao gót ngày nay lại được ưa chuộng đến vậy.
Tuy nhiên đằng sau những vẻ đẹp cũng như sự hợp thời giày cao gót mang lại, thì nó cũng chính là yếu tố hàng đầu gây nên các vấn đề về xương khớp ở phụ nữ.
Thường xuyên đi giày cao gót trong thời gian dài có thể gây những tổn thương không hồi phục cho các cơ chân, gân và dây thần kinh. Theo một nghiên cứu, những phụ nữ đi giày cao gót từ 3 lần trở lên trong một tuần đều có vấn đề về xương khớp.
Tác hại của giày cao gót đối với xương khớp
Thay đổi giải phẫu cơ thể
Việc đi giày cao gót thường xuyên có thể dẫn đến những thay đổi về giải phẫu của cơ thể. Các cơ lưng và cơ bắp chân bị rút ngắn lại, có thể dẫn đến các cơn co thắt và đau mỏi cơ bắp.
Gân Achilles (gân gót) là cấu trúc thường bị ảnh hưởng nhất ở phụ nữ khi đi giày. Nguyên nhân là do gót chân luôn bị ở một vị trí không tự nhiên sẵn có, và thường bị siết chặt lại, và do đó rút ngắn gân.
Bệnh về khớp
Phụ nữ mang giày cao gót làm tăng sức ép lên đầu gối khoảng 26% . Vì vậy dễ bị mắc các bệnh về khớp gối hơn.
Vị trí dễ bị đau nhất là gót chân. Toàn bộ trọng lực cơ thể bị dồn xuống mũi chân, bàn chân dễ bị bè ra, đau nhức.
Thay đổi đường cong sinh lý của cột sống
Khi chúng ta đi giày cao gót, cơ thể nghiêng về phía trước để bù đắp cho các vị trí chân không tự nhiên, vì thế mà cột sống sẽ bị cong lệch. Cụ thể hơn việc đi giày cao gót lâu ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gai xương cột sống, khó cân bằng trọng lượng, làm chúng ta có cảm giác chúi về phía trước.
Chính vì vậy sau 1 khoảng thời gian nhất định, những người hay đi giày cao gót sẽ có cảm giác nhức mỏi cột sống lưng, thắt lưng vì hệ cơ phải làm việc quá sức. Ngoài ra, nhiều người có thể có các biểu hiện tê bì, rối loạn cảm giác, đặc biệt dáng đi không còn đẹp và thẳng.
Những bệnh thường gặp của xương khớp do đi giày cao gót
Đau thần kinh tọa
Cột sống bị thay đổi mất đi đường cong sinh lý vốn có dẫn đến chèn ép và gây áp lực lên ác dây thần kinh, gây đau thần kinh tọa – với biểu hiện đau từ thắt lưng lan xuống mông, đùi và cẳng chân ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh hoạt hàng ngày.
Gây viêm khớp
Thường xuyên đi giày cao gót trong thời gian dài làm tăng sức ép và áp lực lên đầu gồi và gót chân từ đó bào mòn khớp gối và có thể làm tổn thương sụn khớp, khi đó ma sát giữa sụn khớp và khớp tăng lên gây ra những phản ứng viêm. Lâu ngày có thể dẫn đến cứng khớp, hủy khớp,...
Dễ gây tê buốt xương khớp
khi trọng lực dồn nén xuống mũi chân sẽ làm cho bàn chân bị bè ra, các dây thần kinh bị chèn ép dưới bàn chân sẽ dễ làm chân bạn bị tê buốt, đau nhức.
Gây thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng dễ gặp nhất nếu như bạn đi giày cao gót thường xuyên, tuy nhiên thoái hóa khớp không diễn ra ngay mà chúng kéo dài nhiều năm liền mới phát bệnh.
Làm cách nào để hạn chế tác hại khi mang giày cao gót?
Tốt nhất là tránh đi giày cao gót, tuy nhiên, nếu bắt buộc hoặc sở thích sử dụng giày cao gót, cần chú ý những điều sau:
Đi giày gót thấp tốt nhất trong khoảng từ 3 - 5cm là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ cơ thể bằng việc phân bổ trọng lượng cơ thể đều hơn so với đi giày quá cao.
Sử dụng lót đế mềm mại sẽ làm giảm áp lực lên phần đầu gối, giúp giảm thiểu các vấn đề gây bệnh cho đầu gối.
Lựa chọn một đôi giày cao gót đúng kích cỡ, phù hợp với chân để có thể tạo được cảm giác thoải mái nhất khi đi cũng như tránh những tác động xấu đến cơ xương khớp do đi giày sai không đúng với kích thước của chân. Trường hợp mang giày quá nhỏ so với bàn chân, khiến bàn chân bị bó lại, gây đau đớn. Còn khi đi những đôi giày quá rộng, sẽ dễ bị trượt ngã hơn.
Trong một số sự kiện, hay đặc thù nghề nghiệp bắt buộc phải đi giày cao gót, hạn chế việc đi lại và đứng lâu. Bạn cũng có thể mang theo một đôi giày đế bệt để thay đổi, giúp đôi chân được nghỉ ngơi những khi đau và khó chịu.
Một trong những cách đề phòng tác hại của việc đi giày cao gót tốt nhất là bạn chăm sóc thêm cho đôi chân sau ngày làm việc mệt mỏi. Một số cách chăm sóc như:
- Thường xuyên thực hiện một số động tác mát xa nhẹ nhàng từ cẳng chân xuống bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân.
- Ngâm chân trong nước ấm, muối gừng, hoặc nước ấm hòa một ít muối trong 10-15 phút trước khi đi ngủ. Vừa giúp thư giãn bàn chân còn giúp bạn có giấc ngủ thật sâu và ngon giấc hơn.
- Bạn có thể sử dụng máy massage chân 30 phút hàng ngày để giải tỏa căng thẳng, cũng như giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
Nên thực hiện các cách này vào mỗi tối trước khi đi ngủ để không ảnh hưởng tới xương khớp.
Nên đến bác sỹ khi có những dấu hiệu về xương khớp quá sức chịu đựng với bạn hay đau nhức xương khớp trong thời gian dài để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
Bài viết được bác sĩ Đông y bảo trợ thông tin
Huệ Phạm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!