Trang NCBI (cổng thông tin của thư viện y khoa Mỹ), cảnh báo nhiều căn bệnh "bàn giấy" đang gia tăng ở giới nhân viên văn phòng, đặc biệt là thói quen ngồi nhiều và ngồi sai tư thế - khởi nguồn của các chứng bệnh về cột sống. Nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận 45% người làm việc văn phòng bị đau vai và 30% bị đau cổ.
Cơn đau vai cổ do ngồi nhiều khi mới xuất hiện thường chỉ là những cơn đau nhẹ, thỉnh thoảng xảy ra. Theo thời gian, những áp lực ở cổ và vai trở nên trầm trọng đến nỗi người bệnh không thể quay đầu lại, nhún vai, mặc quần áo, thậm chí không thể cầm nắm đồ vật.
Tư thế ngồi làm việc sai (ảnh trái) dễ gây đau mỏi vai, gáy, lưng và dẫn đến bệnh lý về cột sống.
Theo bác sĩ Paul D’Alfonso, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare, đặc tính của công việc văn phòng hội tụ rất nhiều yếu tố dẫn đến các cơn đau vai gáy triền miên. Chẳng hạn, khi ngồi chúng ta có thói quen đổ người về phía trước để nhìn sát vào màn hình máy tính hoặc bố trí bàn ghế nơi làm việc không thích hợp khiến cổ lúc nào cũng phải cúi xuống. Tư thế này rất có hại cho cột sống.
Bác sĩ giải thích: Đầu của một người trưởng thành nặng từ 4,5 đến 5,5 kg, tương tự một trái dưa hấu lớn. Thử tưởng tượng khi ôm trái dưa hấu sát vào người, bạn có thể giữ nó trong khoảng thời gian khá lâu mà không bị mỏi. Ngược lại, nếu nâng trái dưa hấu bằng hai tay và đặt xa người khoảng 30 đến 4cm, chắc chắn bạn khó có thể giữ yên nó quá 5 phút. Không những thế, khi bạn ngồi với tư thế cúi đầu về phía trước 15 độ, cột sống sẽ phải gánh chịu sức nặng của đầu tăng lên gấp 6 lần, tương đương gần 30 kg.
Tình trạng quá tải trên kéo dài lâu ngày sẽ khiến cột sống vào các cơ bắp xung quanh cổ phải chịu áp lực lớn, luôn căng cứng và đau nhức. Ở mức độ nghiêm trọng, các cơ sẽ chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống. Đây là nguyên nhân gây tê mỏi lan dọc xuống cánh tay và bàn tay khiến người bệnh gặp khó khăn khi cử động, cầm nắm đồ vật...
Khi bạn ngồi, vai cũng chịu rất nhiều áp lực. Vai của con người có cấu tạo khá phức tạp bao gồm các khớp nối liên kết với dây chằng và các bó cơ. Sự liên kết phức tạp này cho phép chúng ta cử động vai một cách linh hoạt. Nhưng nhân viên văn phòng với tính chất công việc phải ngồi trong nhiều giờ liền, đánh máy và di chuyển chuột liên tục khiến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là phần khớp vai mất đi tầm vận động vốn có và xuất hiện dấu hiệu đau mạn tính.
Các cơn đau mạn tính ở vai đôi khi được gọi là chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại (RSI) hoặc rối loạn chấn thương tích lũy, lâu dần sẽ dẫn đến cứng khớp vai. Lúc này bệnh nhân không chỉ bị đau đớn, khó chịu mà còn sa sút tinh thần, ảnh hưởng đến công việc và giảm chất lượng cuộc sống.
Để giảm thiểu đau cổ và vai, bác sĩ Paul khuyên những người làm văn phòng cần lưu ý:
Ngồi đúng tư thế
Luôn chú ý điều chỉnh tư thế ngồi làm việc cho đúng, đặc biệt khi bạn phải ngồi từ 8 đến 9 giờ mỗi ngày. Chân nên đặt sát sàn nhà hoặc có một bục gác chân vừa vóc người. Đùi song song với mặt đất. Lưng cần có gối tựa. Khuỷu tay đặt trên một điểm tựa và không cách quá xa cơ thể. Vai thả lỏng, không cao vượt cầu vai.
Bố trí lại không gian làm việc
Bàn làm việc của bạn nên ngang tầm với khuỷu tay lúc ngồi. Nếu bàn quá cao có thể làm mỏi vai. Màn hình máy tính tốt nhất nên cách bạn khoảng một cánh tay và ngang tầm mắt, tránh để cổ ngước lên hoặc cúi xuống quá nhiều. Nếu thuận cả hai tay, thỉnh thoảng bạn nên đổi vị trí của chuột để giảm áp lực lên một bên vai và cánh tay. Cách này đặc biệt hiệu quả nếu bạn có xu hướng đau vai ở một bên.
Không ngồi một chỗ quá lâu
Mỗi 2 đến 3 tiếng đồng hồ nên đứng lên thư giãn khoảng 10 phút. Bạn có thể thực hiện các động tác căng giãn vai, lưng đơn giản hoặc giảm áp lực cho mắt, đầu và cổ bằng cách phóng tầm mắt ra xa từ 5 đến 10 m.
Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao
Dù công việc bận rộn, hãy cố gắng dành ra thời gian rảnh vào cuối tuần cho môn thể thao bạn yêu thích hoặc tập luyện tại phòng gym. Thói quen này không chỉ giúp giảm đau vai gáy mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung.
Không chủ quan khi bị các cơn đau nhẹ
Đặc thù công việc phải ngồi nhiều khiến bạn khó tránh khỏi các cơn đau mỏi vai, cổ, gáy, lưng. Ngay từ lúc bị đau nhẹ, bạn nên chú ý điều chỉnh lại tư thế ngồi làm việc, đồng thời làm giảm cơn đau bằng phương pháp vật lý trị liệu, trị liệu thần kinh cột sống, massage trị liệu và các bài tập giúp giảm nhức mỏi cổ, vai, gáy, lưng. Nếu cơn đau không giảm hoặc gia tăng, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp càng sớm càng tốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!