Giun móc và giun mỏ - Kẻ hút máu đáng ghét

Kỹ năng sống - 04/28/2024

Do bệnh giun, người dân Việt Nam phải mất 1.500.000 lít máu và tốn 15 tấn lương thực mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có từ 20-50% người Việt Nam bị nhiễm giun, tỉ lệ nhiễm giun ở miền Nam là 10-50% và ở miền Bắc có nơi đến hơn 80%.

TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, do bệnh giun, người dân Việt Nam phải mất 1.500.000 lít máu và tốn 15 tấn lương thực mỗi năm. Trong đó, giun móc và giun mỏ hút nhiều máu nhất. Vậy phòng chữa bệnh do giun móc và giun mỏ thế nào?

Người nhiễm giun móc và giun mỏ như thế nào?

Giun móc có tên khoa học là Ancylostoma duodenale và giun mỏ tên khoa học là Necator americanus. Giun móc có màu trắng sữa hoặc hơi hồng hoặc màu đỏ nâu tuỳ thuộc trong ruột giun có máu hay không, con đực dài khoảng 8-11mm, con cái dài 10-13mm. Giun mỏ nhỏ hơn, ngắn hơn giun móc. Một con giun móc cái có thể đẻ từ 10.000-25.000 trứng/ngày, giun mỏ cái có thể đẻ từ 5.000-10.000 trứng/ngày. Đời sống của giun móc là 4-5 năm và giun mỏ là 10-15 năm nếu không được điều trị.

Trứng giun ở môi trường, gặp nhiệt độ 25-35oC sau 1 ngày sẽ phát triển thành ấu trùng. Nhiệt độ càng thấp thì thời gian phát triển càng dài. Ấu trùng sống trong phân hoặc đất phát triển đến kích thước khoảng 0,5-0,7mm, có khả năng xâm nhập vào cơ thể người qua da và niêm mạc.

Đặc điểm của ấu trùng hai loại giun này rất hoạt động và có hướng động; hướng lên cao như mũi đất, thân cây, ngọn cỏ, ấu trùng có thể leo cao tới 2m, hướng tới nơi có độ ẩm cao, hướng tới vật chủ. Nước muối bão hoà giết được ấu trùng sau 15-20 phút. Trong dung dịch clorua thuỷ ngân 1%, dung dịch focmalin và dung dịch phenol, ấu trùng chỉ bị diệt sau 5-6 giờ.

Ấu trùng giun móc, giun mỏ xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân...) theo tĩnh mạch về tim, phổi. Ở phổi, ấu trùng phát triển rồi lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun móc, giun mỏ trưởng thành. Ấu trùng giun móc, giun mỏ cũng có thể vào cơ thể qua đường ăn uống do thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Giun móc và giun mỏ - Kẻ hút máu đáng ghét

Chu trình nhiễm giun ở người

Biểu hiện của nhiễm giun

Thời gian ủ bệnh: tính từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non đến khi thành giun trưởng thành khoảng 42-45 ngày. Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống thì chúng không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non. Nhưng có một số ấu trùng giữ trạng thái tiềm tàng ở các tổ chức tới 8 tháng sau mới phát triển thành giun trưởng thành.

Bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là triệu chứng thiếu máu. Bệnh nhân có da xanh, niêm mạc nhợt và đau vùng thượng vị tuỳ theo mức độ nhiễm giun.

Bệnh thiếu máu do giun móc, giun mỏ là thiếu máu nhược sắc:giảm protein toàn phần, bạch cầu ái toan tăng 5-12%. Giun móc hút khoảng 0,2-0,34ml máu/ngày. Giun mỏ hút ít hơn khoảng 0,03-0,05ml máu/ngày. Ngoài tác hại giun hút máu, giun móc, giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm cho người bệnh bị mất máu nhiều hơn, gây bệnh thiếu máu trầm trọng hơn.

Triệu chứng đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu. Khi ấu trùng giun móc, giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và tự hết sau 1-2 ngày. Viêm da thường do giun mỏ gây ra nhiều hơn là giun móc.

Chẩn đoán xác định bệnh:xét nghiệm phân có trứng giun móc, giun mỏ.

Bệnh cần phân biệt với một số bệnh như thiếu máu do các nguyên nhân khác, viêm loét dạ dày tá tràng...

Điều trị không khó

Giun móc và giun mỏ - Kẻ hút máu đáng ghét

Ảnh minh họa

Trong điều trị bệnh giun móc, giun mỏ, cần chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. Nếu nhiễm nhẹ có thể dùng albendazole (biệt dược là zentel, alzental,...) 400mg liều duy nhất cho mọi lứa tuổi trên 2 tuổi. Thuốc Mebendazole (biệt dược là vermox, fugaca,...) liều duy nhất 500mg. Hoặc thuốc Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex,...) liều duy nhất 10mg/kg cân nặng. Trường hợp nhiễm nặng: albendazole 400mg/ngày x 3 ngày; Mebendazole (vermox, fugaca,...) liều 500mg/ngày x 3 ngày; Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex,...) liều 10mg/kg/ngày x 3 ngày.

Biện pháp phòng bệnh

Hiện nay, theo chương trình 'Tẩy giun cộng đồng 6116' đề xuất 2 ngày tẩy giun trong năm là ngày 6/1 và ngày 1/6. Giữ vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. Không dùng phân tươi bón ruộng. Công nhân mỏ hàng năm phải khám sức khoẻ và xét nghiệm giun móc, giun mỏ ít nhất 1 lần/năm và điều trị triệt để cho những người nhiễm giun móc, giun mỏ.

Sử dụng bảo hộ lao động trong lao động sản xuất khi tiếp xúc với đất, đặc biệt là đất nhiễm phân người. Vệ sinh môi trường gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Có thể xử lý phân bằng vôi bột 150-200g/1kg phân (trứng giun chết sau 30 phút-1 giờ).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!