Giúp bạn kiểm soát stress để làm việc hiệu quả hơn

Tâm lý - 04/24/2024

Bạn cảm thấy áp lực công việc ngày càng nặng nề? Hãy học cách kiểm soát stress trước khi bạn bị quá tải đến mức chỉ muốn buông bỏ mọi thứ!

Bạn cảm thấy áp lực công việc ngày càng nặng nề? Hãy học cách kiểm soát stress trước khi bạn bị quá tải đến mức chỉ muốn buông bỏ mọi thứ!

Khi làm việc, stress là điều khó ai tránh khỏi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cách để có thể giảm thiểu cũng như kiểm soát mức độ stress trong quá trình làm việc của bạn. Hôm nay Hello Bacsi sẽ tiết lộ cho bạn một số cách giúp bạn dễ dàng kiểm soát stress trong công việc nhé.

Kiểm soát stress khi làm việc

Stress từ công việc có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do khác nhau và có ảnh hưởng lớn đến tinh thần cũng như cơ thể bạn qua nhiều cách. Đa số các trường hợp bạn thường stress do có quá nhiều việc hoặc có quá ít việc để làm, thậm chí nếu như bạn đang làm một công việc mà bạn không yêu thích bạn cũng có thể bị stress. Bên cạnh đó, việc mâu thuẫn với người khác chẳng hạn như sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến stress.

Việc bị stress là hoàn toàn bình thường, stress giúp cơ thể sản xuất ra những loại nội tiết tố giúp tăng nhịp tim, làm bạn thở nhanh hơn và giúp tăng năng lượng. Stress đặc biệt có ích khi bạn cần phải tập trung hoặc muốn hoàn thành một dự án lớn.

Tuy nhiên, quá nhiều stress hoặc bị stress quá lâu thì lại không có lợi cho sức khỏe. Tình trạng stress kéo dài có thể khiến bạn dễ mắc bệnh hơn, làm những cơn đau mãn tính trở nên tệ hại. Không những thế, stress trong thời gian dài còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh tim, cao huyết áp, đau lưng và thậm chí trầm cảm.

Nguyên nhân dẫn đến stress trong công việc

1. Thiếu sự kiểm soát: Cảm giác bạn không có quyền kiểm soát và quyết định công việc của mình chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến stress khi làm việc. Bên cạnh đó, những người thường xuyên cảm thấy mình không có quyền quyết định rất dễ mắc các chứng bệnh liên quan đến stress.

2. Trách nhiệm nặng nề: Đảm đương nhiều công việc cùng lúc có thể khiến bạn stress. Mức độ stress của bạn còn có thể trở nên trầm trọng hơn nếu như bạn đang có quá nhiều việc nhưng vẫn không thể từ chối nhận thêm việc mới.

3. Không cảm thấy hài lòng: Bạn có cảm thấy hài lòng về công việc bạn đang làm hay không? Nếu việc làm của bạn không có ý nghĩa đối với bạn, bạn có thể sẽ cảm thấy căng thẳng và chán nản. Bên cạnh đó, cảm thấy lo sợ rằng mình làm việc không đạt yêu cầu cũng chính là một nguyên nhân lớn gây ra stress ở nhiều người.

4. Không nắm rõ nhiệm vụ: Nếu bạn không biết rõ mình nên làm gì hoặc mục tiêu mà công ty bạn đang hướng tới, bạn sẽ dễ dàng bị stress. Đặc biệt, nếu bạn làm việc dưới trướng nhiều quản lý cùng lúc, việc làm theo yêu cầu của nhiều người cùng một thời điểm cũng có thể khiến bạn bị stress.

Giúp bạn kiểm soát stress để làm việc hiệu quả hơn

5. Giao tiếp không tốt: Căng thẳng từ công việc một phần cũng bắt nguồn từ việc bạn không giao tiếp với người khác. Việc không thể bày tỏ cảm xúc, nhu cầu, lo lắng của bạn có thể hình thành stress.

6. Thiếu sự ủng hộ: Việc không nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ sếp hoặc đồng nghiệp khiến cho việc giải quyết các vấn đề trong công việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần, từ đó sẽ khiến bạn ngày càng stress nhiều hơn.

7. Môi trường không tốt: Nếu bạn làm việc trong một môi trường không thoải mái hoặc thậm chí nguy hiểm cho bản thân chẳng hạn như đông người, ồn ào có thể dẫn đến stress.

Làm sao để kiểm soát stress trong công việc?

Thảo luận với cấp trên

Hãy gặp và thảo luận về những vấn đề trong công việc cũng như hiệu quả làm việc của bạn với quản lý hoặc sếp ít nhất 1 lần mỗi năm. Nếu như việc báo cáo những vấn đề trên là một phần trong công việc của bạn, hãy tận dụng cơ hội này để giải quyết các vấn đề có thể gây stress cho bản thân bạn.

Quản lý công việc hiệu quả

1. Sắp xếp công việc kỹ càng: Theo dõi tình hình và thời hạn hoàn thành các dự án bạn đang làm bằng cách lập một danh sách những việc nên làm trước. Chọn những thứ quan trọng để làm trước giúp bạn bớt căng thẳng.

2. Đừng trì hoãn: Hãy lập một thời gian biểu để lên kế hoạch những việc phải làm trong ngày và trong tuần. Đặt ra thời gian để hoàn thành từng công việc có thể giúp bạn làm việc nhanh hơn. Chia một dự án lớn ra thành nhiều bước nhỏ và giới hạn thời gian cần làm cho từng bước.

3. Học cách từ chối: Cố gắng đừng làm quá nhiều việc cùng một lúc, nếu bạn không có thời gian bạn có thể từ chối. Nếu bạn nhận quá nhiều việc đồng nghĩa với việc bạn đang đẩy bản thân vào stress.

4. Tập trung vào một việc: Bạn chỉ nên tập trung giải quyết một việc trong khoảng thời gian nhất định. Trong một vài trường hợp, bạn vẫn có thể làm hai việc, tuy nhiên nếu như bạn cảm thấy bắt đầu có dấu hiệu của stress, bạn nên lập tức trở lại làm một việc.

5. Tập trung vào công việc: Hãy cố gắng loại bỏ tất cả những thứ có thể làm bạn phân tâm cũng như cản trở bạn làm việc.

Chăm sóc bản thân chu đáo

1. Thư giãn nhiều hơn: Đừng để công việc cũng như các thiết bị giúp bạn làm việc phá hỏng thời gian thư giãn của bạn. Hãy tắt điện thoại khi bạn ở cùng gia đình và bạn bè, hơn nữa, tránh kiểm tra email khi bạn không làm việc.

Giúp bạn kiểm soát stress để làm việc hiệu quả hơn

2. Tự thưởng cho bản thân: Khi bạn hoàn thành một công việc khó khăn, hãy tự thưởng cho bản thân mình bằng cách ăn một vài món ăn vặt ngay tại bàn làm việc hoặc làm những điều bạn thích.

3. Dành thời gian để nghỉ ngơi: Nếu bạn dành hết thời gian để làm việc, bạn sẽ khó có thời gian chăm sóc bản thân. Nếu bạn có một lịch làm việc linh động, hãy tận dụng và sắp xếp giờ giấc phù hợp với bạn. Hơn nữa, hãy đi làm sớm hơn và nghỉ trưa lâu hơn để thư giãn và nghỉ ngơi nhé!

4. Đặt mục tiêu giảm stress: Để giảm stress, bạn cần phải thực hiện bốn bước sau đây:

  • Xác định nguyên nhân gây ra stress: Bạn cần tìm hiểu kỹ xem nguyên nhân có thực sự bắt nguồn từ công việc hay từ những nguyên nhân khác.
  • Xác định lý do bạn muốn giảm stress: Khi bạn xác định được lý do, bạn sẽ có được mục tiêu rõ ràng cũng như động lực để quyết tâm hơn.
  • Đặt mục tiêu để giảm stress: Đặt những mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn giúp giảm stress.
  • Thiết lập kế hoạch giảm stress: Bạn nên nghĩ đến những trường hợp có thể ảnh hưởng đến quá trình giảm stress của mình. Lập một kế hoạch và cách giải quyết những tình huống có thể xảy ra, từ đó giúp bạn có thể dễ dàng xử lý bất cứ phát sinh nào xuất hiện.

Nếu bạn thật sự mệt mỏi bởi vì công việc của bạn quá căng thẳng, tốt nhất bạn nên tìm một việc khác. Nhưng hãy đảm bảo nguyên nhân là do công việc chứ không phải lý do khác. Bên cạnh đó, trước khi bạn nghỉ việc, bạn nên nhớ phải tìm kiếm một số công việc phù hợp khác. Tình trạng thất nghiệp cũng có thể dẫn đến stress đấy!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Nhạc Giáng sinh có thể là nguyên nhân gây trầm cảm?
  • 6 mẹo hay giúp trẻ đối phó ngay với áp lực từ bạn bè
  • 12 loại thực phẩm giúp bạn giảm stress

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!