Tỉ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người phải sống trong khu vực có nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Dịch bệnh đã lây lan sang hơn 100 quốc gia ở châu Á, khu vực Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi và vùng Caribe. Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước đây, bệnh thường gặp ở trẻ em và bùng phát sau 3-5 năm. Nhưng hiện nay, tỷ lệ người lớn mắc bệnh cũng tăng cao. Bệnh xuất hiện quanh năm, đặc biệt tăng mạnh vào mùa mưa. Tại châu Âu, năm 2012 đã trải qua đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất từ năm 1920 đến nay với khoảng 2.000 người bị nhiễm trong quần đảo Madeira của Bồ Đào Nha.
Người dân Ấn Độ phải nằm chung giường bệnh vì dịch sốt xuất huyết bùng phát
Dịch sốt xuất huyết 'càn quét' Đài Loan, hơn 18.000 người nhiễm bệnh
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đài Loan cho biết, kể từ tháng 5 tới nay, đất nước này đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, với đa phần bệnh nhân tập trung ở khu vực phía nam Đài Nam. Tổng số người bị tử vong do dịch sốt xuất huyết lên tới 56 người.
Ấn Độ phải đối phó với dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất 5 năm qua
Đây là đợt bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong 5 năm qua tại đất nước đông dân thứ hai trên thế giới này. Kể từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế tại thủ đô New Delhi đã ghi nhận 1.714 ca mắc sốt xuất huyết, 8 ca từ vong, tăng mạnh trong những tuần gần đây, trong khi cả năm 2010 cả nước Ấn Độ chỉ có 1.695 ca mắc bệnh.
Tại Việt Nam, bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết gia tăng
Ở Việt Nam, bệnh nhân còn phải nằm ngoài hành lang do số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh (Ảnh: Vnexpress)
Tính đến tháng 9/2015 cả nước đã có gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dịch SXH đã bùng phát tại 51 tỉnh thành trên cả nước với 24 ca tử vong, bệnh đã tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các điểm nóng dịch tại Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang tăng. Toàn Tp. Hà Nội ghi nhận 1.285 ca mắc. Con số này tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2014 (chỉ có 438 ca). Tp. Hồ Chí Minh đã có hơn 9.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014, đã có 3 người tử vong. Đặc biệt Đồng Nai, từ đầu năm 2015 đến thời điểm này, trên địa bàn ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 180% so với cùng kỳ năm 2014, có 2 ca tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát dịch sốt xuất huyết
Bùng nổ dân số đô thị không có quy hoạch dẫn đến nhà ở không đáp ứng đủ và hệ thống y tế công cộng kém. Vấn đề xử lý nước mưa, nước thải và quản lý chất thải không tương ứng với thực tế sử dụng. Kiểm soát véc-tơ kém, đặc biệt như những khu vực ao, hồ và các vùng đọng nước giúp cho muỗi sinh sản.
Biến đổi khí hậu và sự tiến hóa của vi-rút, tăng lây truyền vi-rút. Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết sau mỗi trận mưa cũng là cơ hội cho muỗi sinh sôi nảy nở.
Thời điểm này, nếu sốt cao hãy nghĩ đến sốt xuất huyết (Ảnh minh họa: Internet)
Tăng lữ hành quốc tế liên quan đến giải trí, du lịch, hoạt động kinh doanh, di chuyển quân đội,… đến vùng lưu hành sốt xuất huyết cũng là yếu tố khiến bệnh dịch lây lan rộng.
Ý thức người dân trong chủ động diệt loăng quăng và phòng tránh muỗi đốt được xem là rào cản khó khăn nhất cho công tác phòng chống dịch do tại một số nơi, người dân còn thiếu ý thức phối hợp, thậm chí từ chối việc tham gia phòng chống dịch.
Phòng bệnh trước khi quá muộn
Hiện nay đang là thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết nên nguy cơ mắc tăng cao ở mọi đối tượng, nhất là ở những khu vực đã từng là ổ dịch cũ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt. Vì vậy cần đảm bảo vệ sinh môi trường, không để có nước đọng hay những nơi ẩm thấp mà muỗi thường cư trú. Tránh tuyệt đối bị muỗi đốt, nằm màn khi đi ngủ, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng nếu cần. Khi đã mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh tử vong.
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!