GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc): Từ bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' ở Hàn Quốc đến vấn đề rửa tay ở Việt Nam

Thời sự - 11/24/2024

GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) lý giải vì sao virus chỉ thích mùa đông và những cách phòng virus đơn giản và hiệu quả nhưng ít người nghĩ tới như rửa tay.

GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc): Từ bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' ở Hàn Quốc đến vấn đề rửa tay ở Việt Nam

Xung quanh câu chuyện về Bệnh nhân thứ 31 ở Hàn Quốc được coi là trường hợp 'siêu lây nhiễm' cho cộng đồng. Nhiều người lo ngại về khả năng virus Corona mới này đã tăng độc lực. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giaos sư Nguyễn Văn Tuấn sống tại Australia về vấn đề này.

Thưa GS Nguyễn Văn Tuấn, đến ngày 26/2, Hàn Quốc ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19 và 11 trường hợp tử vong. Đây được coi là quốc gia có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất ngoài Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng do nhiệt độ khí hậu của nước này là môi trường lý tưởng để virus Sars-cov-2 lây lan nhanh chóng. Xin Giáo sư cho biết điều này có đúng hay không?

GS Nguyễn Văn Tuấn:Ý tưởng về ảnh hưởng của thời tiết đến khả năng sống sót của virus (như SARS-Cov-2) đã được đề cập ngay từ những ngày đầu trong dịch Covid-19. Ngay cả Tổng thống Mĩ Donald Trump - có lẽ qua cố vấn của các chuyên gia - cũng dự báo rằng dịch Covid-19 sẽ giảm đi vào mùa xuân.

Nhìn lại các trận dịch ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp trước đây, kể cả dịch cúm mùa, thường xảy ra vào mùa đông và tàn lụi vào mùa nắng ấm. Chẳng hạn như năm nay, dịch Covid-19 xảy ra vào mùa đông ở Vũ Hán. Hơn thế nữa, các nước đang ở vào nhiệt độ lạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản cũng bị dịch nặng hơn các nước có khí hậu ấm. Trước đó, dịch SARS cũng xảy ra vào mùa đông ở Hồng Kông. Tuy nhiên, cũng có một ca ngoại lệ là dịch H1N1 xảy ra vào mùa hè năm 2009, mặc dù con virus này được xem là 'virus mùa đông'. Do đó, rất nhiều chuyên gia Mĩ và Á châu hi vọng rằng dịch Covid-19 lần này cũng sẽ suy giảm vào mùa xuân và mùa hè.

GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc): Từ bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' ở Hàn Quốc đến vấn đề rửa tay ở Việt Nam

Đường lây của bệnh nhân số 31 khiến cả Hàn Quốc đau đầu chống dịch.

Giáo sư có thể cho biết tại sao các dịch virus liên quan đến đường hô hấp lại hay xảy ra vào mùa đông?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Câu trả lời ngắn là tôi không biết vì thiếu chứng cứ khoa học. Câu trả lời dài đòi hỏi phải đặt giả thuyết. Và, giả thuyết là mùa đông là yếu tố mùa tăng nguy cơ ho, cảm cúm; nhiệt độ lạnh làm đường hô hấp dễ bị kích thích. Những virus như corona có thể sống lâu hơn ở nhiệt độ lạnh hơn là nóng. Ngoài ra, mùa đông làm cho người ta tiêu thì giờ trong nhà hay trong văn phòng (không ra ngoài nhiều), và do đó tăng nguy cơ nhiễm virus.

Một số chuyên gia về SARS-Cov cho biết khi nhiệt độ lạnh và khô, các giọt li ti (droplets) có thể tồn tại lơ lửng trong không; nhưng khi nhiệt độ ấm và độ ẩm tăng thì các giọt li ti này dễ rơi xuống mặt các vật dụng và khó lây lan hơn.

Xin hỏi thêm là tại sao nhiệt độ có liên quan đến sự sống sót của virus?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Không chỉ nhiệt độ, mà độ ẩm cũng có liên quan đến khả năng sống của virus. Có vài nghiên cứu cho thấy nhiệt độ quả thật có liên quan đến khả năng sống sót của virus SARS-Cov. Chẳng hạn như một nghiên cứu xuất bản năm 2011 trên Tập san Advances in Virologycho thấy virus SARS-Cov có thể sống trên mặt các vật dụng (bàn, ghé, tay cầm) đến 5 ngày trong nhiệt độ 22-25 độ C (tức giống như nhiệt độ máy lạnh). Nhưng khi nhiệt độ trong phòng tăng lên 38 độ C hoặc cao hơn và độ ẩm trên 95% thì chỉ 0.1% virus sống sót. Trong bài nghiên cứu này, các tác giả cũng suy đoán rằng các nước có nhiệt độ ấm như Mã Lai, Nam Dương và Thái Lan sẽ không bị ảnh hưởng bởi SARS (và kết quả đúng như dự đoán).

GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc): Từ bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' ở Hàn Quốc đến vấn đề rửa tay ở Việt Nam

GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia)

Cách đây khoảng 1 tuần, cũng có một nghiên cứu mới công bố trên MedXiv phân tích thời tiết bên Trung Quốc, và kết quả cho thấy khi nhiệt độ tăng thì mức độ tăng trưởng của virus suy giảm. Tuy nhiên, điều lạ lùng là tác giả kết luận ... ngược lại! Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng đây là bài báo chưa qua bình duyệt, và theo tôi, có nhiều khiếm khuyết về phương pháp và cách diễn giải.

Trường hợp 'siêu lây nhiễm' của người phụ nữ 61 tuổi ở Hàn Quốc với các yếu tố không ra nước ngoài nhưng lại lây cho nhiều người. Điều này gây lo ngại có phải virus này đã có độc lực mới cao hơn không?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Không. Về việc một bệnh nhân ở Hàn Quốc (mang mật danh 'Bệnh nhân 31') được mệnh danh là 'siêu lây lan' vì bà đã lây cho gần 40 người trong nhà thờ nói lên khả năng lây lan, chứ không nói lên 'độc lực' của virus. Độc lực của virus thường đo qua nguy cơ tử vong. Tôi phân tích dữ liệu của Trung Quốc báo cáo thì thấy nguy cơ tử vong 30 ngày là khoảng 5%, nhưng đa số ca tử vong là những người cao tuổi (trên 70) và có bệnh đi kèm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mãn tính. Còn nếu không có bệnh đi kèm thì nguy cơ tử vong 30 ngày rất thấp (chỉ ~1.5%). Nguy cơ tử vong ở ngoài Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn nữa. Nói tóm lại, SARS-Cov-2 có khả năng lây lan cao, nhưng độc lực thì thấp so với các dịch trước đây như SARS và MERS.

Tại Việt Nam, hơn 10 ngày nay chưa ghi nhận ca mắc nào mới điều này cho thấy công tác phòng chống dịch của Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, giáo sư có khuyến nghị gì cho Việt Nam không?

GS Nguyễn Văn Tuấn:Ngay từ đầu, Việt Nam đã có một số biện pháp 'mạnh' để dập tắt dịch, và những biện pháp này rất có thể góp phần vào việc ngăn chận dịch bùng phát. Nhưng cũng nên dè dặt vì chưa có có ca nào mới không có nghĩa là không có ca mới. Có thể có những bệnh nhân nhẹ hay có triệu chứng nhẹ không được nhận dạng hay báo cáo.

Những dịch bệnh như Covid-19 chúng ta biết rằng xuất phát từ động vật hoang dã như dơi, và rất có thể là cầy hương và tê tê. Do đó, để ngăn chận dịch từ gốc, cần phải có luật cấm tiêu thụ các động vật hoang dã.

Việt Nam đang hoãn nhập học và quyết định này có thể gây ra vài tranh cãi. Nhưng nếu xem trường học là môi trường có nguy cơ cao, thì tại sao không xem chợ, khách sạn, nhà hàng, hay những nơi tụ tập đông nguời khác cũng có nguy cơ cao, và chúng ta nên có biện pháp gì? Nên chẳng nghĩ đến chiến dịch xịt dung dịch khử trùng thường xuyên ở những nơi có đông người.

Phòng chống lây lan phải bắt đầu và kết thúc ở mức độ cá nhân. Hành vi vệ sinh cá nhân có ảnh hưởng rất lớn đến sự lây lan của virus. Tôi thiết nghĩ nên nhân cơ hội này phát động chiến dịch văn hóa vệ sinh cá nhân. Nói thẳng ra, cho đến nay thế kỉ 21, Việt Nam chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề nhỏ như vệ sinh tay và thiếu ý thức giữ vệ sinh công cộng.

Do đó, tôi cho rằng nên bắt đầu bằng những hành vi nhỏ nhưng thiết thực như rửa tay thường xuyên, tránh khạc nhổ bừa bãi và ho hay hắt hơi vào khuỷu tay hay dùng giấy tissue. Tuy nhiên, việc rửa tay rất khó ở Việt Nam, bởi vì ở hầu hết các nơi công cộng (như nhà hàng, chợ, trường học, thậm chí bệnh viện) không có phương tiện rửa tay, hay có nước rửa tay nhưng không có giấy lau tay!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!