Hạ huyết áp vì dùng thuốc chồng chéo

Cần biết - 11/24/2024

Bà Thanh vừa nhặt rau xong, đứng dậy thì thấy hoa mắt chóng mặt, xây xẩm rồi ngã quỵ. Thấy mặt mẹ tái nhợt, vã mồ hôi, chị Hoa sợ quá vội gọi xe đưa mẹ đi cấp cứu... Bác sĩ cho biết, mẹ chị bị hạ huyết áp.

Bà Thanh vừa nhặt rau xong, đứng dậy thì thấy hoa mắt chóng mặt, xây xẩm rồi ngã quỵ. Thấy mặt mẹ tái nhợt, vã mồ hôi, chị Hoa sợ quá vội gọi xe đưa mẹ đi cấp cứu... Bác sĩ cho biết, mẹ chị bị hạ huyết áp.

Nghe bác sĩ nói vậy, chị Hoa băn khoăn lắm vì mẹ chị bị tăng huyết áp từ nhiều năm nay, ngày nào cũng phải uống thuốc và huyết áp cũng ổn định, sao giờ lại hạ huyết áp được?

Nghe chị nói vậy, bác sĩ hỏi kỹ về việc dùng thuốc của bà Thanh trong thời gian qua. Thì ra, không chỉ uống thuốc hạ áp mà gần đây bà còn tự uống thêm cả kháng sinh cephalothin để điều trị viêm họng, rồi có dấu hiệu bí tiểu, phù nên lại tự mua thuốc lợi tiểu furosemid về uống. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ huyết áp của bà Thanh. Ngoài ra, sau khi làm thêm các xét nghiệm, bà Thanh còn được chẩn đoán có dấu hiệu suy thận nhẹ do dùng đồng thời thuốc kháng sinh cephalothin và thuốc lợi tiểu furosemid...

Bác sĩ khuyến cáo: Chăm sóc người già khi bị ốm, đặc biệt là người có bệnh mạn tính như bà Thanh là phải hết sức thận trọng, không được dùng thuốc bừa mà bệnh lại chồng bệnh. Trường hợp như bà Thanh bị bệnh tăng huyết áp lâu năm đã phải dùng thuốc hạ huyết áp, nay lại dùng thêm thuốc lợi tiểu furosemid cũng có tác dụng hạ áp mà không có sự chỉ định liều lượng và giám sát của bác sĩ do đó gây quá liều dẫn tới tình trạng hạ huyết áp nên mệt xỉu.

Hơn nữa, việc uống nhiều loại thuốc mà không biết đến tác dụng chéo của nó cũng rất nguy hiểm. Như việc dùng cephalothin là một loại kháng sinh trong nhóm cephalosporin, thường được chỉ định trong nhiễm khuẩn hô hấp, khi dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu furosemid là một sai lầm vì sẽ làm tăng thêm độc tính của thuốc cho thận...

Sau 3 ngày điều trị và chăm sóc, sức khỏe của bà Thanh đã ổn định, chỉ số xét nghiệm creatinin cũng đã trở về bình thường nên bà được về nhà và điều trị ngoại trú.

Việc sử dụng thuốc như của bà Thanh là một bài học cảnh báo cho người cao tuổi, đặc biệt là đối với người mắc bệnh mạn tính. Điều mà người cao tuổi cần làm để giữ sức khỏe là hãy đi khám bệnh và nghe tư vấn dùng thuốc của bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, không nên bất cẩn trong việc dùng thuốc mà bệnh nặng hơn, tiền mất mà tật vẫn mang...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!