Ngày hôm qua (17/5), mức nhiệt độ đo được tại trạm Láng – Hà Nội đã lên tới 40,5 độ C – nắng nóng đặc biệt gay gắt. Đây là mức nhiệt rất ít gặp trong lịch sử tại Hà Nội trong những ngày tháng 5 như thế này.
Theo các chuyên gia, trên thực tế, tại khu nhà cao tầng, đông dân cư, lưu lượng phương tiện giao thông nhiều thì mức nhiệt còn cao hơn.
Cảnh báo, trong các ngày 18-19/5, chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 7-10 tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng trong đợt nắng nóng gay gắt này.
Trên thực tế, chỉ số tia UV tại Hà Nội ngày 18 - 19/5 lên tới 11 - mức được đánh giá là 'nguy hiểm' dễ khiến da, mắt bị bỏng nhiệt.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội ngày hôm nay (18/5) từ 37 - 39 độ C, thậm chí có nơi trên 40 độ C. Trang World Weather Online của Anh dự báo chỉ số tia cực tím tại Hà Nội hôm nay và ngày mai đạt mức 11.
Dự báo hôm nay (18/5) số điểm nhiệt trên 40 độ C sẽ còn gia tăng khi mà nắng nóng vào giai đoạn đỉnh điểm. Nền nhiệt chung cũng rất cao 36-39 độ C cho toàn miền Bắc, thời gian nóng cũng kéo dài tới gần chục tiếng với nhiệt độ cao trên 35 độ C liên tục từ 10-17 giờ.
Nắng nóng gay gắt với chỉ số cực tím cao gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Bảo vệ mắt, da trong khỏi tia cực tím
Về da,BS. Đặng Bích Diệp - Khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, lão hóa da, nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
Chỉ số tia cực tím càng lớn thì cơ thể càng dễ bị tổn thương. Tia UV có thể gây lão hóa da, ung thư da, khởi phát và làm nặng hơn những bệnh có liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm da cơ.
Với mức cực tím 11 trở lên, nguy cơ gây hại từ tia cực tím là cực cao. Do đó, BS. Diệp khuyến cáo người dân mang tất cả các biện pháp phòng ngừa, bao gồm: thoa kem chống nắng SPF 30+, kính râm, áo sơ-mi dài tay, quần dài, đội mũ rộng vành, và tránh ánh nắng mặt trời 3 giờ trước và sau giữa trưa.
Về mắt, tia cực tím cũng là một loại tia có hại đối với cơ thể, có trong bức xạ của ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất khi tiếp xúc bề mặt da và mắt, làm giảm sức đề kháng của cơ thể khi tiếp xúc thời gian dài.
TS.BS. Hoàng Cương - BV Mắt Trung ương cho hay, Giác mạc hấp thu hầu hết các bức xạ UV khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng thịt...
Đục thể thủy tinh cũng là một bệnh thường gặp và xảy ra với các vùng có mật độ tia UV cao như gần xích đạo, gần biển... Tia UV gây biến đổi protein trong thể thủy tinh gây ra vón cục, mất tính trong suốt của nhân mắt. Ngoài lý do dinh dưỡng, địa lý, stress, oxy hóa, nhiễm độc..., tia UV gây tổn hại hàng rào máu võng mạc cũng cần lưu ý.
Bác sĩ khuyến cáo cần chú ý các biện pháp bảo vệ da và mắt trong nắng nóng. Ảnh minh họa.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần sử dụng mũ rộng vành và kính râm thường xuyên. Bảo vệ mắt ngay cả khi trời râm hoặc nhiều mây: tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù, gây hại cho chúng ta quanh năm chứ không phải chỉ riêng ngày hè nắng.
Xem nhật thực bằng kính đen hoặc xem qua chậu nước, tuyệt đối không xem bằng mắt thường.
Sử dụng kính râm chuyên dụng ngăn tia UV (ngăn được cả tia UV A và UV B, kính gắn mác UV400 hoặc 100% UV Protection). Nên mua loại kính có gọng to và sát phía bên để ngăn được những tia sáng đến từ phía bên. Những người mang kính tiếp xúc cũng phải chọn kính tiếp xúc chống tia UV nếu muốn ra ngoài nắng.
Cảnh giác với tia UV đậm độ cao: Ở một số khung giờ nhất định trong ngày, bức xạ UV ở mức cao nhất và gây ra nhiều tác hại đối với da. Hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10-16h vì đây là thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!