Hàng loạt ca hóc dị vật nhập viện: Bác sĩ cảnh báo thói quen ăn nhanh, nói chuyện khi ăn
10 ca hóc dị vật trong 1 ngày
Ths.BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho hay, trung bình 1 ngày khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị hóc dị vật vào cấp cứu. Trong đó có những ca nặng phải phẫu thuật và nằm viện điều trị nhiều ngày.
Bệnh nhân L.T.Ph (sinh năm 1959, Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng hóc cả chiếc mỏ gà ở thực quản, khiến cho bệnh nhân rất đau đớn.
Theo gia đình bà Ph thì bà rất thích ăn đầu gà do ăn nhanh nên đã bị hóc mỏ gà. Sau khi hóc dị vật bà Ph rất đau gia đình có dùng mẹo chữa nhưng đều không có kết quả.
Bà Ph đã thăm khám tại bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương bệnh nhân đã được nội soi thực quản ống cứng kiểm tra nhưng không phát hiện ra dị vật. Các bác sĩ đã phải mở cạnh cổ kiểm tra và phát hiện 3 mảnh xương gà, mảnh dài nhất 3cm trong thành thực quản.
Bà Ph đang điều trị hóc xương gà tại bệnh viện.
Còn trường hợp bệnh nhân N.T.T (95 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định) nhập viện cấp cứu do hóc xương cá. Bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên từ thực quản ra ngoài cổ.
Gia đình bệnh nhân cho hay trong bữa ăn bệnh nhân vừa ăn cá vừa nói chuyện nên bị hóc. Sau khi bị hóc bệnh nhân dùng các mẹo dân gian như cố gắng ăn thêm miếng thức ăn lớn và các mẹo khác để trôi dị vật, nhưng không có kết quả.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương bác sĩ đã mở cạnh cổ lấy dị vật cho bệnh nhân.
Không ăn nhanh và cười đùa để tránh hóc dị vật
Đa phần các ca bị hóc dị vật vào cấp cứu tại khoa là do hóc xương cá. Nguyên nhân là do bệnh nhân thường ăn vội vàng hoặc cười đùa trong lúc ăn.
Bác sĩ Thắng cho biết, hóc dị vật xương ca thường là sắc nhọn và dài người bệnh sẽ thấy nuốt đau nhói, hoặc nuốt vướng. Phần lớn các bệnh nhân thường chữa mẹo tại nhà, khi tình trạng đau tăng (nặng) mới tới bệnh viện khám. Khi đó tình đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng, đặc biệt là trường hợp hóc xương cá biển.
'Vùng cổ là nơi có nhiều mạch máu lớn, người bệnh bị nhiễm trùng và dị vật sắc nhọn... có nguy cơ chảy máu rất cao. Đối với, những trường hợp có bệnh lý mãn tính cũng đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra phương pháp điều trị sao cho hợp lý', bác sĩ Thắng nói.
Đối với những ca bệnh khó, Khoa phải xin ý kiến chỉ đạo từ Lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp là GS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện, thậm chí GS Cảnh cũng trực tiếp tham gia phẫu thuật, điều trị để đạt hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Bệnh nhân bị hóc dị vật sẽ được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo: 'Để phòng tránh nguy cơ hóc dị vật người dân nên ăn châm nhai kỹ, khi ăn không nến cười đùa và nói chuyện. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn đặc biệt cho người già và trẻ nhỏ cần phải lưu ý lọc bỏ phần thịt và phần xương riêng'.
Trong trường hợp bị hóc xương, không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo để chữa, mà đến ngay các cơ sở y tế được được thăm khám và xử trí kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!