Hành lang bệnh viện tràn ngập mùi thuốc lá, bác sĩ cũng 'bó tay'

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có một số Điều quy định riêng về nơi được phép và không được phép hút thuốc lá.

Trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên, nhiều người vẫn khá mù mờ về quy định này.

Cấm nhưng vẫn hút

Điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), khoản 1, quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục (trừ Trường cao đẳng, đại học, học viện); Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Khoản 2 có quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc; b) Trường cao đẳng, đại học, học viện; c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

Khoản 3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Tuy nhiên, thực tế, tại các nơi công cộng vẫn không thể nào cấm được thuốc lá. Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong khuôn viên của bệnh viện, người nhà lẫn bệnh nhân vẫn hút thuốc bình thường và họ không hề biết là nơi này bị cầm hút thuốc.

Ông Bình quê Thường Tín, Hà Nội nuôi người nhà tại Bệnh viện Bạch Mai kể, ngày nào ông cũng phải hút nửa bao thuốc, không hút ông thấy nhạt mồm, nhạt miệng.

Những giờ không được vào phòng bệnh, ông giết thời gian bằng cách phì phèo điếu thuốc ở ghế ngoài sân bệnh viện. Hàng chục người đều hà hơi, rít mạnh thuốc lá mà không biết mình phạm luật gì.

PGS Phan Thu Phương – Phó Giám đốc trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai- cho biết, rất khó để cấm người dân hút thuốc lá trong bệnh viện vì không có nhân sự để đi nhắc nhở họ. Thậm chí ngay cả bệnh nhân trong viện, dù bác sĩ cấm hút thuốc lá họ vẫn cố tìm cách ra ngoài hút trộm.

Hành lang bệnh viện tràn ngập mùi thuốc lá, bác sĩ cũng 'bó tay'

Khuôn viên bệnh viện,  người nhà lẫn bệnh nhân vẫn vô tư hút thuốc mặc dù bị cấm.

Có bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính, đang phải cấp cứu vì tiền sử hút thuốc lá mấy chục năm. Người con trai chăm bố cũng hút thuốc lá, răng vàng khè. Bác sĩ hỏi 'anh có sợ bệnh như bố mình không', dù trả lời sợ nhưng bảo bỏ thuốc anh chỉ cười trừ.

Tại Trung tâm hô hấp, có hàng trăm bệnh nhân bị các bệnh hô hấp do hút thuốc lá. Nhưng khi được bác sĩ tư vấn cai thuốc, chẳng mấy người làm được. Có người cho rằng họ hút là việc của họ. Hành lang, các góc khuất của bệnh viện tràn ngập mùi khói thuốc. Bệnh viện không thể ngăn cản nổi, nếu thiếu ý thức tự giác của mỗi người.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nghiên cứu có tới 47% nam giới trưởng thành hút thuốc và số bỏ được thuốc chỉ tính trên đầu ngón tay.

Phạt 300 nghìn đồng

Hiện nay, theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định rõ nếu người hút thuốc vi phạm hút thuốc lá tại các địa điểm kể trên sẽ có các mức phạt theo Điều 23 Nghị định 176/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;

b) Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

2. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng 'cấm hút thuốc lá' tại địa điểm cấm hút thuốc lá;

b) Không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình;

c) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;

c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;

d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, tại Điều 12 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), quy định địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.

Cụ thể: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Điều 12 cũng quy định nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!