Heo âm tính với salbutamol: Có chắc đã an toàn?

Sống khỏe mạnh - 05/19/2024

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết mặc dù thử nhanh cho kết quả âm tính nhưng chưa chắc heo đó là an toàn.

Ngày 18/4, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết nhìn chung trong thời gian gần đây do áp dụng biện pháp tiêu hủy heo chứa tồn dư chất cấm nên xu hướng sử dụng chất cấm trong nuôi heo có giảm. 'Tuy nhiên, xảy ra thực trạng hộ chăn nuôi đối phó cơ quan chức năng bằng cách vẫn cho heo ăn chất cấm và ngưng khoảng 10-15 ngày trước khi xuất chuồng.

Với phương cách này, khi cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích, hàm lượng tồn dư chất cấm trong nước tiểu heo bị kéo giảm dưới 5 ppb nên sẽ không bị xử lý' - ông Phát nói.

Quy định có nương nhẹ?

Theo Thông tư 01/2016 do Bộ NN&PTNT ban hành ngày 15-2, trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm trong chăn nuôi, những mẫu chỉ được coi là dương tính khi kết quả phân tích định lượng của chất salbutamol (chất tạo nạc) cao hơn hoặc bằng 5 ppb.

Do vậy, khi xét nghiệm nước tiểu heo nếu hàm lượng dưới 5 ppb thì âm tính, không bị xử lý. Trong khi đó, theo quy định cũ (Thông tư 57/2012), những mẫu được coi là dương tính khi kết quả phân tích định lượng của chất salbutamol cao hơn hoặc bằng 2 ppb.

Qua tìm hiểu, PV được biết gần đây cơ quan thú y phát hiện nhiều lô heo có hàm lượng salbutamol trong khoảng 2,1 ppb đến 4,9 ppb. Trước đây theo Thông tư 57 thì những lô heo nói trên đã bị xử lý, còn theo quy định hiện hành thì những lô heo này đương nhiên 'thoát', được giết mổ và tiêu thụ ngoài thị trường.

Do vậy, người tiêu dùng hiện vẫn hoang mang trước thông tin các trại chăn nuôi heo tiếp tục sử dụng các hóa chất nhóm β-agonist như salbutamol, clenbutarol và ractopamine để thổi heo siêu nạc.

Heo âm tính với salbutamol: Có chắc đã an toàn?

Heo bị nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ các tỉnh bị Chi cục Thú y TP.HCM lưu giữ để xử lý

Tác hại của chất tạo nạc

Theo các chuyên gia, β-agonist là nhóm các hoóc-môn tự nhiên, chủ yếu có tác dụng làm giãn cơ, kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mạn tính.

Trong những chất thuộc nhóm β-agonist thì salbutamol, clenbuterol và ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Trong các loại β-agonist sử dụng trái phép trong chăn nuôi thì phổ biến hơn cả là salbutamol.

TS Phan Thế Đồng, trưởng dự án ATTP (ĐH Hoa Sen), cho rằng một khi đã kiểm tra và phát hiện chất cấm, ngay cả dưới 5ppb, nghĩa là có chất cấm tồn dư, chứng tỏ heo đã được nuôi bằng chất cấm trước đó và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, chuyên gia của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, cho biết khi cho ăn chất tạo nạc, các chất này dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa và tích lũy một thời gian rất lâu trong cơ thể động vật và tồn dư trong sản phẩm được con người sử dụng. Việc thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa dư lượng chất tạo nạc gây tác hại lớn cho người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mạn tính.

Ngộ độc cấp tính xảy ra khi người sử dụng sản phẩm chứa hàm lượng cao chất tạo nạc với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai… Ngộ độc mạn tính xảy ra khi người sử dụng tiêu thụ sản phẩm chứa chất tạo nạc trong thời gian dài. Có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hoóc-môn của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể gây ung thư.

'Chính vì vậy, vấn đề quan trọng không phải là xét nghiệm âm tính hay dương tính với chất salbutamol mà là làm sao tiến tới chấm dứt việc chăn nuôi heo bằng cách này' - bà Hồng Hảo nói.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!