Cân đo mức độ độc hại của các chất tạo màu thực phẩm

Điều cần biết - 11/24/2024

Auramine O được xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư số 1 – chắc chắn gây ung thư cho người bị phơi nhiễm.

LTS: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khánh Hoà là Phụ tá nghiên cứu (Research Asociate), Đơn vị nghiên cứu Đái tháo đường, Khoa Y, Đại học Manitoba, Canada.

Là người tâm huyết với chiến dịch chống thực phẩm bẩn của giới y học và truyền thông trong nước, từ Canada anh đã gửi bài viết cảnh báo về nguy cơ các chất nhuộm màu thực phẩm gây ung thư cho người sử dụng.

Đáng chú ý là bên cạnh chất cấm như Auramine O, bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa còn cảnh báo tác hại của các chất nhuộm màu thực phẩm nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta. Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới năm 2010 mỗi năm nước ta có khoảng 126 ngàn người mới mắc bệnh và khoảng 94 ngàn người chết vì ung thư.

Bên cạnh các nguyên nhân được chỉ ra trong báo cáo của WHO như hút thuốc lá, rượu, viêm gan vi-rút và ô nhiễm khói, bụi các nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu của Việt Nam cũng đã chỉ ra nghi vấn về các chất gây ung thư có mặt trong thực phẩm bẩn.

Đặc trưng nhiễm chất gây ung thư trong thực phẩm có lẽ chỉ có ở Việt Nam, Trung Quốc do sự buông lỏng quản lý của nhà nước đối với các hóa chất độc hại cũng như quá trình nuôi, trồng, sản xuất và chế biến thực phẩm.

Sự buông lỏng này dẫn tới việc người dân cố tình gây bẩn thực phẩm bằng những phương thức chế biến và bảo quản thực phẩm không an toàn.

Một trong những phương thức đó chính là việc sử dụng các chất tạo màu cho thực phẩm. Vì vậy, nội dung bài này chủ yếu tập trung vào khả năng gây ung thư của các chất tạo màu thực phẩm.

Nổi trội trong các thông tin báo chí gần đây là các vụ việc bắt được các cơ sở sử dụng chất vàng ô (Auramine O) để làm cho măng hoặc dưa muối có màu vàng, đẹp.

Cân đo mức độ độc hại của các chất tạo màu thực phẩm

Dưa cải muối được phát hiện chứa chất cấm Auramine O

Tuy nhiên chất Auramine O lại là một chất cực kỳ nguy hiểm. Liều độc gây chết 50% của Auramine O trên động vật nằm trong khoảng 135 mg/kg trên chuột cống và 300 mg/kg trên chuột nhắt.

Còn với liều ít, phơi nhiễm lâu dài như trong trường hợp ăn phải một lượng nhỏ trong thực phẩm được nhuộm bằng Auramine O thì nguy cơ ung thư là hiện hữu.

Auramine O được xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư số 1 – tức là nhóm chắc chắn gây ung thư cho người nếu bị phơi nhiễm.

Auramine –O là tác nhân gây ung thư bàng quang trên người bị phơi nhiễm và gây ung thư gan trên chuột cống, chuột nhắt, ung thư bạch cầu trên chuột nhắt.

Chất tạo màu nằm trong danh mục cho phép sử dụng cũng có nguy cơ gây ung thư

Nhóm chất tạo màu nằm trong danh mục được phép sử dụng cũng có nguy cơ đáng kể gây ung thư. Bảng phân loại và đánh giá các mối nguy hại của chất tạo màu thực phẩm đã chỉ rõ như sau:

Cân đo mức độ độc hại của các chất tạo màu thực phẩm

Hình: Bảng phân loại chất tạo màu thực phẩm.

1. Chất tạo màu xanh nước biển 1 (Blue 1): Không tìm thấy bằng chứng độc trên chuột cống, nhưng một nghiên cứu không được công bố thì cho rằng nó gây ra khối u ở thận của chuột nhắt và có thể gây ra tổn thương ở tế bào thần kinh.

Chất này có thể gây chứng tăng động cho trẻ nhỏ.

2. Chất tạo màu xanh nước biển 2 (Blue 2): Không được sử dụng làm chất tạo màu thực phẩm vì gây u thần kinh đệm trên chuột cống.

3. Chất tạo màu đỏ da cam 2 (Citrus 2): Là chất được phép sử dụng làm đẹp vỏ cam, quýt nhưng cấm dùng trong gia vị thực phẩm thì gây ngộ đọc cho chuột và đặc biệt là gây ra ung thư bàng quang và có lẽ là một số cơ quan khác.

4. Chất tạo màu xanh lá cây 3 (Green 3): Mặc dù được cơ quản quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) đánh giá là an toàn nhưng nó cũng có khả năng gây ra ung thư bàng quang và tinh hoàn trên chuột.

5. Chất tạo màu vàng cam B (Orange B): Mặc dù được cho phép sử dụng để tạo màu cho nước sốt, chưa tìm thấy bằng chứng có hại nhưng đã không còn được sử dụng.

6. Chất tạo màu đỏ 3 (Red 3): Bị cấm dùng trong mỹ phẩm và thuốc bôi ngoài bởi FDA năm 1990 do gây ung thư tuyến giáp nhưng lại vẫn được phép sử dụng trong các loại thuốc uống và thực phẩm (Đây là một nghịch lý cần sửa chữa).

7. Chất tạo màu đỏ 40 (Red 40): là chất tạo màu được sử dụng nhiều nhất. Chất này có khả năng gây ung thư hệ miễn dịch, gây mẫn cảm với một số ít người và đặc biệt là gây tăng động cho trẻ nhỏ.

8. Chất tạo màu vàng 5 (Yellow 5): Chất này không gây ung thư trên chuột cống nhưng có khả năng gây tăng động và một số rối loạn hành vi ở trẻ.

9. Chất tạo màu vàng 7 (Yellow 7): Chất này bị cấm dùng vì khả năng gây ung thư thượng thận và dị ứng nặng.

Với những căn cứ trên, việc sử dụng hóa chất tạo màu tổng hợp đa số đem lại rủi ro cho người tiêu dùng đặc biệt là khả năng gây ung thư cũng như một số chất có thể gây chứng tăng động, rối loạn hành vi ở trẻ.

Buông lỏng quản lý nhà nước cũng như sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng của chất tạo màu, người sản xuất cũng như người tiêu dùng ở nước ta đang đứng trước nguy cơ gia tăng hơn nữa các loại bệnh tật trong đó có ung thư.

TS.BS.Nguyễn Khánh Hòa (từ Canada)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!