Hiểu hơn về thiếu sắt ở trẻ em

Dinh dưỡng cho Trẻ - 05/06/2024

Tìm hiểu về tình trạng thiếu sắt ở trẻ em trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, và các gợi ý bổ sung sắt phù hợp độ tuổi của trẻ.

Sắt là một khoáng chất rất quan trọng trong chế độ ăn uống của trẻ. Sắt giúp hỗ trợ nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả vận chuyển oxy trong máu để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể vận động trong cuộc sống hàng ngày. Sắt cũng quan trọng cho sự phát triển não bộ của bé.

Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ mẫu giáo và thanh thiếu niên có nguy cơ thiếu sắt cao, chủ yếu là do nhu cầu sắt trong thời kỳ tăng trưởng thường tăng nhanh. Nếu không bổ sung đủ sắt, trẻ có nguy cơ bị thiếu máu. Bạn nên cho bé đi khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ con bạn có thể đang bị thiếu máu do thiếu sắt.

Sắt có thể gây độc

Sắt có thể trở thành một chất độc khi dùng với liều lượng lớn. Không được tự ý chẩn đoán và cho con bạn bổ sung sắt mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì quá liều lượng sắt có thể gây tử vong. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ nên hấp thụ tối đa 20 mg sắt mỗi ngày – trong khi hầu hết các loại thuốc bổ sung sắt đều có chứa khoảng 100 mg sắt trong mỗi viên nhộng.

Bạn nên cất thuốc bổ sung sắt ở nơi an toàn và cẩn thận, để tránh xa tầm với của trẻ em, vì trẻ em thường nhầm lẫn thuốc với kẹo.

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ, bao gồm:

  • Trẻ có các hành vi bất thường;
  • Trẻ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần;
  • Mất cảm giác ăn ngon miệng;
  • Cơ thể ở trạng thái lờ đờ;
  • Khó thở;
  • Đổ mồ hôi nhiều;
  • Thèm ăn các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe của trẻ như thức ăn nhanh;
  • Trẻ không tăng trưởng và phát triển theo tốc độ dự kiến.

Nguyên nhân gây thiếu hụt sắt ở trẻ

Có rất nhiều nhân tố làm tăng nguy cơ thiếu hụt sắt ở trẻ, bao gồm:

  • Sinh non và sinh nhẹ cân;
  • Trẻ chỉ được bú duy nhất sữa mẹ khi đã hơn 6 tháng tuổi (mà không được ăn dặm);
  • Uống quá nhiều sữa bò khi trẻ dưới 2 tuổi;
  • Không ăn hoặc ăn rất ít thịt;
  • Ăn chay và ăn chay trường;
  • Chế độ ăn uống kém khi trẻ khoảng 2 tuổi;
  • Các bệnh về đường ruột;
  • Nhiễm độc chì.

Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên là những nhóm tuổi ở thời kì cơ thể phát triển nhanh chóng, vì vậy nhu cầu bổ sung sắt cũng tăng lên. Nguyên nhân chính gây thiếu sắt ở trẻ em được phân theo nhóm tuổi gồm:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: trẻ sơ sinh hấp thụ sắt dự trữ khi còn nằm trong tử cung của người mẹ, do đó chế độ ăn uống của người mẹ trong quá trình mang thai rất quan trọng. Nếu bé có cân nặng thấp khi chào đờ hoặc trẻ sinh non, bé sẽ phải cần bổ sung sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn thêm;
  • Trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1 tuổi: lượng sắt dự trữ của trẻ thường thấp trong nửa sau năm tuổi đầu tiên. Thiếu sắt có thể là kết quả của chế độ ăn uống không có đủ thức ăn giàu chất sắt. Vào khoảng sáu tháng tuổi, bé nên có hai phần ăn một ngày có chứa ngũ cốc tăng cường sắt dùng cho trẻ sơ sinh trộn với sữa mẹ hoặc sữa bột cho trẻ sơ sinh. Bạn cũng có thể cho bé ăn thịt xay nhuyễn cùng với các thức ăn đặc khác sớm hơn khi bé đã quen với việc ăn ngũ cốc. Cho bé ăn dặm muộn cũng là một nguyên nhân phổ biến gây thiếu sắt ở nhóm tuổi này;
  • Trẻ em từ 1 – 5 tuổi: sữa mẹ chỉ chứa một lượng nhỏ sắt cần thiết cho cơ thể, nên việc cho con bú kéo dài có thể dẫn đến thiếu sắt, đặc biệt là trong trường hợp khi sữa mẹ thay thế cả thức ăn dặm trong chế độ ăn của bé. Trước khi trẻ được 12 tháng tuổi, bạn không nên cho trẻ uống các loại sữa có lượng sắt thấp như sữa bò, sữa dê và sữa đậu nành;
  • Thanh thiếu niên: nữ giới ở tuổi vị thành niên có nguy cơ thiếu sắt vì một số lý do đặc biệt, như cần nhiều sắt trong thời kỳ tăng trưởng ở tuổi dậy thì, mất sắt qua các chu kì kinh nguyệt và nguy cơ thiếu sắt do thói quen ăn kiêng không lành mạnh;
  • Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Celiac là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng cũng có thể gây thiếu máu ở trẻ em.

Gợi ý bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh

Một số gợi ý ngăn ngừa thiếu sắt ở trẻ dưới 12 tháng tuổi như sau:

  • Bà bầu có một chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ chất sắt trong quá trình mang thai. Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt tốt nhất cho cơ thể;
  • Xét nghiệm để kiểm tra thai phụ có bị thiếu máu trong thời gian mang thai. Nếu bác sĩ kê toa thuốc bổ sung sắt cho bạn, bạn nên uống thuốc theo đúng chỉ dẫn;
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoặc chọn sữa bột có bổ sung thêm sắt cho trẻ sơ sinh;
  • Không cho trẻ uống sữa bò hoặc các chất lỏng khác dùng thay thế các loại thức ăn giàu chất sắt trước khi trẻ đủ 12 tháng tuổi;
  • Không cho trẻ ăn dặm muộn. Bạn hãy bắt đầu cho bé ăn thức ăn xay nhuyễn khi bé được khoảng sáu tháng tuổi. Bạn nên cho bé ăn ngũ cốc trẻ em trộn với sữa bột tăng cường sắt hoặc sữa mẹ do món ăn này chứa hàm lượng sắt cao và dễ dàng thay đổi thành phần để bé không bị ngán. Bạn cũng có thể bắt đầu cho bé ăn các loại thực phẩm xốp mềm hoặc nghiền nhỏ khi bé được bảy tháng tuổi.

Gợi ý bổ sung sắt cho trẻ nhỏ

Để ngăn chặn tình trạng thiếu sắt ở trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, bạn nên:

  • Cho bé ăn thịt nạc đỏ 3 – 4 lần một tuần. Bạn cũng có thể thay thế thịt bằng các loại thực phẩm khác như đậu khô, đậu lăng, đậu xanh, đậu đóng hộp, thịt gia cầm, cá, trứng và một lượng nhỏ các loại hạt và bột nhão hạt. Đây là những nguồn bổ sung sắt quan trọng trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Nếu gia đình bạn ăn chay hoặc ăn chay trường, bạn nên tìm thêm lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo con bạn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ tăng trưởng và phát triển;
  • Bổ sung vitamin C giúp cơ thể hấp thu chất sắt. Bạn nên cho con ăn thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, quýt, dâu, kiwi, cà chua, bắp cải, ớt xanh và bông cải xanh;
  • Khuyến khích bé ăn thức ăn đặc vào giờ ăn và cẩn thận để trẻ không bị no do dùng các loại đồ uống giữa các bữa ăn;
  • Tiêu chảy mãn tính có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt của trẻ, những ký sinh trùng đường ruột như giun có thể làm thiếu sắt. Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời;
  • Những trẻ kén ăn có nguy cơ thiếu chất sắt do ăn ít chất dinh dưỡng hoặc có thực đơn ăn uống nghèo nàn. Bạn nên đến nhờ tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ địa phương hoặc y tá cho trẻ em để xem bạn có thể làm gì để chăm sóc cho trẻ tốt nhất.

Gợi ý bổ sung sắt cho độ tuổi thanh thiếu niên

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt ở thanh thiếu niên, bạn nên:

  • Nói chuyện với trẻ về tầm quan trọng của sắt. Giúp trẻ được nhận thức để tự có trách nhiệm lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp;
  • Tăng cường cho trẻ ăn các loại thực phẩm và bữa ăn bổ sung thêm sắt, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng có bổ sung sắt hay cho trẻ ăn bánh mì , thịt, gia cầm, cá trong bữa tối;
  • Đậu khô, đậu lăng, đậu Hà Lan, bông cải xanh, rau bina, đậu, ngũ cốc, bánh mì và ngũ cốc là các loại rau củ chứa nhiều sắt đường dùng để thay thế cho thịt đỏ nếu trẻ không thích ăn thịt hoặc trẻ ăn chay trường. Bạn cũng cần bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C trong thực đơn của trẻ, chẳng hạn như trái cây hoặc các loại rau xanh;
  • Khuyến khích trẻ uống chỉ một lượng trà và cà phê vừa phải vì các loại đồ uống này cản trở quá trình hấp thu sắt.

Chẩn đoán thiếu sắt như thế nào?

Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị thiếu sắt, bạn hãy đưa con đến khám bác sĩ. Chẩn đoán sẽ giúp loại trừ các bệnh lý khác có cùng các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như bệnh Celiac.

Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:

  • Kiểm tra thể chất;
  • Kiểm tra tiền sử bệnh của trẻ;
  • Xét nghiệm máu.

Những điều cần nhớ khác khi bổ sung sắt cho trẻ

Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ mẫu giáo và thanh thiếu niên có nguy cơ thiếu sắt, chủ yếu là do nhu cầu sắt tăng đột biến khi trẻ đang tăng trưởng và phát triển.

Nếu con bạn đang ăn chay hay ăn chay trường, bạn hãy quan tâm đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng trong bữa ăn của con nhiều hơn để đảm bảo con bạn đang nhận được đủ lượng chất sắt cần thiết.

Để các loại thuốc viên bổ sung sắt xa tầm tay với của trẻ em bởi dùng quá liều các loại thuốc này có thể làm trẻ em và trẻ sơ sinh bị tử vong.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này qua các bài viết:

  • Những điều mẹ nên biết khi con bị thiếu máu do thiếu sắt (phần 1)
  • Những điều mẹ nên biết khi con bị thiếu máu do thiếu sắt (phần 2)
  • Những điều mẹ cần biết để chăm con bị thiếu máu.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!