BSCKII Đặng Minh Hải – Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum phát biểu tại Hội nghị Ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo mô hình cụm. Ảnh: TL
Tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện
Chất thải y tế là những vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, ống thủy tinh vỡ... ngoài việc gây thương tích cho người tiếp xúc còn có thể gây nhiễm trùng vết thương và làm lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm qua đường máu. Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế trong các bệnh viện nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngay từ năm 2015, Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 05/CT-BYT (ngày 6/7/2015) về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện.
Trong năm 2019, Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 1003/BYT-MT (28/2/2019) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý chất thải y tế. Đặc biệt, ngày 29/7/2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT về Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế nhằm giảm tối đa sự tác động tiêu cực của chất thải nhựa đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người.
Chỉ thị 08/CT-BYT giao Cục Quản lý môi trường y tế: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế; làm đầu mối xây dựng tài liệu truyền thông và phối hợp tổ chức truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị trong ngành y tế; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả thực hiện.
Nhân viên xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ vi sóng.
Tỉnh Kon Tum hiện có 3 bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 650 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi 225 giường bệnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền – Phục hồi chức năng 180 giường bệnh; 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố (trong đó có 8 bệnh viện huyện với 785 giường bệnh), 3 Phòng khám Đa khoa khu vực và 102 trạm y tế xã, phường, thị trấn; lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh bình quân 278kg/ngày.
Những năm trước đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành Y tế đã đầu tư lò đốt rác thải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện huyện để xử lý rác thải tại bệnh viện và cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn; các lò đốt này đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải y tế gây ra.
Đưa công nghệ tiên tiến nhất vào xử lý chất thải y tế nguy hại
Chất thải rắn y tế nguy hại sau khi xử lý bằng công nghệ vi sóng đảm bảo yêu cầu theo QCVN55:2013/BTNMT trở thành chất thải thông thường.
Từ năm 2017, tỉnh Kon Tum được Bộ Y tế đầu tư 2 cụm xử lý rác thải y tế nguy hại bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý (gọi là công nghệ vi sóng) tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền – Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi với tổng vốn đầu tư trên 23 tỷ đồng. Đây là công nghệ xử lý hiện đại do Pháp sản xuất đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, không gây độc hại và thân thiện với môi trường. Sau một thời gian xây dựng, lắp đặt, vận hành thử, kiểm tra, 2 cụm xử lý chất thải tập trung trên đã chính thức hoạt động để xử lý rác thải cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 1042/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn. Theo kế hoạch, cụm thứ nhất đặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi có công suất xử lý 200kg/ngày đảm nhận xử lý chất thải y tế nguy hại thu gom từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Đăk Glei; cụm thứ 2 đặt tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền – Phục hồi chức năng có công suất xử lý 400 kg/ngày đảm nhận việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại thu gom từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập tại thành phố Kon Tum và các huyện lân cận như Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plong, Sa Thầy và Ia H'Drai.
Hàng ngày không kể thứ Bảy, Chủ nhật, 2 đơn vị này đều có xe chở rác chuyên dụng đi đến các cơ sở y tế để gom rác thải về khu tập kết và bảo quản ở nhiệt độ -100C trước khi đưa vào hệ thống xử lý. Sau khi được xử lý đảm bảo yêu cầu theo QCVN55:2013/BTNMT, chất thải có dạng bông tơi xốp, được công nhận là rác thải thông thường và Công ty Môi trường đô thị địa phương sẽ thu gom, vận chuyển và xử lý chung theo quy định. Công nghệ xử lý mới này còn giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với công nghệ đốt đồng thời không có khói, bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Hiện nay cụm xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền – Phục hồi chức năng còn xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho một số cơ sở ngoài ngành y tế có giường bệnh như Bệnh xá 24 thuộc Sư đoàn 10, Bệnh xá Công an tỉnh, Bệnh xá Tỉnh đội với thời gian thu gom, vận chuyển và xử lý 1 lần/ngày.
Như vậy, Bộ Y tế, ngành Y tế và tỉnh Kon Tum đã kịp thời triển khai đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất vào xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm tại địa phương giải quyết triệt để đã góp phần làm sạch môi trường tại cơ sở y tế cũng như đem lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!