Cho đến nay các nhà khoa học xác định HIV có thể lây theo 3 con đường là: Đường máu, đường tình dục và đường truyền từ mẹ sang con.
Lây truyền qua đường máu
Do HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó về nguyên tắc mọi sự tiếp xúc trực tiếp của da, niêm mạc với máu của người mà ta chưa biết chắc chắn là chưa nhiễm HIV đều có thể có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.
Cụ thể, HIV có thể lây truyền từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như dùng chung bơm kim tiêm nhất là với người tiêm chích ma túy, dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày; dùng chung hoặc chưa được tiệt trùng đúng cách các loại dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da.
HIV có thể lây truyền qua các vật dụng có khả năng đã dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu.
HIV còn có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu khác như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở, da, niêm mạc bị xây xát.
HIV còn lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu không được tiệt trùng đúng cách.
Như vậy trong sinh hoạt cộng đồng, hành vi tiêm chích ma túy là hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV qua đường máu.
Lây truyền qua đường tình dục - Lây truyền từ mẹ sang con - Lây truyền qua đường máu
Lây truyền HIV qua đường tình dục
Do HIV có nhiều trong dịch sinh dục như tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ với số lượng đủ để làm lây truyền từ người này sang người khác. Cho nên về nguyên tắc, mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là chưa nhiễm HIV đều có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Đường tình dục là một trong 3 con đường chính lây truyền HIV, được coi là phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 70-80% tổng số người nhiễm HIV hiện đang còn sống trên thế giới là bị lây nhiễm HIV qua con đường này. Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể như máu, dịch sinh dục có chứa HIV xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV trong quá trình quan hệ tình dục.
HIV có thể xâm nhập qua cả những vết trầy xước nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy. Do vậy tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Những người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục mua – bán dâm là hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con
Ảnh minh họa
Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ:
Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh rau.
Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể tăng lên, hay nói cách khác, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua bánh rau sang thai nhi tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng lên hoặc khi mang thai rồi mẹ mới bị nhiễm HIV. Vì khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao. Tương tự như vậy, người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn, tức là đã ở giai đoạn AIDS mới mang thai thì nguy cơ này cũng tăng lên.
Khi sinh:HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào đứa trẻ. Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ xâm nhập qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể của trẻ sơ sinh.
Người ta cũng cho rằng các cơn co tử cung mạnh cũng có thể đẩy HIV từ máu mẹ vào tuần hoàn của thai nhi, đặc biệt là trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ lâu còn có thể gây ra dập nát của nhiều tổ chức của mẹ và đứa trẻ có thể nuốt phải một số vi-rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên.
Khi cho con bú: Cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV cũng có trong sữa mẹ nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ khi chúng bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Khi bú HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng.
Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Thời gian cho con bú càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV cho con càng lớn. Các viêm vú, nứt vú, áp xe vú của mẹ hay các tổn thương ở miệng trẻ sơ sinh hoặc bệnh nhiễm khuẩn của mẹ trong khi cho con bú cũng làm tăng nguy cơ làm lây truyền HIV sang trẻ sơ sinh.
Như vậy một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị nhiễm HIV. Chỉ có 1/3 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV sẽ thực sự bị nhiễm HIV. Tức là cứ 100 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV thì có khoảng 30-35 trẻ bị nhiễm HIV.
Trong những năm gần đây các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được ngành y tế áp dụng đã làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ xuống chỉ còn 5-7% (nghĩa là trong trường hợp cả mẹ và con được tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách thích hợp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống còn 5% hoặc thấp hơn).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!