Hở van tim là nguyên nhân gây suy tim

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Thuốc không thể làm hết tình trạng hở van tim cũng như không thể giúp tim nhỏ lại, song sẽ giúp bệnh không nặng thêm.

Tôi là Nhân, năm nay 49 tuổi, ở Hà Nội. Cách đây 6,7 tháng về trước vào thời điểm gặt hái cho vụ mùa đông xuân nên tôi làm hơi quá sức.

Vài ngày sau đó tôi thấy trong người mệt mỏi và có biểu hiện ngực đau tức và dần dần dội hơi rất khó thở. Tôi lên bệnh viện Việt Đức khám thì kết quả là tôi bị hở 4 chiếc van tim và tim to hơn bình thường. Bệnh viện cho thuốc về uống được một thời gjan rồi tôi lên khám lại thì kết quả không đỡ hơn nhiều.

Từ đó đến nay tôi vẫn uống thuốc đều đặn. Vậy tôi xin hỏi bác sĩ là nếu tôi tiếp tục ở nhà uống thuốc như thế liệu có ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ sau này không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bác,

Theo như lời kể trong thư, bác năm nay 49 tuổi, gần đây có biểu hiện mệt mỏi, đau tức ngực, đi khám các bác sĩ xác định bị hở van tim và tim to hơn bình thường. Như vậy là bác đã bị suy tim do nguyên nhân hở van tim.

Hở van tim là nguyên nhân gây suy tim

Ảnh minh họa

Tim của chúng ta có 4 van tim, gồm van 2 lá chắn giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, van 3 lá giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải, van động mạch chủ - hay van tổ chim - ngăn giữa tâm thất trái và động mạch chủ, van động mạch phổi ngăn giữa động mạch phổi và tâm nhĩ phải.

Bình thường các van này chỉ cho máu lưu thông theo một chiều và không thể chảy ngược lại được. Khi bị hở, các van sẽ đóng không kín.

Khi đó mỗi lần tim co bóp, máu sẽ trào ngược qua lỗ van, lâu dần khiến tim phải hoạt động quá sức, dẫn đến tim bị suy. Những triệu chứng mà bác gặp phải như đau tức ngực, dội hơi khó thở, nhất là khi làm việc nặng, tim to chính là những biểu hiện của suy tim.

Bác đã đi khám tại Bệnh viện Việt Đức và được các bác sĩ cho thuốc về điều trị. Với suy tim do hở van tim, thuốc có tác dụng hỗ trợ sự co bóp của tim. Tuy nhiên, suy tim là một bệnh mạn tính, vì thế việc dùng thuốc lâu dài, có thể là cả đời theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là rất cần thiết.

Bác cũng cần chú ý đến những vấn đề sau:

- Bỏ thuốc lá, thuốc lào (nếu đang hút).

- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

- Cân hàng ngày để xem có tăng cân không, nếu tăng cân cần chú ý đến tình trạng phù.

- Theo dõi lượng chất lỏng đưa vào cơ thể mỗi ngày, bao gồm nước uống, nước canh...

- Theo dõi huyết áp hàng ngày.

- Giảm cân hoặc duy trì cân nặng theo lời khuyên của bác sĩ.

- Bỏ hoặc hạn chế bia rượu, cà phê.

- Ăn chế độ ăn có lợi cho tim.

- Ăn nhạt và ăn ít những thức ăn có muối, chất béo bão hòa.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Nghỉ ngơi đầy đủ.

Thuốc không thể làm hết tình trạng hở van tim cũng như không thể giúp tim ‘nhỏ’ trở lại, song sẽ giúp bệnh không nặng thêm.

Với những trường hợp van tim bị tổn thương nhiều, có thể phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van tim.

Nếu còn lo lắng, bác có thể đi khám tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch như Bệnh viện Tim mạch TƯ, Bệnh viện Tim mạch Hà Nội. Điều quan trọng nhất là bác cần tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ và đi khám, kiểm tra thường xuyên theo lịch hẹn.

Chúc bác luôn khỏe!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!